Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định
18:24', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Trong không khí náo nức của một mùa xuân mới đang về, chúng tôi đã nối mạng với một số du học sinh Bình Định đang học tập ở nước ngoài, nghe họ chia sẻ những cảm xúc về việc đón Tết xa nhà và những cảm nhận về sự đổi thay từng ngày của quê hương.

* LÂM DUY VIỆT (Cựu học sinh Quốc học Quy Nhơn, hiện đang học năm thứ 3 chương trình Tiến sĩ Hóa học tại trường Đại học Carnegie Mellon bang Pennsylvania - Hoa Kỳ):

Lâm Duy Việt và em gái.

Những năm đầu tôi học đại học ở thành phố Los Angeles và San Francisco (bang California), sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt đông hơn nên việc tổ chức đón Tết cũng lớn hơn, vui hơn, và thức ăn cũng phong phú hơn, có cả bánh chưng, dưa kiệu… Bây giờ tôi sang Pittsburgh (bang Pennsylvania), nằm ở bờ Đông nước Mỹ, người Việt rất thưa thớt. Số sinh viên Việt Nam du học ở trường đếm được trên đầu ngón tay, nhưng có lẽ vì thế mà ngày Tết mọi người lại cảm thấy khăng khít hơn. Cảm giác đó chắc tất cả du học sinh Việt Nam đều cảm nhận được. Bên cạnh đó, tôi có may mắn hơn nhiều bạn khác vì có em gái bên này (em Lâm Ánh Vy đang học năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh tại trường Ohio State University), nên lúc nào buồn, nhớ nhà thì có thể nói chuyện điện thoại, hoặc ghé thăm.

Pittsburgh, bận gì thì bận, đêm Giao thừa nào bạn bè cùng trường cũng tổ chức gặp mặt, nấu nướng vài món ăn truyền thống, tổ chức trò chơi. Chẳng có gì nhiều, nhưng tối thiểu cũng nói được tiếng Việt với nhau, và ít nhiều cảm giác được cái không khí ngày Tết thiêng liêng với những người đồng hương.

Giao thừa, tôi vẫn xem cầu truyền hình qua phát sóng trực tuyến, rồi tranh thủ gọi điện thoại về cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam chúc Tết sớm một tí, vì thường đến đúng Giao thừa là mạng điện thoại hay kẹt, chẳng liên lạc được với ai.

Có xa quê một thời gian, khi trở về mới thấy được thành phố mình đã thay da đổi thịt nhiều. Hai điểm nổi bật nhất mà tôi nhận thấy ngay là cầu Thị Nại và khu dân cư ở sân bay cũ. Ngoài việc thuận tiện cho giao thông đi lại và phát triển kinh tế, cầu Thị Nại còn là một điểm đi dạo lý tưởng. Còn khu sân bay có vẻ cũng đang dần dần trở thành trung tâm mới của TP Quy Nhơn.

* ĐẶNG VĂN DIỄN (quê Tây Thuận, Tây Sơn; sinh viên năm 4 ngành Môi trường - Đại học Nông nghiệp Plovdiv, Bulgaria):

Đặng Văn Diễn

Bulgaria là một trong những quốc gia có rất ít người Việt sinh sống, hầu hết tập trung ở thủ đô Sofia. Lên đường du học từ năm 2004 theo diện hợp tác đào tạo giữa chính phủ Bulgaria và Việt Nam, đến nay tôi chưa được về nhà lần nào. Tết năm 2007, Bulgaria chính thức gia nhập EU, một sự kiện lớn nên cả nước tổ chức mừng Tết dương lịch rất lớn. Đại sứ quán Việt Nam và Hội đồng hương người Việt ở Bulgaria cũng nhân sự kiện đó mà tổ chức Tết ta hoành tráng hơn các năm tại trung tâm thủ đô Sofia. Cũng có bánh chưng, dưa kiệu bên cạnh Champage, bánh ngọt, đồ ăn châu Âu.

Điều tôi nhớ mãi là trước lúc vào tiệc, một bác trung niên lấy ra một bó đũa tre, không ai bảo ai, mọi người lấy dao, nĩa cất sang một bên! Các bé trai mặc áo dài khăn đóng, bé gái mặc áo tứ thân tham gia thi diễn trang phục truyền thống.

Cảm động nhất là các bác tuổi đã cao lên hát toàn các bài về quê hương, đất nước. Cả Bulgaria chỉ có hai sinh viên Bình Định là tôi và Lê Duy Thanh người vùng Nam Phương Danh, thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn), học ở trường Công nghệ hóa thực phẩm, thành phố Plovdiv. Nếu không đến Đại sứ quán đón Tết cùng mọi người thì hai chúng tôi chỉ biết nằm ký túc xá mà quấn chăn, rưng rức nhớ nhà.

Điều này làm một người trẻ như tôi thấm thía cái đáng quý, ấm áp của tình đồng hương xứ sở. Trông ra những con đường rực sáng của thủ đô Sofia về đêm, tôi bỗng loáng thoáng bên mình hình ảnh nhiều dòng xe đổ về khu du lịch Hầm Hô, cái hùng tráng của lễ hội Đống Đa mà khi còn ở nhà, tôi và đám bạn không năm nào bỏ lỡ.

* TÔ ĐÌNH TRƯỜNG (quê thị trấn Ngô Mây, Phù Cát, đang học năm cuối ngành Công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa Seberia, Liên bang Nga):

Tô Đình Trường (đầu tiên, hàng thứ ba, bên phải) và các bạn sinh viên Việt Nam đón Tết tại Đại học Seberia.

Càng gần đến Tết, tôi càng cố quên đi ý niệm về thời gian. Quyết định du học là chấp nhận cuộc sống tự lập, xa nhà, xa quê, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của gia đình. “Mặc định” trong đầu suy nghĩ ấy, nên tôi nghĩ tâm trạng nao nao trong những ngày sắp đến Tết trong cái Tết đầu tiên xa nhà chỉ như một cơn say sóng, vài giờ sẽ khỏi. Ai ngờ càng gần đến Giao thừa, bản lĩnh mà tôi cho là thép ấy chảy tan thành nước mắt.

Nhìn vào bất cứ nơi đâu, cảnh vật nào trong khuôn viên ký túc xá, trước mắt tôi cũng mường tượng ra dáng ông nội tôi cầm đèn ra sân săm soi mấy chậu mai, tiếc hùi hụi vì năm nay thời tiết lạnh, ông vặt lá muộn nên hoa ra trễ. Rồi bà nội tôi mặc bộ đồ bà ba mới, đầu quấn khăn xéo đi qua đi lại, mãn nguyện trước chồng bánh tét tròn đẹp vừa vớt bốc khói nghi ngút.

Tết cũng là thời điểm mùa đông nước Nga đạt cái lạnh đỉnh điểm trong năm. Đi giữa những ụ tuyết chất ngất, tôi quay quắt nhớ cái nắng giêng hai ấm áp quê mình. Tết đến là lúc sinh viên thi học kỳ xong, thường rơi vào kỳ nghỉ đông bên này. Được nghỉ, nằm ký túc xá trốn lạnh nhưng lại không có đủ thời gian và tiền để về nhà ăn Tết, không có cái hạnh phúc được đẫm mình trong cái nóng hanh hao quê mình. Thèm thiệt là thèm!

Tết, năm nào sinh viên Việt Nam cũng tổ chức nấu bánh chưng cho đỡ nhớ nhà. Nguyên liệu mua ở khu chợ Việt, nếp gạo thì nhiều chứ lá dong, lá chuối, lạt buộc thì hiếm. Bánh chưng nấu ở đây gói bằng nilon, buộc bằng dây nhựa, ngoài bọc một lớp lá xanh cho ra cái bánh chưng.

* TRẦN PHAN MINH HIẾU (Cựu học sinh Trưng Vương, Quy Nhơn, hiện đang học tại Đại học Paris I, Pháp):

Trần Phan Minh Hiếu

Đã 3 năm nay Hiếu không được đón Tết ở quê hương. Ở đây, các bạn du học sinh xa quê đến từ nhiều nơi trên đất nước hình chữ S, nam có, bắc có, chỉ duy nhất Hiếu đến từ Bình Định.

Sau cái lần nhớ nhà quá, nhận thấy việc cần thiết tổ chức một buổi đón Tết với anh em, bạn bè ở cộng đồng du học sinh là rất ý nghĩa, Hiếu đã cùng một vài du học sinh ở vùng ngoại ô nam Paris đứng ra tổ chức Tết. Cùng nhau đón Tết xa nhà trong không khí đầm ấm và gần gũi, mọi người như cùng tìm lại những hương vị đất Việt, để bớt đi nỗi nhớ nhà.

Nhưng để được hít thở không khí Tết ở Paris, Hiếu và các bạn phải đến quận 13 - nơi cộng đồng người châu Á khá đông. Ở đây, người ta chăng đèn kết hoa trên các tuyến phố, hàng quán trang trí rực rỡ, có múa lân và có những nhánh mai, cành đào.

Những ngày này, Hiếu thường gọi điện về nói chuyện với má ở Quy Nhơn, hỏi má đã chuẩn bị gì cho ngày Tết? Và thấy như mình đã thêm nhiều tuổi lắm.

Có lẽ khi ta đi xa, mới cảm nhận hết thảy cái tình cảm với quê hương đất nước, từ những điều nhỏ nhất. Quê hương Bình Định mình giờ có nhiều đổi thay. Chẳng hạn như cây cầu Thị Nại nối Quy Nhơn với tương lai của sự phồn thịnh mà chưa một lần Hiếu được ngắm nhìn trực tiếp; Quy Nhơn thêm những con đường xanh và đẹp, bãi biển đang dần hoàn thiện hơn về cảnh quan, các tòa nhà cao tầng đang được xây dựng; các dự án mời gọi, mà trên hết là đời sống người dân đang được cải thiện nhiều cả về chất và lượng.

Có lần nghe một người bạn khen về tập thể lãnh đạo tỉnh nhà năng động và cởi mở cũng làm cho mình vui và tự hào. Hiếu tin, Bình Định sẽ cất cánh, để trở thành một trung tâm của khu vực.

  • Thúc Giáp - Sao Ly (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và bài học lịch sử  (18/01/2009)
Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi  (18/01/2009)
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)
Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố  (18/01/2009)
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)
Nghề chơi cũng lắm công phu  (18/01/2009)
Về nơi đất ca, đất hát  (18/01/2009)
Thơ  (18/01/2009)
Câu đối  (18/01/2009)
Tết với các chiến sĩ biên phòng trên biển  (18/01/2009)
Rượu cần ngày Tết của người Ba na  (18/01/2009)
Biểu tượng sừng trâu trong tâm thức người H’rê  (18/01/2009)