Đón Tết hai lần
19:35', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Đón Tết hai lần, đó là niềm vui lớn của những người đang sinh sống ở nước ngoài. Họ hân hoan đón chào Tết dương lịch nơi xứ người và kịp trở về đón chào thời khắc Giao thừa bên người thân ở chốn “chôn nhau cắt rốn” Bình Định.

 

Tết dương lịch, anh Luyện nghỉ 1 ngày đi chơi ở Las Vesgas. Ảnh: H.Y

 

* Tết dương lịch: du lịch và làm việc

Trước lễ Giáng sinh 5 ngày, những đợt rét lạnh kèm theo những bông tuyết đầu mùa xuất hiện ở Bang California, thủ đô Washington và các bang liền cận Maryland và Virginia (Mỹ). Thời tiết lạnh không ngăn cản được sự chuẩn bị đón Tết 2009 nhộn nhịp của cộng đồng người Việt trong vùng cùng người dân ở Mỹ. Ông Huỳnh Khắc Vọng (79 tuổi) quê ở xã Phước Thuận (Tuy Phước) đang ở Bang Texas, có 30 năm đón Tết dương lịch tại nước Mỹ kể, năm nào, vợ chồng ông cũng lục đục dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây Nô-en, chuẩn bị các món ăn ngon chờ đón con cháu trở về quây quần. Vậy mà, ngày cận Tết dương lịch, vợ chồng ông chỉ nhận được lời chúc Tết qua điện thoại vì các con bận việc. Vợ chồng ông đành chúc mừng nhau bằng ly rượu sâm banh và nỗi nhớ con cháu. Ông Vọng tâm sự: “Vợ chồng tôi chẳng trách gì con cháu vì phong tục trở về với mái ấm gia đình của người nước ngoài không như Việt Nam. Tết dương lịch là dịp được nghỉ phép, đứa nào cũng lo đăng ký đi du lịch hoặc bận rộn với công việc riêng. Có đứa lo làm việc để dành ngày nghỉ phép để về sum họp bên gia đình và tham gia cùng cộng đồng người Việt chào đón Tết âm lịch”.

Tết dương lịch, người nước ngoài chỉ nghỉ 2-3 ngày nên ai cũng tranh thủ đi chơi theo sở thích và cộng đồng người Việt không ngoại lệ. Bạn Nguyễn Văn Thanh (27 tuổi) quê xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn) đang ở Đức cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Đức rất ít lại không sống tập trung ở một nơi nên rất khó gặp và biết nhau. Vì vậy, mình chỉ đón Tết cùng người bản địa thôi. Nghỉ phép 1 tuần, rủ thêm 1-2 người bạn phóng xe đi “đón Tết” ở các nước lân cận như Pháp, Bỉ, Phần Lan, Thụy Sĩ”. Có Tết dương lịch năm 2004, Thanh cùng gần 100 người Việt tổ chức họp mặt tại một khách sạn nhỏ ở Belin.

* Tết âm lịch: hướng về cội nguồn

Xa quê hương 9 năm, Huỳnh Địch Luyện gốc ở KV7, phường Lê Lợi (TP. Quy Nhơn) hiện ở Quận Cam (California), lên kế hoạch về quê ăn tết Kỷ Sửu cùng ông bà ngoại từ tháng 7.2008. Luyện đặt vé máy bay sớm vì sợ lỡ kế hoạch. Vì vậy, những ngày Tết dương lịch Luyện không nghỉ phép vì muốn để dành thời gian hồi hương. Luyện tâm sự: “Để giữ hương vị và không khí Tết, gia đình mình cố gắng thu xếp thời gian đi chợ Tết, đến khu Tết người Việt để mua sắm. Cũng bánh chưng xanh, cũng mứt bánh, trái cây, hoa Tết; cũng lập bàn thờ tổ tiên, cúng đưa ông Táo, cúng Giao thừa mời ông bà về ăn Tết với gia đình. Nhưng mỗi thời khắc gần đến Giao thừa là trào dâng thêm nỗi nhớ”. Luyện kể, ba mẹ ngồi nghe tiếng pháo, ngắm cành mai rực rỡ màu vàng cùng các con thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên mà rơi lệ. Tết của người Việt ở nước ngoài vẫn man mác nỗi buồn của người xa quê. Mặc dù, thời đại công nghệ thông tin, Luyện cùng gia đình ở Việt Nam đón tết online cùng người thân bên Mỹ qua web cam. Cảm giác nhớ quê có đỡ hơn nhưng không thể nguôi ngoai. Đó là lý do mà Luyện cố gắng dành dụm, tiết kiệm khoản chi tiêu cá nhân để về Quy Nhơn đón tết Kỷ Sửu sau khi kịp đón Tết dương lịch 2009 với gia đình. Riêng bạn Thanh thì có 15 Tết dương lịch cùng gia đình ở Đức. Thanh khoác ba lô trở về để thỏa nỗi nhớ và thắp nén nhang làm ấm lòng cha mẹ đang yên nghỉ ở Nhơn Lý.

5 năm qua, ông Vọng đều trở về quê từ tháng chạp để cùng người thân ở Việt Nam đón Tết âm lịch. Mọi người vẫn đùa vui rằng ông là người đón nhiều ngày Tết nhất, mỗi năm 2 lần tết: dương lịch và âm lịch. Ông Vọng kể: “Những tháng ngày vất vả, vắt sức ra làm việc ở xứ người, giờ tôi muốn tâm hồn mình hướng về cội nguồn, làm những việc mình thích và có ích cho quê hương”. Mỗi lần về quê, ông đều dành ít tiền để lần lượt làm từ thiện, sửa sang phần mộ cho dòng họ, xây nhà từ đường… Số tiền ông đóng góp cho quê nhà khá lớn song mấy ai biết được cuộc sống của ông cũng muôn vàn khổ cực ở xứ người. Số tiền chi phí cho mỗi chuyến trở về của ông đều nhờ vào công việc nhặt vỏ lon bia, đồ hộp. Ông kể, mỗi buổi sáng, tối tập thể dục bằng cách đi bộ, tay cầm theo túi ni lông và nhặt bất cứ cái gì có thể đem bán được. Sau 11 tháng cố gắng kiếm thêm thu nhập từ vật dụng bỏ đi ấy, ông trở về Quy Nhơn chi tiêu vào những việc có ích. Những chuyến trở về đón Tết  âm lịch, ông lại ngậm ngùi trong hạnh phúc như đứa trẻ được ấp ủ trong vòng tay của Mẹ: “Con trở về nhà đây Mẹ ơi. Nhiều năm xa biệt ở quê người. Không Mẹ kề bên con lạc bước. Loanh quanh trong khốn khó cuộc đời...” (Nhà thơ Trần Kiêu Bạc, Bang California, Mỹ).

  • Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định  (18/01/2009)
50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và bài học lịch sử  (18/01/2009)
Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi  (18/01/2009)
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)
Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố  (18/01/2009)
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)
Nghề chơi cũng lắm công phu  (18/01/2009)
Về nơi đất ca, đất hát  (18/01/2009)
Thơ  (18/01/2009)
Câu đối  (18/01/2009)
Tết với các chiến sĩ biên phòng trên biển  (18/01/2009)
Rượu cần ngày Tết của người Ba na  (18/01/2009)