Không giống như Việt Nam, Tết cổ truyền của nước bạn Lào nhằm vào các ngày từ 14 đến 16.4 dương lịch hàng năm. Tuy nhiên, vào những ngày Tết Nguyên đán của ta, những người Việt nói chung và người Bình Định nói riêng đang làm việc, sinh sống tại các tỉnh thuộc miền Nam nước Lào vẫn cố gắng tạo những ngày Tết vui tươi, đầm ấm.
|
Một cửa hàng của người Việt tại Sê Kông (Lào). Ảnh: Viết Thọ
|
Vào những ngày Tết Nguyên đán, người Lào gốc Việt hay những người Việt đang sinh sống, làm ăn tại Lào vẫn không quên đón Tết cổ truyền cùng với quê hương mình. Tết Nguyên đán, họ cũng có mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét trên bàn thờ tổ tiên. Giao thông ngày càng thuận tiện nên vào dịp Tết, nhiều người còn đặt mua chậu mai vàng hay nhánh hoa đào ở quê nhà mang qua trưng bày trong những ngày Tết. Vào buổi chiều của ngày âm lịch cuối năm, họ cúng rước ông bà. Ba ngày Tết, cộng đồng người Bình Định nói riêng và người Việt nói chung cùng nhau chúc Tết bằng những ly rượu với dưa kiệu và cả những bao tiền mừng tuổi... Anh Nguyễn Minh Hoàng, một doanh nhân Việt kiều ở Pakse, tâm sự: “Quê gốc tôi ở An Nhơn (Bình Định), sau ngày giải phóng đất nước, cả gia đình tôi lên Gia Lai sinh sống. Cách đây hơn 10 năm, tôi qua Pakse buôn bán, sau đó đưa cả vợ con tôi qua đây sinh sống luôn. Từ 5 năm trở về trước, Tết Nguyên đán nào cả gia đình tôi cũng về Việt Nam ăn Tết với ông bà bên ấy. Nhưng mấy năm gần đây, do công việc kinh doanh quá bận rộn nên chúng tôi không có điều kiện về quê ăn Tết nữa. Đã qua mấy năm không ăn Tết ở quê nhà, nhưng năm nào chúng tôi cũng rạo rực mỗi khi đến Tết Nguyên đán. Nhất là đêm Giao thừa, khi xem tivi chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam, thấy không khí đón Tết của người Việt mình, gia đình chúng tôi ai cũng thấy rạo rực, muốn bay ngay về quê ăn Tết…”.
Trong số những người gốc Bình Định, nhiều người chưa từng một lần về cũng như ăn Tết ở quê cha đất tổ lần nào, nhưng nói đến Tết Nguyên đán, nhiều người vẫn không khỏi háo hức. Với giọng Việt lơ lớ, chị Phạm Thị Bảy, ở Sekong, cho biết: “Cách đây 30 năm, cha tôi từ Bình Định qua đây lập nghiệp rồi lấy mẹ tôi, sinh ra tôi trên đất Sekong này. Mặc dù chưa được về quê cha lần nào, nhưng Tết Nguyên đán năm nào cả gia đình tôi cũng nghỉ ngơi ăn Tết cùng với cộng đồng người Việt ở đây. Ba ngày Tết, gia đình bạn bè của ba tôi là người Việt sống, làm việc ở Sekong và các tỉnh Attapư, Chămpasak... cũng đến chúc Tết. Không chỉ người Việt, những người Lào thân quen với gia đình tôi cũng đến chia vui trong dịp Tết Nguyên đán. Lúc nhỏ tôi còn được bạn bè ba tôi lì xì nữa chứ...”.
Đến dịp Tết Nguyên đán, trong số những người Bình Định đang sinh sống và làm việc tại Lào, xốn xang nhất vẫn là những công nhân, viên chức đang làm việc cho các dự án tại Lào. Vì điều kiện công việc, trong số hơn 2.000 người Bình Định đang làm việc tại các dự án ở các tỉnh Nam Lào, không ít người phải ăn Tết Nguyên đán trên đất Lào. Mặc dù không vui như ăn Tết ở quê nhà, nhưng họ vẫn có một cái Tết đầm ấm, vui tươi và ấm cúng. Anh Nguyễn Thanh Bình - Công nhân Công ty BIDINA - kể: “Vì điều kiện công việc nên đến dịp Tết hàng năm anh em chúng tôi phải thay phiên nhau ở lại làm việc. Một lần ăn Tết Nguyên đán ở Lào, phải nói rằng tâm trạng những ngày được phân công trực, tôi và anh em đồng nghiệp buồn lắm. Nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty và anh em đồng nghiệp, chúng tôi vẫn có được một cái Tết vui tươi, đầm ấm. Đương nhiên không vui như Tết ở quê nhà, nhưng ở đơn vị chúng tôi vẫn có hoa mai vàng, bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt và rượu, bia. Ba ngày Tết, chúng tôi vẫn nâng ly chúc Tết như ở nhà, chỉ có điều hơi nhớ vợ con, gia đình và bạn bè”.
Khi bài báo này đến với bạn đọc cũng là lúc một cái Tết Nguyên đán nữa lại đến gần. Và ở các tỉnh Nam Lào, vì điều kiện gia đình, công việc, sẽ có nhiều người Bình Định nói riêng và người Việt nói chung tiếp tục đón một cái Tết trên đất nước bạn. Hy vọng rằng mọi người sẽ tiếp tục có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm như không khí Tết ở quê nhà.
Những năm gần đây, lượng người Việt đến sinh sống, công tác tại Lào ngày càng nhiều hơn. Riêng Bình Định có khoảng trên 2.000 người đang sinh sống và làm việc, chủ yếu tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Nam Lào như Attapư, Sekong, Champasak. Ngoài số ít đến làm ăn, sinh sống từ hàng chục năm qua, lượng người Bình Định đến Nam Lào nhiều nhất trong 5 năm gần đây để làm việc cho các dự án lớn của các nhà đầu tư Bình Định, như: Công ty Cao su Hữu nghị Việt - Lào (BIDIPHAR liên doanh với Công ty Dược phẩm CBF) với 5.000 ha cao su và cây công nghiệp; Công ty TNHH Công– Nông nghiệp (BIDINA – đơn vị liên doanh giữa Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định và Công ty Cổ phần Đường Bình Định) với 10.000 ha trồng các loại cây cao su, mía, mì; Xí nghiệp chế biến gỗ Đức Duy tại Attapư... | |