Những “đặc sản” trên đường trở thành “thương hiệu”
20:10', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Những đặc sản, có thể là đặc sản thể hiện qua dạng vật chất cụ thể, có thể là “đặc sản tinh thần”, nhưng tất thảy đều kết tinh những giá trị truyền thống, những trầm tích của đất và người đất Võ. Những “đặc sản” ấy có thể xây dựng thành những thương hiệu? Tại sao không, khi mà Festival Huế hay bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc… đã thành những thương hiệu của địa phương. Vậy thì, phải tính sao với những võ, tuồng, bài chòi… với những đặc sản như nước mắm Bình Định, bánh tráng, rượu Bầu Đá… Và cả với Festival Tây Sơn - Bình Định, một “thương hiệu” lễ hội đang nên hình?

 

Xây dựng “thương hiệu” Festival Tây Sơn - Bình Định

Ngay lần tổ chức đầu tiên, Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 với chủ đề “Hội tụ và phát triển” đã gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, thành công ấy chỉ là bước đầu trên hành trình xây dựng một “thương hiệu” Festival riêng cho Bình Định…

 

Một tiết mục lễ bế mạc Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 Ảnh: Hứa Thiện

 

* Những dấu ấn riêng

Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, thông qua các hoạt động hoành tráng, đặc sắc, đã giới thiệu đến với du khách truyền thống văn hóa và những “đặc sản tinh thần” độc đáo nhất của Bình Định như quê tuồng, đất võ, xứ thơ, những món ẩm thực xứ Nẫu đậm đà...

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì Festival chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu, quảng bá chứ chưa thực sự khai thác hiệu quả để làm nổi bật “chiều sâu” trầm tích văn hóa - lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định. Bởi vậy, Festival đã thành công ở việc giới thiệu một lễ hội mới do Bình Định tổ chức nhưng có tầm cỡ Quốc gia. Trong Festival, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ thực sự để lại nhiều ấn tượng. Trong đó, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam đã góp phần đem về cho Festival hai danh hiệu kỷ lục Việt Nam: Festival có nhiều chương trình võ thuật quy mô lớn nhất Việt Nam và Festival tổ chức chương trình liên hoan võ thuật với quy mô lớn nhất Việt Nam. Sau Festival, có thể cho rằng: Festival cũng như các hoạt động như Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ, Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền, đã tạo được những yếu tố cơ bản bước đầu, để có thể tiến tới xây dựng thành các thương hiệu.

* Để thành “thương hiệu”

Kết thúc Festival, Ban Tổ chức Festival đã tiến hành đánh giá kết quả và đưa ra đề xuất: nên tổ chức Festival hai đến ba năm một lần nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng đất nước con người Bình Định; đồng thời, tạo sự kiện văn hóa lớn để nhân dân được tham gia. Ngoài ra, cần nâng cấp “thương hiệu” Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam; trong đó, nên đưa thêm một số nội dung mới để tiến tới tổ chức định kỳ hai năm một lần. Về lâu dài, cần đăng ký thương hiệu Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ. Ý kiến đề xuất này là đáng hoan nghênh, nhưng không nên tách rời riêng ba hoạt động nói trên ra, mà cần tạo sự gắn kết trong “thương hiệu” chung cho Festival Tây Sơn - Bình Định.

Để thực hiện điều này, nên chăng trong Festival Tây Sơn - Bình Định lần tới, cần đi sâu vào khai thác những “đặc sản tinh thần” nổi bật của Bình Định đã vượt ra ngoài biên giới của tỉnh, của Quốc gia. Đây cũng là những yếu tố có sức thu hút mạnh mẽ với công chúng. Trong đó, cần chú ý phát huy định danh “Đất Võ” và lấy đó làm chủ đề trọng tâm của Festival, mà điểm nhấn là Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ. Hai hoạt động này cần được đầu tư nâng tầm để hoành tráng, mới lạ và cuốn hút hơn.

Cũng thông qua việc khai thác yếu tố trọng tâm là võ thuật, có thể tái hiện được những nét đặc sắc trong văn hóa - lịch sử Bình Định khác, chẳng hạn như dàn dựng lại cảnh hành binh, đánh trận của quân Tây Sơn, hay tái hiện lễ hội Đổ giàn độc đáo… với sự tham gia của các võ sư, võ sinh trong nước và quốc tế.

Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ xây dựng được “thương hiệu” Festival Tây Sơn - Bình Định có tầm cỡ và “không đụng hàng”, đủ sức cạnh tranh trong việc thu hút du khách với những lễ hội lớn khác ở các tỉnh, thành phố khác trong nước.

Ban Tổ chức Festival cũng đã đưa ra đề xuất cần thành lập bộ phận chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh để đảm nhận công việc chuẩn bị, tổ chức các Festival lần sau. Điều này là cần thiết trong quá trình hướng tới tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức Festival. Bộ phận chuyên trách này cần tập hợp được nhân sự không chỉ có năng lực chuyên môn tốt, mà cần có nhiều ý tưởng hay, độc đáo để từ đó, làm tốt vai trò tham mưu, tổ chức các hoạt động để tiếp tục nâng tầm Festival Tây Sơn - Bình Định.

  • Hoài Thu

 

FESTIVAL TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH:

Kỳ diệu và tự hào

LTS: Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, một trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2008, đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Bài viết dưới đây của Itala Elena Pucillo Trương - cô con dâu Bình Định, người Ý - đăng trên một tạp chí ở Ý, ghi lại những ấn tượng khó quên về một Festival “kỳ diệu và tự hào”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

 

Kỳ diệu. Buổi khai mạc Festival Tây Sơn - Bình Định lần đầu đã được tổ chức một cách thật quy mô và hoành tráng trong một bầu không khí đầy huyền thoại tại Quy Nhơn, một thành phố rất đẹp và duyên dáng nằm trên miền duyên hải miền Trung Việt Nam.

Nhiều năm trước đây, tại thị trấn Phú Phong, dân làng thường tổ chức các nghi lễ ở đình làng, trên danh nghĩa là để tưởng nhớ thành hoàng nhưng trên thực tế là nhằm tưởng niệm Quang Trung (1753-1792), một vị vua thông minh và cũng là  một nhà lãnh đạo tài ba, người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam chiến thắng quân xâm lược Xiêm và Trung Hoa, đồng thời dẹp tan các thế lực phản động và phong kiến để thống nhất đất nước sau bao năm nồi da xáo thịt vì nội chiến.

Năm nay, nhờ sự đóng góp của các nhà tài trợ (các công ty du lịch, ngân hàng, các công ty địa phương...) và sự trợ giúp của chính quyền tỉnh Bình Định, Festival Tây Sơn - Bình Định đã được tổ chức tại Quy Nhơn từ ngày 31.7 đến ngày 3.8.2008.

Ngay tối 31.7 đã tổ chức một buổi trình diễn “hát bội”, một loại hình nghệ thuật giống như Opera nhưng được diễn xuất chủ yếu bằng bộ điệu và lời hát, có đệm và ngắt câu bằng các nhạc cụ đặc biệt như trống chầu, các loại đàn và kèn. Bình Định là cái nôi phát xuất loại hình nghệ thuật hát bội, nhờ sự đóng góp của danh nhân Đào Tấn (1845-1907).

Trang phục của các diễn viên hát bội rất đặc thù, rất Việt Nam, tuy bề ngoài cách trang trí thêu thùa, cẩn, đính có nét hơi giống y phục của sân khấu truyền thống Trung Hoa. Điều đáng chú ý là khuôn mặt của diễn viên được hóa trang thành những mặt nạ điển hình, phù hợp với tính cách nhân vật... nhằm phân biệt một cách rõ ràng vai trò trung, nịnh, tốt, xấu trên sân khấu.

Đêm 1.8, Festival Tây Sơn - Bình Định mới chính thức khai mạc. Ngay phần mở đầu, quang cảnh đầy huyền thoại trên quảng trường dùng làm sân khấu đã khiến cho khán giả có cảm tưởng là mình đang được đưa vào một không gian và thời đại khác. Một đàn voi gồm năm con xuất hiện; trên lưng voi đầu đàn, tái hiện hình ảnh vị vua anh hùng Quang Trung ngồi trên một ghế bành phủ lụa vàng và đỏ, uy nghi tiến vào, vẫy tay chào. Tiếng trống dập dồn của các chiến binh miền núi và hàng trăm thanh gươm tuốt trần, lóe sáng dưới ánh đèn và giơ cao lên khỏi đầu rầm rập chạy sau, đã thực sự hâm nóng không khí quảng trường. Nhiều khán giả đã reo hò vì kích động xen lẫn thán phục.

Tất cả những hình ảnh sinh động đó như còn được nhân rộng lên trên một màn ảnh lớn, thỉnh thoảng, có chen vào bằng một hình ảnh tiêu biểu của Bình Định và một hiệu kỳ màu đỏ viền vàng đang tung bay trong gió, trên đó có thêu hai chữ Quang Trung bằng chữ Hán. Nhưng đó chỉ là phần mở màn cho những tiếp nối bất ngờ. Đáng nói nhất là sự xuất hiện đột ngột, giữa tiếng súng và những tràng pháo hoa, khi như từ cõi vô hình, hai con đường màu trắng nổi bật giữa các sắc màu rực rỡ, từ hai bên sân khấu, tiến ra và giao nhau thành một chiếc cầu: đó là chiếc cầu dài nhất Việt Nam (dài gần 7km) vừa được xây dựng trên đầm Thị Nại, nối liền Quy Nhơn với Khu Công nghiệp Nhơn Hội. Hình ảnh kết hợp đó lại còn có ngụ ý rằng sức mạnh cũng trở thành vô ích nếu không có sự đoàn kết giữa các chiến binh.

Rất tiếc là giữa buổi khai mạc, một cơn mưa hoàn toàn không chờ không đợi sau nhiều tháng nắng hạn đã bất ngờ xuất hiện. Thoạt đầu tiếng trống và tiếng sấm nổ lên giữa lưng chừng trời có vẻ như một phối hợp của người và trời cho buổi lễ. Nhưng cơn mưa ào ạt và tầm tã sau đó đã buộc khán giả phải tìm cách che chắn rồi cuối cùng tán loạn bỏ chạy đi tìm chỗ nấp. Thế mà trên sân khấu các diễn viên, các vũ công... vẫn tiếp tục trình diễn dưới cơn mưa như trút nước. Khán giả vừa chạy trốn mưa, vừa ngoái đầu, hay liếc mắt theo dõi buổi lễ trên màn ảnh truyền hình đặt trong phòng khách của các căn nhà dọc theo phố.

Sáng ngày 2.8, tại Sân Vận động Quy Nhơn, có buổi biểu diễn và thi đấu quốc tế về võ thuật, với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có đại diện của các nước từ Âu châu như Bồ Đào Nha, Pháp và cả đội Ý đến từ vùng Settimo Torinese. Cũng cần nói thêm, Bình Định là cái nôi phát xuất của môn võ đặc biệt: “võ Bình Định” rất nổi tiếng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mấy năm gần đây, môn võ này bắt đầu phổ biến ra Đông Nam Á và phát triển trên thế giới, nhờ sự góp công của các võ sư Bình Định sống ở nước ngoài.

Một màn trình diễn của một võ sinh Việt Nam đã làm khán giả vô cùng sửng sốt và đã để lại một ấn tượng sâu sắc. Một võ sinh mình trần bước ra khán đài. Anh ta leo lên vai các đồng môn và tung người nhảy xuống một tấm thảm đặt dưới nền nhà, trên đó trải đầy các mảnh ve chai và gương đập vụn. Đứng yên trên đống mẻ chai, anh vận sức và dùng cổ uốn cong một chiếc giáo được hai đồng môn đẩy mạnh để đâm vào cổ họng. Động tác ấy lập đi lập lại những ba lần, làm khán giả phải nín thở. Cuối cùng, để tạo ấn tượng hơn, khi ngọn giáo đang đẩy mạnh vào cổ họng từ phía trước, một đồng môn khác còn đặt lên gáy võ sinh một chồng gạch, rồi nện một búa từ sau lưng làm gạch vỡ vụn! Sau một phút thất thần, tiếng hò reo và tiếng vỗ tay của khán giả vang lên, vang động cả hội trường.

Nhóm võ sinh người Ý cũng tạo được nhiều thiện cảm và mến phục. Nhóm trình diễn gồm ba nam thanh niên tán tỉnh và chọc ghẹo ba cô gái. Sau một hồi lời qua tiếng lại, tiếp đến, những cử chỉ và hành động khiếm nhã của ba chàng đã làm các cô mất kiên nhẫn và bắt đầu sử dụng những kỹ thuật tự vệ học được từ “võ Bình Định”, đuổi các chàng ba chân bốn cẳng chạy dài trong hốt hoảng.

Đêm 2.8, trên đồi Thi nhân, nơi chôn cất thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử, còn tổ chức một buổi ngâm và bình thơ, có trình diễn âm nhạc và vũ điệu, với sự tham gia của những người yêu thơ đến từ nhiều vùng khác nhau.

Từ TP. Hồ Chí Minh có thể đến TP. Quy Nhơn bằng máy bay, bằng xe lửa, bằng xe đò hay mới đây còn có dịch vụ xe pullman có giường nằm. Đặc biệt, Golden-train chỉ chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn với toa nằm rất thoải mái và giá vé tương đối rẻ.

Ngoài ra, người ta có thể thuê xe hơi hay các loại xe vừa để phục vụ du khách tùy theo nhóm người và theo nhu cầu. Tại Quy Nhơn có rất nhiều khách sạn đủ các hạng, có loại bốn sao với spa và các tiện nghi khác. Ngoài ra, ngay tại bờ biển còn có hai resort. Nghĩa là du khách có thể thoải mái tận hưởng những ngày vui vẻ trên bãi biển tuyệt đẹp của thành phố.

Đêm 3.8 là lễ bế mạc. Sau lời chào mừng và cảm ơn các nhà tài trợ, một buổi trình diễn văn nghệ được bắt đầu; trong đó, màn trình diễn của nhóm nghệ sĩ Hàn Quốc và Lào được khán giả tán thưởng. Nhưng sức thu hút của lễ bế mạc chính là ở chung kết của cuộc thi Hoa hậu Những miền đất võ. Đây thực sự là một cuộc thi đúng nghĩa, và các thí sinh không chỉ thi sắc đẹp, mà còn đánh giá về cá tính, khả năng. Sau phần trình diễn võ nghệ còn có trả lời về đề tài văn hóa, xã hội... Cuộc thi kéo dài đến quá nửa đêm.

Ngay giữa cuộc thi và khi chấm dứt cuộc thi hoa hậu, đã có một màn trình diễn bắn pháo hoa rất ngoạn mục: màu sắc pha trộn rất đẹp mắt nhờ các kỹ thuật viên điêu luyện và khoảng thời gian bắn pháo hoa kéo rất dài…

Sau hai năm nữa, Festival mới lại được tổ chức, nhưng Bình Định vẫn còn có rất nhiều thắng cảnh và di tích để du khách có thể thăm viếng. Đáng kể nhất là các di tích tháp Chăm; cùng các thắng cảnh khác như Ghềnh Ráng, bãi cát trắng tuyệt đẹp của biển Quy Nhơn, ngắm bình minh hay hoàng hôn trên chiếc cầu hiện đại và xinh xắn vừa được bắc qua đầm Thị Nại.

Nhìn chung, Festival Tây Sơn- Bình Định là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu danh lam thắng cảnh, lịch sử, con người của vùng đất nổi tiếng về võ thuật; cũng là một thứ danh thiếp cho thấy một đất nước Việt Nam trên đường phát triển.

Và tất cả, du khách và các thành viên tham gia lễ hội, khi trở về nhà, chắc chắn sẽ mang theo trong tim hình ảnh một nụ cười thân thiện của dân tộc anh hùng này. Đây mới đích thực là một kỷ niệm dài lâu. Và hẳn sẽ có nhiều người, khi có cơ hội, sẽ đến Quy Nhơn để tìm lại những hình ảnh sống động trong mỗi lần quay lại Việt Nam.

  • I.E.P.T

(Trương Văn Dân dịch)

 

Vị phẩm chi nhất

Nước mắm Bình Định, món “Vị phẩm chi nhất” theo chữ dùng của Lê Quý Đôn, thì không phải đợi đến bây giờ mới nổi danh. “Khi má anh sinh ra, anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi/ Nên tới giờ thơ anh vẫn đậm đà thấm thía”- ấy là Xuân Diệu từng viết. Rồi những năm gần đây, nước mắm Mười Thu, Thủy Tài… cũng đã dần mở rộng thị trường, góp phần định hình dần cho một thương hiệu “Nước mắm Bình Định”. Tết này, mời bạn tìm đến một trong những “thủ phủ nước mắm” của Bình Định: hải trấn Đề Gi, để “nếm” vị mặn mòi của nước mắm cá cơm nơi này...

 

Sản phẩm nước mắm Mười Thu. Ảnh: T.M

 

* “Để mặn với tất cả những gì đằm thắm”

Cứ tháng tư đến tháng tám, khoảng cái gió nồm Nam, nắng đến gắt gao, ấy là mùa bội thu cá nục, cá cơm, cá liệt chỉ... của ngư dân Đề Gi. Các loại cá trên, đem muối làm nước mắm đều ngon, nhưng “đệ nhất” thì không loại cá nào qua nổi cá cơm than.

Cá cơm to bằng trái đậu que, đậu đũa, dài áng chừng ngón tay út, thân tròn, xương mềm, thịt bùi ngọt. Bà con ngư dân chia cá cơm ra thành hai loại: cá cơm trắng và cá cơm than. Cá cơm trắng và than đều dễ nhận biết: hai bên thân của cá cơm, nếu có đường chạy dọc màu trắng thì đó là cá cơm trắng, nếu màu đen là cá cơm than.

Tại sao cá cơm than là “cá vua” trong việc làm nước mắm? Theo bà con thì thịt cá cơm than rất thơm, lại mềm, nhiều nước nên thời gian phân rã nhanh...

Cá cơm bắt được, trước khi lên bờ, đã được ngư dân rửa sạch bằng nước biển. Người làm nước mắm cứ theo tỉ lệ ba cân rưỡi cá - một cân muối (ba cá một muối), mà trộn cho đều tay nhưng không được làm nát cá, rồi cho vào thùng. Có thể đặt một vài viên đá tròn nhẵn, sạch sẽ, để nén lớp cá xuống cho thật chặt. Ngon nhất là muối cá trong chum, am, thạp bằng sành. Tuy nhiên, đồ chứa bằng sành thường dung lượng nhỏ, nên những người chuyên làm nước mắm bán vẫn muối trong các thùng gỗ lớn hoặc nhựa. Tất cả các đồ chứa mắm đều có ống lù dẫn ra dài chừng gang tay (nên nước mắm còn có tên là nước mắm rút lù). Ống lù phải bằng tre hoặc nhựa, tuyệt đối không dùng ống nhôm, sắt, vì độ mặn trong nước mắm sẽ làm sắt, nhôm hoen rỉ, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng, hương vị của mắm. Bên trong thùng, chỗ đặt ống lù luôn luôn có một tấm lưới nhỏ như cái quạt xòe chừng lòng bàn tay, đan bằng tre hay cọng dừa, có tác dụng như một lá chắn để khi rút lù, nước mắm sẽ qua cửa lọc. Mắm nhỏ xuống từng giọt, từng giọt, sóng sánh.

Tùy theo cá lớn hay nhỏ mà muối chừng 5 đến 10 tháng. Khi thấy thịt cá đã ngấu, xâm xấp nước trên bề mặt, tỏa hương nước mắm, ấy là lúc có thể rút lù. Thường tháng ba được cá, người ta tiến hành muối, thì đến tháng chạp đã có thành phẩm đem bán Tết.

Thứ nước nhỏ ra khi rút lù đã có màu vàng đậm, nhưng vẫn chưa phải là nước mắm, mà chỉ là mắm đục. Từ mắm đục này, lại đổ vào thạp sành đem phơi ngoài nắng chừng một tháng.

Theo kinh nghiệm được tích lũy qua bao đời, muốn muối cá cơm ra nước mắm ngon, phải mua cá cơm tháng hai đến tháng tám. Bởi trong mùa mưa, nước biển không đủ độ mặn, con cá cơm thịt sẽ bở, làm mắm không ngon. Quá trình muối mắm cũng tuân thủ vài “chiêu tủ”. Ấy là, trước khi rút lù lần cuối, phải rút lù hai, ba lần từ trước rồi lại đổ nước mắm vào và ủ, mỗi lần cách nhau hai, ba tháng. Làm vậy khiến mắm đục ra hết, các lớp cá lắng xuống đều, chặt. Đến khi rút lù lần cuối, mắm đục nhỏ ra rất đậm, hứa hẹn một “lứa” nước mắm tinh túy. Khi muối mắm, nếu không đủ thạp sành có thể thay bằng thùng nhựa, gỗ và để trong mát. Nhưng khi đã rút lù, bắt buộc phải chứa mắm đục trong thạp sành và để ngoài nắng. Nếu để trong mát, độ ẩm sẽ làm mắm có mùi nặng, màu đỏ sậm chứ không vàng tươi, nước mắm không “chắc”, dễ sinh giòi. Quy trình này cũng thuận với chu kỳ của thiên nhiên. Bởi tháng 10, 11, cũng là lúc mùa mưa đã dứt, trời ấm áp. Những thạp mắm đục có dịp tắm mình dưới nắng ấm, trở nên trong veo, thơm phức. Dàn lược đã chuẩn bị sẵn, là những rổ nan hình nón, đáy rổ có núm nhọn trông như cái phễu, trên trải tấm vải lược sáng màu, sạch sẽ. Đổ mắm vào đấy, đậy kín, nước mắm chảy xuống những thau, can hứng phía dưới. Đổ nước mắm vào chai thủy tinh, lại dang nắng. Quy trình làm nước mắm đến đây đã hoàn tất.

Mắm cá cơm có màu vàng sánh, rất trong, mùi thơm chứ không ngai ngái, vị ngọt lại đậm đà, ngon đến “nhức răng”. Chấm miếng thịt luộc với nước mắm Đề Gi, vị ngon ngọt len đến tận chân răng, khiến người ăn phải chép chép lưỡi đôi lần để thưởng thức cái dư vị mặn mà lan tỏa. Gần đây, trên thị trường có loại nước mắm cá cơm Đề Gi, nhưng màu đỏ, chắc chắn đó là loại nước mắm đã có sự pha trộn.

* Để giữ gìn nghề cũ, nghiệp xưa

Nghe tôi lân la hỏi về chuyện nghề làm nước mắm Đề Gi đã có từ bao giờ, bà cụ Thêm, người lão làng của nghề làm nước mắm ở thôn An Quang, xã Cát Khánh, nhưng đã giải nghệ từ mấy năm nay, đang vui bỗng đổi quạu: “Ơ cái cô này hỏi hay chưa! Những người già nhất làng này giờ xanh cỏ ở dưới còn không biết, mới 80 tuổi đầu như tôi sao biết!”. Nhưng nói rồi, bà lại nhoẻn miệng cười: “Thì nghề làm này gắn với biển mà cô. Chắc là khi có biển, có cá cơm, đã có nghề này”!

Ở An Quang, tôi được giới thiệu đến gia đình bà Trần Thị Hương. Bà Hương làm nước mắm đã gần 20 năm, cơ sở chế biến của gia đình bà vào tầm lớn nhất Đề Gi. Thương hiệu nước mắm bà Hương “không nhãn mác” cũng nổi tiếng bậc nhất tại đây. Trung bình mỗi năm, bà Hương muối 15 tấn cá, cộng với tiền mua muối hột, tổng chi phí đầu tư trên dưới 100 triệu đồng/năm, sản xuất ra hàng ngàn lít nước mắm. Bà Hương nhẩm tính, cứ thùng cá một tấn thì cho ra 200 lít mắm nhỉ (nước đầu) và 400 lít nước hai, ba; giá nước mắm đầu 18.000 đến 20.000 đồng/lít, nước hai: 12.000 đồng, nước ba: 8.000 đồng/lít. Tính ra, mỗi năm gia đình bà thu nhập vài chục triệu đồng từ nghề làm nước mắm.

Trước khi chia tay, bà Hương tâm sự: “Chúng tôi làm nghề này đã rất lâu rồi, theo kiểu ăn chắc mặc bền, trong quy mô gia đình, không mở cơ sở chế biến cũng không làm nhãn mác, bao bì. Chính vì thói quen này mà nước mắm chúng tôi khi bán ra khắp nơi, các chủ mua vì lợi nhuận đã thêm bớt, pha trộn làm mất đi hương vị vốn có. Khi đến tay người mua, họ giới thiệu đó là nước mắm Đề Gi tinh chất! Chúng tôi biết được tiếng thơm nước mắm xứ này đã mai một đi nhiều. Nhưng hiện tại cũng chưa biết làm cách nào để tránh tình trạng buồn trên”. Chắc rằng, đây là nỗi niềm không chỉ của người làm nghề, mà của những ai còn nặng lòng với vị ngon nồng nàn của nước mắm Đề Gi.

  • Sao Ly

Bánh xèo tôm nhảy

Nói đến bánh xèo, hẳn thực khách sành ăn sẽ nhớ ngay đến quán bánh xèo của bà Năm Tuấn ngay dưới chân cầu Mỹ Cang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) “danh trấn giang hồ” đã mấy chục năm nay. Bánh xèo tôm nhảy bà Năm Tuấn vậy là đã thành một “thương hiệu”…

 

Bánh xèo tôm nhảy nay đang thành một “thương hiệu”. Ảnh: T.H

 

Quán chỉ là quán lá đơn sơ, lại nằm tít tận xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cách trung tâm TP. Quy Nhơn tới chừng 30km. Vậy mà, những ngày nghỉ, hay những dịp như Tết này, bạn chỉ cần chậm chân một chút, coi chừng… hỏng ăn. Phần bởi cái tiếng “bánh xèo tôm nhảy” đã lan xa, đến nỗi ngay những thực khách sành ăn phương xa, tìm đến Bình Định, thể nào cũng muốn ghé Phước Sơn, thưởng thức món ngon danh trấn này một lần cho biết. Thêm nữa, dù khách đông hay vãn, mỗi ngày bà Năm Tuấn cũng chỉ chuẩn bị đúng 1 ký gạo, 2 ký tôm. Thời gian mở cửa của quán luôn cố định, bắt đầu từ 7 giờ sáng.

Cái ngon của bánh xèo Mỹ Cang, ngoài cách làm bột và đổ bánh sao cho giòn, còn nằm ngay ở những con tôm đất mang đủ cái tươi ngon của vùng sông nước khu Đông. Tôm tươi rói, nhảy lách tách trong rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh đang ở trên lò than, ửng hồng lên, thật đẹp. Rau sống ăn kèm bánh là một dĩa gồm xoài và dưa leo xắt mỏng, cùng những lá xà lách, rau thơm còn tươi như mới lặt từ mảnh vườn nhà. Cạnh đó, chén nước mắm được giã đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường, pha chế hấp dẫn. Nhúng nửa cái bánh tráng, đặt cái bánh xèo lên trên kèm một ít rau sống rồi cuốn chặt lại, chấm vào chén nước mắm Gò Bồi vàng ươm. Chao ôi! Cái ngọt của tôm, cái giòn của gạo, chút chua, chát của xoài… Tất cả quyện lại - ấy đã là một phẩm vị.

Kể từ khi bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cái nhắc nhỏ của những khách sành ăn, một số quán ở Quy Nhơn bắt đầu làm theo hay thậm chí là ăn theo luôn cả “thương hiệu”…

Đầu tiên phải kể đến quán Anh Nhật Gia Viên (số 1087, đường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn). Không trương biển “Bánh xèo tôm nhảy”, nhưng đây là “món đinh” của quán. Quán mang phong cách nhà cổ, bày biện trang nhã, lịch sự. Ngoài món bánh xèo tôm nhảy, quán còn bán các loại bánh gạo khác như: bánh bèo nhân tôm thịt, bánh đúc, bánh lá, bánh canh cá thu Phú Quốc và nhiều thức uống khác. Chủ quán là người “mạnh tay” trong khâu bài trí. Chỉ tính bộ cửa ngoài của quán đã lên tới cả triệu đồng, chưa kể đến các bộ bàn ghế, trường kỷ, bình phong, liễn… Không gian quán thoáng đãng, ấm cúng, thích hợp để chỗ bạn bè thân tình hay cả đại gia đình quây quần, vừa ăn vừa tán chuyện. Thỉnh thoảng, quán còn tổ chức hô bài chòi, tạo nên một không gian rất Nẫu cho thực khách.

Dưới đó một chút, rẽ qua đường Đống Đa, cũng có đến hai, ba quán bánh trưng biển “Bánh xèo tôm nhảy” Phước Sơn hay Mỹ Cang. Khu vực gần Cảng Quy Nhơn, rồi trên đường Diên Hồng đoạn gần Trung tâm Hội chợ Triển lãm… cũng mọc lên vài quán “Bánh xèo tôm nhảy”. Vậy thì có vi phạm “bản quyền” của bà Năm Tuấn không nhỉ? Ấy là nói cho vui, chứ thực ra bà Năm Tuấn cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đăng ký thương hiệu “Bánh xèo tôm nhảy Phước Sơn” cả. Các quán đều bày biện đơn sơ, không gian hơi chật, chất lượng bánh ở mức trung bình khá. Tôm thì nhiều, nhưng so về cái độ giòn, cái hấp dẫn của vị ngon đầu lưỡi thì không sánh bằng bánh xèo tôm nhảy chính gốc Mỹ Cang.

Riêng tôi, kể từ ngày có các quán bánh xèo tôm nhảy ở Quy Nhơn, cũng đâm ra ngại đi Phước Sơn. Phần vì đường xa, phần khác lại nỗi lo còn hay hết và liệu có đến lượt mình chăng? Nhưng mà đấy mới chính lại là một trong những yếu tố quan trọng làm nên cái khác biệt của quán bánh xèo Năm Tuấn. Vừa đi, vừa ngắm cảnh đồng quê, vừa hồi hộp nghĩ đến chuyện mình sẽ được thưởng thức món bánh xèo tôm đất còn búng tanh tách trên khuôn. Thảng trong lúc chờ đợi, khách sẽ ra sau vườn ngồi dưới rặng tre hay chui hẳn vào… gầm cầu sát bờ sông mà ngồi nhìn nước chảy, mây trôi, thêm vài chú trâu đang đủng đỉnh tắm mát. Cảnh ấy, vị ấy, liệu chẳng sướng sao - ấy là tôi cũng bắt chước cách nói của Thánh Thán vậy.

  • Hoàng Lan - Nguyên Phong

 

Bánh tráng mè Trường Cửu

Đến xã Nhơn Lộc (huyện An Nhơn), đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng  nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu. Bánh  tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh.

 

Bà Hà Thị Hoa (thôn Trường Cửu) tráng bánh hơn 30 năm nay. Ảnh N.T

 

Theo các bậc cao niên trong thôn, làng bánh tráng Trường Cửu được hình thành từ hàng trăm năm trước. Thời đó, nơi này chỉ có vài chục nóc nhà làm bánh, nhưng đã cung cấp cho cả xã, cả huyện. Tiếng lành đồn xa, cho đến nay, nhắc đến Trường Cửu là người ta nghĩ ngay đến… bánh tráng. Theo thời gian, số hộ làm bánh trong làng ngày càng đông vì cứ hễ nhà nào có con lập gia đình, ra ở riêng, là làng có thêm một hộ làm bánh tráng. Đến nay, khắp làng đã có gần 200 hộ làm bánh tráng chuyên nghiệp.

Cũng như bao làng quê khác làm nghề tráng bánh ở Bình Định, người phụ nữ ở Trường Cửu đóng vai trò chính trong công việc này. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi. Bà Nguyễn Thị Hoa, người hơn 30 năm làm bánh tráng ở Trường Cửu, cho biết: “Để tráng được chiếc bánh ngon, khâu quan trọng nhất là phải chọn loại gạo tốt. Để bánh dẻo, thơm, không bở, người ta gia thêm bột mì vào bột và rắc nhiều mè lên bánh. Khi đổ bột lên khuôn, phải lắc thật đều tay để bánh tròn, đẹp, không chỗ dày chỗ mỏng. Người ta thường bỏ mè vào bột trước khi tráng bánh. Riêng tôi, khi đổ bột lên khuôn, còn rắc thêm mè, để bánh thật thơm. Ngoài ra, còn phải biết ước chừng lượng nước khi pha bột và canh lửa hợp lý, để bánh giòn, ngon”.

Ngồi một lúc lâu, trên trán bà Hoa đã lấm tấm mồ hôi. Ngoài sân, trời nắng chang chang, con gái bà tay thoăn thoắt trở những vỉ bánh, rồi nhanh nhẹn gỡ những chiếc bánh khô, cột lại thành từng ràng. Những ràng bánh này sẽ được đem ra chợ bán hoặc giao cho các thương lái.

Ở Bình Định, hầu như nhà nào cũng có sẵn ràng bánh tráng trong nhà. Bánh tráng mè của Trường Cửu dày, không dùng để cuốn, mà để ăn không, chấm với nước mắm nhỉ. Trời trưa nắng gắt, đi làm đồng về, thấy mệt trong người, anh chồng bảo cô vợ nhúng cho cái bánh tráng mè ăn đỡ đói. Cái dẻo, dai của bánh, vị thơm của mè lan khắp đầu lưỡi, làm anh thấy thật khoan khoái. Sẵn lò than đang cháy dở, anh bảo vợ nướng cái bánh mè. Cái bánh nướng vàng rộm, bẻ một miếng phát ra tiếng rốp giòn tan. Ăn hết bánh mà vị thơm của gạo của mè, vẫn còn đọng.

Trong khi một số làng nghề khác đang chịu nhiều sự cạnh tranh gay gắt và có nguy cơ bị mai một, thì làng bánh tráng Trường Cửu ngày càng được mở rộng vì có đầu ra ổn định. Có lẽ bởi bánh tráng Trường Cửu có chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại hợp lý. Hiện trung bình một ngày, các hộ làm ra khoảng 50 đến 70 kg bánh (khoảng 40 ràng), có hộ làm đến cả tạ bánh. Giá một ràng hiện dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi hộ lãi gần 100.000 đồng/ngày. Thời gian làm bánh cao điểm là từ tháng tám đến tháng chạp âm lịch, để chuẩn bị bán Tết. Trường Cửu vào những ngày này nhộn nhịp như hội, nhà nhà làm bánh, người người làm bánh. Các hộ trong làng thức cả ngày lẫn đêm, để pha bột, tráng bánh, phơi bánh. Tiếng chuyện trò, cười nói râm ran khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Cường - một hộ làm bánh tráng cho biết: “Vào thời gian đó mà có ai mời đám cưới, đám giỗ thì đành chịu. Chúng tôi hầu như không có một chút thời gian nào ngơi tay, đến cả buổi tối cũng còn phải sấy bánh cho khô để kịp giao hàng”.

Ông Cao Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc cho biết: “Xã đã quy hoạch 2.000 m2 đất để xây dựng bãi phơi bánh tráng tập trung ở Trường Cửu, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng. Hiện xã đang làm hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề bánh tráng Nhơn Lộc. Sau đó, sẽ xúc tiến xây dựng thương hiệu bánh tráng để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”.

  • Kim Khánh

 

Nghĩ trên miền đất Võ

1. Mỗi mùa hè, võ đường võ sư Trần Quang Diễn (Phù Cát) lại đón thêm ba môn sinh mới từ Hà Nội vào Bình Định học võ. Điều đáng nói, cả ba đều không phải là võ sinh muốn “tầm sư” để học thêm về võ đạo, mà chỉ là những học sinh THCS, học võ như một cách đi.. du lịch và hiểu thêm về đời sống…

 

Võ sư Trần Dần (trái) làng võ An Vinh đang luyện quyền cho học trò. Ảnh: H.Thu

 

Thật ra, chuyện võ sinh về Bình Định học võ không mới. Chẳng như, võ đường võ sư Phan Thọ những năm trước, năm nào không có võ sinh mới từ tỉnh xa, lặn lội về Bình Định để học thêm. Võ đường võ sư Phi Long Vịnh, Lâm Ngọc Phú, Lý Xuân Hỷ, Trần Dần đều vậy. Cái mới ở đây là chuyện các phụ huynh đất Bắc chịu cho con em mình, mới trong tuổi thiếu niên, lặn lội vào Bình Định, ở trọ học võ, để ngoài mục đích rèn luyện thể lực, còn là để “đi thực tế” vào đời sống nông thôn. Những cậu bé, xưa nay chỉ biết những chung cư, nhà phố, những cao ốc hay siêu thị, bỗng thấy bỡ ngỡ với con trâu, với ruộng đồng, hay chuyện đi bắt cào cào, châu chấu và chiều chiều, lại tập những bài võ dân tộc.

2. Hóa ra, “thương hiệu” của võ Bình Định từ rất lâu, đã vượt quá khỏi ranh giới của một miền đất và lan tỏa khắp nước và trở thành nơi tìm về của những người một lòng mến mộ võ học dân tộc. Chẳng thế mà nếu Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I thu hút gần 600 VĐV của 70 đoàn, trong đó có gần 300 VĐV của 40 đoàn đến từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ; thì Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II đã có gần 1.000 VĐV đến từ 109 đoàn, trong đó có 74 đoàn quốc tế. Ngoài cái ý nghĩa về sự thi thố tài năng, hai kỳ “đại hội võ lâm” này cũng là dịp để các võ sinh, võ sư học võ cổ truyền hành hương trở về miền đất tổ, cái nôi của võ Việt. “Nước xuôi ra biển lại mưa về nguồn” chẳng phải ra là cái quy luật chung của lòng người, bất kể Đông - Tây, đấy thôi.

3. Cái đặc sắc của đất Võ Bình Định đâu chỉ phải những CLB trang bị đầy đủ các dụng cụ thi đấu, ở các võ đường hoành tráng, ở những môn công phu bí truyền của từng môn phái, mà hóa ra, chính ở sự lan tỏa của võ trong cộng đồng làng. Làng võ Bình Định, cái tên gọi vừa thân quen mà vừa có sức mê hoặc kỳ lạ. Ở đó, võ đâu chỉ còn là những chiêu thức và bài bản tập luyện, mà đã trở thành một dáng nét trong văn hóa cộng đồng làng. Từ cái nôi sinh thành ấy, võ đã lan tỏa, đã được dưỡng nuôi bền bỉ, qua bao biến cố của thời gian, lịch sử, để còn mãi với muôn đời sau. Và cũng do vậy mà có lẽ chỉ ở Bình Định, mới có khái niệm “võ sư nhân dân”, tức trong đời thường, các võ sư vẫn làm ruộng, chăn bò, sửa xe đạp… nhưng khi màn đêm buông xuống, trút bỏ bộ đồ đẫm mồ hôi và khoác bộ võ phục lên người, họ trở thành những người truyền thừa võ học. Võ đường của họ, chỉ là mảnh vườn nhỏ với dụng cụ tập luyện chỉ là vài bao cát giản đơn. 

4. Làng võ Bình Định, bởi vậy, đã trở thành niềm tự hào của người dân đất Võ. Làng võ Bình Định cũng đã thành điểm đến của bao khách hành hương. Bởi vậy, tìm về Bình Định, đâu chỉ là đến với một hai võ đường, mà là để đặt chân lên An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, Phú Phong và nghe trong từng bước chân đi, lịch sử của võ học song hành cùng lịch sử của một vùng đất. Chẳng thế mà, mới đây thôi, một cơ sở du lịch đã tính làm một cuộc khảo sát các làng võ Bình Định để tiến tới tạo lập tour riêng về các làng võ. Chỉ tiếc là dự định đó bất thành, bởi những năm qua, làng võ Bình Định chưa được đầu tư nên hầu như chỉ có tiếng mà… Những làng võ tuy không cách xa nhau lắm, rất thuận cho một tour du lịch, nhưng làng võ nào cũng đã mất đi không khí đặc trưng, lại không có lấy một võ đường để khách đến tham quan hay thưởng thức vài bài võ. Có võ đường tuy danh tiếng nhưng lại nằm sâu trong một ngõ nhỏ bằng đất, chỉ vừa đủ một chiếc xe máy ra vào. Vậy là nếu muốn vào làng võ để tham quan, khách du lịch phải đi bộ tới vài trăm mét thì làm sao có ai dám mở tour? Giá như, chúng ta có sự đầu tư, để mỗi làng võ có một tổ đình, với nơi thờ tổ võ, nơi trưng bày các binh khí và thành quả của võ đường, có sân biểu diễn và nơi để du khách ngồi thưởng thức một vài bài võ đặc trưng thì có lẽ, du lịch Bình Định lại có thêm một điểm nhấn, một tour hấp dẫn.  

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ăn Tết” trên đất Nam Lào  (18/01/2009)
Đón Tết hai lần  (18/01/2009)
Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định  (18/01/2009)
50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và bài học lịch sử  (18/01/2009)
Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi  (18/01/2009)
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)
Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố  (18/01/2009)
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)
Nghề chơi cũng lắm công phu  (18/01/2009)
Về nơi đất ca, đất hát  (18/01/2009)
Thơ  (18/01/2009)
Câu đối  (18/01/2009)