Cách đây gần 10 năm, nhắc đến làng Cà Bưng, xã Canh Thuận (Vân Canh), ai từng đến đây đều chép miệng thở dài. Đó là một làng của đồng bào người Bana mới “hạ sơn”, bắt đầu cuộc sống định canh định cư ở làng mới gần trung tâm xã Canh Thuận và cách làng cũ một ngày đường đi bộ.
Làng nằm lọt thỏm dưới một thung lũng. Từ trên nhìn xuống, Cà Bưng trông nhỏ xíu với những nếp nhà sàn be bé. Xuất phát điểm của Cà Bưng là toàn bộ 22 hộ với 120 nhân khẩu nhận trợ cấp của Nhà nước, hầu như không đứa trẻ nào được đến trường, người làng chưa từng biết đến trạm y tế hay bệnh viện khi đau ốm...
Còn bây giờ...
|
Làng Cà Bưng hôm nay. Ảnh: N.S
|
* Người nổi tiếng ở làng Cà Bưng
Đến làng Cà Bưng, hỏi Đinh Văn Khách, ai cũng biết. Vì làng chỉ có vỏn vẹn 48 hộ với 167 nhân khẩu, và vì Khách là trưởng làng, dù năm nay anh mới 35 tuổi. Nhưng Khách đã nổi tiếng từ cái hồi chưa làm trưởng làng.
Năm 2004, Khách là người đầu tiên ở Cà Bưng thuê đất trồng keo. Những kinh nghiệm trong thời gian đi làm rừng thuê trước đó cộng với kiến thức từ các lớp tập huấn KHKT và sự nhanh nhạy đã đưa Khách đi đến quyết định này. Bây giờ thì anh có 5 ha rừng keo, 1 ha mì và đàn dê 50 con. Mì mỗi năm thu một vụ, keo từ khi trồng đến nay cũng đã bán được một lứa, dê thì vài tháng lại bán một lần vài con với giá 600-700 ngàn đồng/con. Cũng năm 2004, Đinh Văn Khách là người đầu tiên ở làng Cà Bưng xây nhà ngói.
Không chỉ nể Khách ở chỗ biết tính toán làm ăn, dân làng Cà Bưng còn rất tín nhiệm Đinh Văn Khách ở vai trò trưởng làng. Chị Lơ O Thị Bum - từng là chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng - nhận xét: “Từ ngày thằng Khách làm trưởng làng, thanh niên trong làng không uống rượu say xỉn, ai cũng lo làm ăn, rồi tham gia họp hành đầy đủ. Có chuyện gì nó cũng bàn với Bí thư chi bộ làng rồi mới nói với bà con. Dân tin nó lắm, nó nói mọi người đều nghe”.
Và một điều thú vị không thể không nói về Đinh Văn Khách, anh còn là cộng tác viên của Đài Truyền thanh truyền hình Vân Canh trong chương trình phát thanh tiếng Bana.
|
Nhờ biết tính toán làm ăn, Đinh Văn Khách đã xây được nhà ngói và mua sắm nhiều vật dụng hiện đại trong gia đình. Ảnh: N.S
|
* Đầu tàu của làng
Theo gương làm ăn của Đinh Văn Khách, một số hộ khác trong làng cũng bắt tay vào việc đuổi cái đói, cái nghèo. Bây giờ, hỏi ai khá nhất làng Cà Bưng, người dân ở đây có thể kể như chị Lơ O Thị Bum, ông La Mai Thảo - Bí thư chi bộ làng, anh Đinh Văn Rách - mới 20 tuổi, ông Ralan Tâm...
Chị Bum khoe vừa ký hợp đồng sẽ bán 2 ha mì vào tháng 2 tới với giá 19 triệu đồng. Năm rồi chị thu được 12 triệu đồng từ tiền bán 2.700 cây keo trong tổng số 7.000 cây của mình. Cộng với tiền dành dụm mấy năm qua, chị Bum vừa xây được ngôi nhà trị giá hơn 40 triệu đồng. Ông Ralan Tâm cũng sắp xây xong nhà mới. Còn ông La Mai Thảo thì được mọi người đánh giá là khá giả nhất làng Cà Bưng bởi vừa trồng keo, mì vừa nuôi bò, heo. Nhiều người khác cũng ý thức phải vươn lên, chăm chỉ làm ăn nếu không muốn cứ ăn cơm độn mì. Để phát triển trồng trọt, ngoài đất được cấp, người làng Cà Bưng còn bỏ sức khai hoang đất triền núi hoặc đi thuê đất.
Bà con làng Cà Bưng nói rằng, ông Thảo, anh Khách, chị Bum - những cán bộ và đồng thời cũng là những người biết làm ăn giỏi - như cái đầu tàu kéo những toa tàu phía sau. Đầu tàu có mạnh thì mới kéo đoàn tàu chạy nhanh được.
Trước đây, khi mới về làng, có lẽ cả người làng và người ngoài cũng không thể hình dung được cuộc sống lại thay đổi nhanh như vậy. Sau gần 10 năm định cư ở làng mới, 100% số hộ đã có nhà xây, trong đó có vài hộ hoàn toàn tự bỏ tiền làm chứ không nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Tất cả các hộ trong làng đều được dùng điện, nước sạch. Nói về đời sống bà con hiện nay, trưởng làng Đinh Văn Khách kể vanh vách đầy tự hào: “Làng mình đã được huyện công nhận là làng văn hóa. Đường làng đã được bê tông hết, nhờ Chương trình 135. Trong làng, nhà nào cũng có tivi, một số nhà còn có nồi cơm điện, gần một nửa số hộ có xe máy. Làng có đứa học đến lớp 11 rồi”. Và anh so sánh: “Bây giờ làng phát triển gấp mấy lần hồi mới về. Ai cũng lo làm ăn, không trồng trọt, chăn nuôi thì cũng đi làm thuê, làm mướn. Trẻ con đều được đi học. Nhiều người biết sinh đẻ có kế hoạch, ai đau thì đi bệnh viện chứ không ở nhà...”.
Một chương mới của cuộc sống đã và đang mở ra với dân làng Cà Bưng.
Chắc chắn là như vậy!
|