Đón giao thừa giữa đại dương
20:42', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng trong một năm, là lúc mọi người sum họp dưới mái ấm gia đình. Song vì miếng cơm manh áo, có những người phải đón Giao thừa giữa mênh mông đại dương...

 

Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: Hứa Thiện

 

* Giao thừa trên cánh sóng

Dân đi biển gọi chuyến đi biển giữa mùa Tết là “bao Tết”. Một chuyến bao Tết kéo dài từ khoảng sau rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng của năm mới. Thời điểm này, ít ghe tham gia đánh bắt, lượng cá cũng dồi dào hơn. Thường, chỉ có những ghe câu mực và câu cá ngừ đại dương mới bao Tết. Chủ ghe muốn làm chuyến bao Tết phải vất vả tìm kiếm “bạn”, bởi không phải ai cũng chấp nhận ăn Tết trên biển. Thông thường, chủ ghe phải liên hệ tìm bạn từ chuyến trước đó để “giữ chân”. Nhiều ghe câu mực vốn ít người đi bao Tết, để cho “chắc ăn”, hết mùa biển tháng Chạp là cứ quần ghe ở các bến, cố giữ “bạn” ở lại tiếp tục ra khơi.

Có “bạn” rồi, chủ ghe phải chuẩn bị chu tất cho chuyến đi biển đặc biệt nhất trong năm này. Các nhu yếu phẩm cần thiết cho một cái Tết trên biển không khác mấy so với trên bờ. Cũng thịt heo, thịt gà, bánh tét, bánh chưng, bánh đậu, mấy nhánh bông vạn thọ... và không quên bỏ theo ít can rượu, vài thùng bia để anh em đón Giao thừa. Ông Trần Văn Tiến, một chủ ghe ở thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) cho biết: “Bình thường, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, tổn mất từ 60 đến 70 triệu đồng. Nhưng khi đi bao Tết, tổn sẽ tăng lên khoảng 10 triệu đồng”. Ngoài sự chuẩn bị của chủ ghe, mỗi “bạn” cũng phải tự chuẩn bị cho riêng mình thức ăn khuya, nước yến, nước tăng lực... để duy trì sức làm việc trong những ngày dài vất vả (mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng).

Ông Hai Tuấn, 4 năm liền ăn Tết trên biển, kể cho tôi nghe về chuyện đón Giao thừa trên biển. Ngày 30 tháng Chạp, dù cho cá có nhiều đến mấy, đến quãng sau 21 giờ, toàn bộ thuyền viên đều ngưng công việc. Ai nấy tắm rửa sạch sẽ, tìm cho mình bộ quần áo trông “được” nhất. Những người khéo tay được cắt cử nấu nướng, chuẩn bị mâm cúng. Không khí giao thừa bắt đầu lan trên những ngọn sóng. Đúng 0 giờ, thuyền trưởng (hoặc chủ ghe) sẽ bắt đầu cúng giao thừa. Mùi hương trầm lọt thỏm giữa không gian bao la, tối mịt mùng. Giữa thời khắc thiêng liêng ấy, họ tập hợp bên chiếc radio nghe Chủ tịch nước chúc Tết.

Sau đó, cỗ bàn được dọn ra. Giữa những đợt sóng chênh chao, họ nâng ly rượu, chúc nhau những lời may mắn cho một năm mới làm ăn khấm khá hơn. Đêm ấy, tất cả quây quần bên nhau, cùng hát vang những bài ca mùa xuân, để sáng hôm sau lại tất bật với tay câu tay lưới...

* Nỗi niềm người “bao Tết”

Huỳnh Văn Thiên là bạn thân của tôi từ thuở nhỏ. Học hết lớp 6, gia đình khó khăn, Thiên bỏ học, bắt đầu cuộc sống lênh đênh trên biển. Chỉ hai năm đầu, nhớ nhà không chịu được nên phải ăn Tết ở nhà, còn những năm sau đó, năm nào Thiên cũng đón Giao thừa trên biển. Thiên kể: “Những chuyến bao Tết khổ hơn những chuyến biển vào ngày thường. Thời tiết rất khắc nghiệt, nhất là cái lạnh cắt da cắt thịt, có năm lại xuất hiện sương muối. Phải mặc cùng lúc hai cái áo mưa, trùm kín cơ thể, chỉ trừ hai con mắt, mới ngồi câu được”. Thiên bảo, đời người đi biển, quanh năm sống trên mặt nước, đến Tết ai chẳng muốn ở nhà đón Giao thừa với gia đình, nhưng vì miếng cơm manh áo, đành chấp nhận vậy. Thông thường, trong các chuyến bao Tết, thu nhập sẽ khá hơn. Như Tết năm ngoái, anh trai của Thiên sau chuyến bao Tết được chia 12 triệu đồng.

Giờ gia đình Thiên đã khá hơn. Thiên khoe mới có bạn gái. Có lẽ vì vậy mà năm nay Thiên sẽ ăn Tết ở nhà. Nhìn trong mắt bạn, thấy cả ánh nhìn đầy sung sướng. Thiên kể: “Được ăn Tết ở đất liền, với mọi người là điều bình thường, nhưng với dân đi biển, đôi khi, đó là hạnh phúc không phải ai cũng có được. Còn nhớ, trước đây, có anh lúc đang đón Giao thừa cùng mọi người, tự nhiên bỏ ra mũi ghe ngồi sụt sịt. Hỏi ra mới biết, Tết năm đó vợ anh phải “vượt cạn” mà anh không thể ở bên”.

Còn với ông Tiến, đã 4 cái Tết rồi ba cha con ông cùng bám biển. Giao thừa, ba cha con ở trên ghe, không ai bảo ai, đều nghĩ về gia đình. Thiếu bàn tay đàn ông, không biết ai sẽ sửa bình bông, lau dọn bàn thờ tổ tiên... Năm nay ba cha con ông lại bao Tết. Vợ ông bảo: “Ba cha con ổng đi bao Tết miết. Giao thừa thấy nhà người ta đông vui, mình cũng tủi thân”.

Mấy lần về quê công tác, tôi luôn cố ý tìm Việt, người bạn thân cùng xóm. Học hành dở dang, chưa đầy 15 tuổi, Việt đã gắn đời mình với những chuyến ra khơi dằng dặc. Lần này về, nghe má Việt kể, đã nửa năm nay Việt không liên lạc gì với gia đình. Mỗi mùa trăng, bạn bè lại tình cờ gặp Việt loáng thoáng đâu đó trên những quán xá ở Mỹ Tho, Vũng Tàu... Nghe những người đi bạn kể, chắc cũng gần mười năm rồi, Việt không ăn Tết ở đất liền...

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chương mới ở Cà Bưng  (18/01/2009)
Góp sức cho cuộc sống tươi đẹp  (18/01/2009)
Những “đặc sản” trên đường trở thành “thương hiệu”  (18/01/2009)
“Ăn Tết” trên đất Nam Lào  (18/01/2009)
Đón Tết hai lần  (18/01/2009)
Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định  (18/01/2009)
50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và bài học lịch sử  (18/01/2009)
Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi  (18/01/2009)
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)
Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố  (18/01/2009)
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)
Nghề chơi cũng lắm công phu  (18/01/2009)