Cát Hải- Xanh vùng cát trắng
20:48', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Chúng tôi có dịp trở lại xã Cát Hải (Phù Cát) vào những ngày cuối năm 2008. Chạy xe máy bon bon trên tỉnh lộ 639 được thảm bê tông nhựa bằng phẳng, hai bên đường là những ngôi nhà mái ngói khang trang, những cánh đồng xanh tươi. Quá khứ về một Cát Hải gian khó, nghèo nàn nay đã lùi xa…

 

Chăm sóc cây đậu phộng trên đồng đất Cát Hải. Ảnh: N.H

 

* Xanh vùng cát trắng

Hơn 3 năm trước đây, Cát Hải còn là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Phù Cát. Toàn xã có 1.505 hộ, 6.000 nhân khẩu; diện tích đất tự nhiên 4.387ha, phần lớn là đồi núi, động cát, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 370ha. Cát Hải từng được mệnh danh là vùng đất “3 đèo 4 động”, giao thông cách trở, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Năm 2003, tỉnh ta đã xây dựng hoàn thành con đường ven biển ĐT 639 đi qua địa bàn Cát Hải. Đây cũng chính là con đường xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Tiếp theo con đường, từ nguồn vốn Chương trình 135, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế… cũng lần lượt mọc lên, góp phần cho Cát Hải phát triển.

Khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng đã tương đối khá, Đảng ủy, chính quyền cùng người dân địa phương đã đồng tâm nhất trí nỗ lực vượt khó, ra sức làm ăn, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất để cải thiện đời sống của từng gia đình, đổi mới bộ mặt nông thôn của một xã nghèo vùng biển. Việc xã chủ trương từng bước giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn ban đầu cũng đã khiến nhiều nông dân lo ngại. Tuy nhiên, qua thực tế đã chứng minh việc chuyển đổi là đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, góp phần đổi đời cho người dân vùng đất khó này.

Hiện nay, diện tích sản xuất lúa của Cát Hải chỉ còn 290 ha, nhưng sản lượng lương thực hàng năm lại cao hơn trước nhờ sử dụng các loại giống mới năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Cát Hải cũng đã nâng được diện tích cây trồng cạn như bắp lai, hành, đậu phụng, rau màu… lên tới 620 ha; cho thu nhập bình quân từ 60 triệu đồng đến 87 triệu đồng/ha/năm. Đây là kết quả của sự đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chính quyền và nhân dân Cát Hải thực hiện trong thời gian qua.

Ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho biết: “Từ sự đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng khá tốt của Trung ương, tỉnh và huyện, để đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xã đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi… phù hợp với điều kiện thời tiêát, thổ nhưỡng của địa phương. Bắt đầu từ những dự án nhỏ, bà con chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm sản xuất, vốn liếng làm ăn. Việc chuyển giao kỹ thuật canh tác cũng được triển khai theo cách “cầm tay chỉ việc” thật cặn kẽ. Thực tế cách làm như vậy đã mang lại kết quả đáng phấn khởi”.

* Không chỉ thoát nghèo

Năm 2008, bình quân thu nhập trên 1 ha đất canh tác ở Cát Hải đạt 64 triệu đồng, tăng hơn 40,6 triệu đồng so với năm 2001. Nhờ vậy, số hộ có thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng ở địa phương ngày càng nhiều. Ông Võ Kế Hùng, cán bộ khuyến nông xã Cát Hải, cho biết: “Nhiều người lúc đầu cũng nghi ngờ về những con số của chúng tôi đưa ra để minh chứng cho quá trình đi lên của Cát Hải. Nhưng khi tham quan các mô hình sản xuất thực tế ở địa phương thì họ mới gật đầu thán phục”.

Hiện nay, xã Cát Hải đã xây dựng thành công các công thức luân canh cây trồng cho thu nhập cao như: lúa (Đông Xuân) - đậu phộng (Hè) - hành (Thu) - hành (Đông) cho tổng thu nhập 134,7 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lãi 73,3 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa - mè - hành cho thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí lãi 49,4 triệu đồng/ha; mô hình lúa - đậu phộng - hành thu nhập 82,2 triệu đồng/ha, lãi 45 triệu đồng/ha; mô hình hành 3 vụ thu nhập 133 triệu đồng/ha/năm, lãi 62 triệu đồng/ha.

Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả đã đưa xã Cát Hải từ chỗ nằm trong diện đặc biệt khó khăn nay trở thành xã có thu nhập bình quân đầu người đứng nhì huyện Phù Cát. Năm 2008, giá trị thu nhập của toàn xã đạt hơn 28 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5,1 triệu đồng, chỉ đứng sau thị trấn Ngô Mây. Xã Cát Hải cũng đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2005.

Và, không chỉ có vậy, Cát Hải đang là địa điểm thu hút các dự án phát triển du lịch sinh thái ven biển thuộc tuyến Phương Mai - Núi Bà. Đó là cơ hội để Cát Hải đánh thức tiềm năng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong một tương lai gần.

  • Nguyễn Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đón giao thừa giữa đại dương  (18/01/2009)
Chương mới ở Cà Bưng  (18/01/2009)
Góp sức cho cuộc sống tươi đẹp  (18/01/2009)
Những “đặc sản” trên đường trở thành “thương hiệu”  (18/01/2009)
“Ăn Tết” trên đất Nam Lào  (18/01/2009)
Đón Tết hai lần  (18/01/2009)
Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định  (18/01/2009)
50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và bài học lịch sử  (18/01/2009)
Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi  (18/01/2009)
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)
Giữ “lá phổi xanh” cho thành phố  (18/01/2009)
Những người tha phương  (18/01/2009)
Với theo mùa xuân  (18/01/2009)