Cung đường mùa xuân
21:58', 18/1/ 2009 (GMT+7)

Trong cái nắng dịu nhẹ chớm xuân, chúng tôi vượt quãng đường gần 22 km từ Quy Nhơn qua cầu Thị Nại đến xã bán đảo Nhơn Hải - vùng đất núi biển liền kề, từ bao đời nay chưa hề có tuyến giao thông đường bộ. Cuối năm 2007, tuyến đường liên xã Nhơn Hội - Nhơn Hải được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tác động rất lớn đến đời sống dân sinh và sự phát triển của xã bán đảo này.

 

Đường về Nhơn Lý hôm nay. Ảnh: Văn Lưu

 

* Dấu ấn con đường

Tuy chỉ cách TP. Quy Nhơn chừng 10 km đường chim bay và là đơn vị hành chính trực thuộc TP Quy Nhơn, nhưng từ bao đời nay xã bán đảo Nhơn Hải vẫn được ví như một ốc đảo, biệt lập với đất liền, không có con đường giao thông nào ngoại trừ đường biển. Mùa biển động, suốt cả tháng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” là chuyện bình thường với Nhơn Hải. Ngày biển lặng, người dân nơi đây muốn sang Quy Nhơn phải mất cả giờ đồng hồ ngồi đò, mỗi ngày chỉ có 3 chuyến đi - về. Trước đây, vì cách trở đò giang, nên Nhơn Hải chưa có điều kiện để bứt phá đi lên. Gần 6.000 cư dân của xã phải sống trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Cái khó, cái khổ hiện rõ trong từng nếp nhà…

Cuối năm 2007, tuyến đường liên xã Nhơn Hội - Nhơn Hải đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy chỉ là con đường cấp phối với chiều dài hơn 7,6 km, rộng khoảng 6m, tổng vốn đầu tư 12 tỉ đồng, nhưng nó đã có tác động rất lớn đến đời sống dân sinh và sự phát triển của xã bán đảo Nhơn Hải. Tuyến đường này đã tạo bước đột phá mạnh mẽ cho vùng đất ven biển này phát triển về nhiều mặt. Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, tâm sự: “Sống ở nơi bán đảo, trải qua những ngày khó khăn vì cách trở đò giang, sóng gió, nên khi có tuyến đường Nhơn Hội - Nhơn Hải, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Chúng tôi xem đây là “con đường ước mơ, con đường đổi đời” của quê hương mình. Từ đây, nhịp sống của địa phương không còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, vào những chuyến biển được-mất, mà các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng đã có điều kiện phát triển vươn lên”.

* Nắm bắt vận hội mới

Tuyến đường Nhơn Hội - Nhơn Hải đã kết nối mạch đường hội nhập của xã bán đảo Nhơn Hải với đời sống văn hóa, kinh tế đang đà phát triển của TP Quy Nhơn. Sự hiện diện của con đường này đã thổi lên làn gió mới đến tận từng căn nhà của người dân Nhơn Hải. Ngay sau khi tuyến đường hoàn thành, đã có ngay tuyến xe khách Nhơn Hải - Quy Nhơn với 3-4 chuyến mỗi ngày, thuận lợi hơn đường thủy rất nhiều; và cũng có một số xe tải chuyên chở hàng hóa từ các nơi về phục vụ người dân. Nhờ thế, hàng hóa tiêu dùng ở TP Quy Nhơn có gì thì ở đây có thứ đó; học sinh đi học ở Quy Nhơn, bà con đi chữa bệnh ở bệnh viện thành phố, bệnh viện tỉnh cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn...

Từ con số không, bây giờ cả xã đã có 2 xe khách, 3 xe tải, khoảng 350 xe máy và hơn 1.000 xe đạp. Ở khu vực trung tâm xã, các hiệu tạp hóa, cà phê- giải khát, tiệm sửa xe đạp- xe máy cũng đã mọc lên đáp ứng nhu cầu của người dân.

Không những thế, khi Nhơn Hải được thông thương với bên ngoài bằng đường bộ, nghề khai thác và ươm nuôi tôm hùm giống ở đây đã có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện tại, toàn xã có trên 450 tàu thuyền với 2.000 ngư dân làm nghề khai thác tôm hùm; trên 200 hộ ươm nuôi với gần 100 bè tôm. Chỉ tính trong vụ tôm năm 2008 vừa qua, ngư dân Nhơn Hải đã khai thác được gần 70.000 con tôm hùm, thu về hơn 10 tỉ đồng; đồng thời toàn xã thu nhập gần 15 tỉ đồng từ việc ươm nuôi tôm giống… Không dừng lại ở việc ươm nuôi, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Nhơn Hải đã có trên 10 ngư dân mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng nuôi tôm hùm thương phẩm, với khát vọng sẽ làm giàu từ con tôm hùm…

Đi trên miền đất Nhơn Hải hôm nay, chúng tôi đã cảm nhận mùa xuân đang về qua ánh mắt, nụ cười chứa chan niềm hạnh phúc của người dân nơi đây; qua những ngôi nhà vừa mới xây thật khang trang, còn thơm nồng mùi vôi vữa…. Nhơn Hải bây giờ đã đổi thay nhiều, đất trời như đang căng đầy nhựa sống chuẩn bị đón xuân về.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ai về Bình Định…”  (18/01/2009)
“Vua cá” ở An Nhơn  (18/01/2009)
Cát Hải- Xanh vùng cát trắng  (18/01/2009)
Đón giao thừa giữa đại dương  (18/01/2009)
Chương mới ở Cà Bưng  (18/01/2009)
Góp sức cho cuộc sống tươi đẹp  (18/01/2009)
Những “đặc sản” trên đường trở thành “thương hiệu”  (18/01/2009)
“Ăn Tết” trên đất Nam Lào  (18/01/2009)
Đón Tết hai lần  (18/01/2009)
Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định  (18/01/2009)
50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh và bài học lịch sử  (18/01/2009)
Chuyện về các cụ sống hơn trăm tuổi  (18/01/2009)
Khi bệnh viện được… số hóa  (18/01/2009)
Xuân về, Tết đến và những nẻo đường quê…  (18/01/2009)
Tuyệt kỹ của nghề chơi cây cảnh  (18/01/2009)