Năm 2008, trong khi sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trong nước bị sụt giảm mạnh do ảnh hưởng biến động kinh tế thế giới, thì Cảng Quy Nhơn (CQN) vẫn đạt sản lượng 3,35 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2007, dẫn đầu các cảng biển khu vực duyên hải miền Trung.
|
Xuất khẩu nguyên liệu giấy qua Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Quang Lê
|
* Thành công nhờ dự báo đúng, kinh doanh đa dạng
Có thể thấy rằng, nền kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2008 có nhiều biến động, cùng với việc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng lớn đến dịch vụ cảng. Theo báo cáo của CQN, các mặt hàng nông sản bị giảm giá, xuất khẩu hạn chế nên sản lượng ngành hàng này qua CQN giảm đến 45%. Mặt hàng phân bón nhập khẩu cũng giảm 30%. Nhìn chung, hàng xuất khẩu qua CQN giảm 10%. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết năm qua không ổn định, liên tục mưa bão, lũ lụt cũng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng hải...
Ông Nguyễn Tín Dân, Giám đốc CQN, cho biết: Nhờ dự báo tình hình kinh tế chính xác và kịp thời, ngay từ đầu năm chủ trương của lãnh đạo CQN là tập trung khai thác nguồn hàng vận chuyển nội địa; nâng cao chất lượng dịch vụ; cải tiến thiết bị công nghệ phù hợp với các mặt hàng mới... nên đã vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh (SXKD) có hiệu quả. Cụ thể, hàng nội địa qua CQN tăng 63% so với năm 2007, bù lại nguồn hàng xuất khẩu bị giảm sút. Ngoài dịch vụ cảng biển, các dịch vụ khác của CQN như: vận tải, đại lý tàu biển, cung ứng tàu biển, xây dựng cơ bản, sửa chữa cơ khí... cũng được đẩy mạnh và hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng tổng doanh thu năm 2008 của CQN lên 215 tỉ đồng, tăng 28% so với năm 2007.
Đánh giá về thành công trong SXKD của CQN, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Đó là quá trình phát huy nội lực; năng động, sáng tạo; dự báo chính xác tình hình kinh tế của khu vực để xây dựng chiến lược đón đầu xu thế phát triển; đầu tư đúng trọng điểm và có hiệu quả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ SXKD. Đó còn là quá trình triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; có chính sách phù hợp để thu hút nguồn hàng, khách hàng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ cao… đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín và năng lực cạnh tranh của CQN, tạo cơ sở vững chắc trong quá trình hội nhập.
* Hướng đến tương lai
Theo ông Nguyễn Tín Dân: Bên cạnh việc tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, CQN đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của các chủ tàu, chủ hàng, các đơn vị môi giới hàng hải đã tín nhiệm và gắn bó với CQN trên cơ sở hai bên cùng có lợi, cùng phát triển. CQN không ỷ lại vào Nhà nước mà biết kết hợp phát huy nội lực, tạo nguồn vốn tự bổ sung của doanh nghiệp để đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng năng lực hoạt động. Hiệân nay cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của CQN đã tương đối đồng bộ, đủ năng lực xếp dỡ tất cả các mặt hàng, kể cả hàng siêu trường, siêu trọng; hoàn toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực.
Bằng nguồn vốn tự bổ sung của doanh nghiệp, trong năm 2009 CQN sẽ đầu tư để nâng cấp các phương tiện, thiết bị và công cụ xếp dỡ nhằm nâng cao hơn nữa năng lực giải phóng tàu; mua thêm 1 cẩu bờ 100 tấn và 1 tàu lai 1.400 CV với tổng trị giá khoảng 80 tỉ đồng. Đặc biệt, CQN đang chuẩn bị triển khai các gói thầu nâng cấp, mở rộng luồng tàu. Dự án này sẽ nâng độ sâu của luồng từ 10,5m lên 11m (chưa tính thủy triều) nhằm phục vụ tàu 30.000 DWT vào cảng quanh năm và có thể đón tàu 50.000 DWT; kinh phí đầu tư 75 tỉ đồng; dự kiến hoàn thành trong năm 2009.
Mặt khác, CQN sẽ đầu tư san lấp tạo ra 5 ha bãi mới và khởi động dự án xây dựng cầu tàu container chuyên dụng 30.000 DWT. Sắp đến, CQN sẽ quy hoạch các cầu tàu hiệân có thành cầu chuyên dụng cho từng nhóm mặt hàng để có thể đầu tư trang thiết bị phù hợp, nâng cao năng lực xếp dỡ của cảng.
Ngoài việc giữ vững ổn định nguồn hàng và khách hàng truyền thống, CQN đang nỗ lực thực hiện các chính sách thu hút nguồn hàng mới và khách hàng mới. CQN cũng triển khai các biện pháp mở rộng thị trường để thu hút các nguồn hàng của Nam Lào qua cửa khẩu Bờ Y và đông bắc Campuchia qua cửa khẩu Đức Cơ, từng bước tạo thế và lực để CQN trở thành một cảng của Hành lang Đông Tây.
Năm 2008 CQN đạt sản lượng 3,35 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, tăng 5% so với năm 2007; vượt công suất thiết kế 52%. Tổng doanh thu từ dịch vụ cảng và các dịch vụ khác là 215 tỉ đồng, tăng 28%. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 23%. Nộp ngân sách 14,3 tỉ đồng, tăng 34%. Kế hoạch sản lượng hàng hóa thông qua CQN năm 2009 là 3,51 triệu tấn.
Trong năm 2008, CQN đã được tặng giải thưởng “Vì sự cống hiến cho miền Trung”, “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”, Cúp Vàng về an toàn lao động. | |