Gò Loi (xã Ân Tường Tây, Hoài Ân) là một địa danh được nhiều người biết đến không chỉ bởi những trận đánh ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ mà còn là nơi gắn với một đặc sản nổi tiếng đó là chè Gò Loi...
|
Đồi chè của ông Nguyễn Phước Cầu. Ảnh: Văn Lưu
|
* Hương chè ngày xưa
Năm 1979, Nông trường chè Gò Loi được thành lập, ban đầu chỉ trồng khoảng 7 ha và sau đó mở rộng thêm 32 ha. Vào thời điểm đó, dù được chế biến thủ công nhưng chè Gò Loi vẫn có hương vị đặc biệt so với nhiều sản phẩm chè có tiếng khác trong nước. Ông Lê Đình Phụng, đã bước sang tuổi 80, một người có kinh nghiệm làm công tác quản lý các nông trường chè từ bắc chí nam, sau đó ông được điều về làm giám đốc Nông trường chè Gò Loi từ khi mới hình thành, cho biết: “Cái làm cho nhiều người nhớ đến sản phẩm chè Gò Loi là độ ngót của nước chè, nhờ chất đất ở đây”.
Sản phẩm chè Gò Loi nổi tiếng nhất vào khoảng những năm 1985-1988. Lúc đó sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường. Bà Nguyễn Thị Thuật, công nhân của Nông trường chè Gò Loi hồi đó, nhớ lại: “Vào dịp Tết khắp nơi liên hệ đặt mua sản phẩm chè Gò Loi với số lượng lớn, công nhân chúng tôi phải làm việc cật lực vẫn không đủ đáp ứng. Mỗi Tết đến, anh em công nhân không có được lạng chè nào để uống và biếu người thân”.
Sản phẩm chè Gò Loi trở thành một thương hiệu khiến nhiều người sành uống chè đã xếp chè Gò Loi vào loại bậc nhất…
* Vực dậy chè Gò Loi
Sau một thời gian phát triển mạnh, đến những năm 1990 Nông trường chè Gò Loi giải thể, diện tích chè giảm mạnh do bị thay thế bởi những cây trồng khác, chỉ một số người gắn bó với cây chè từ thuở ban đầu như bà Nguyễn Thị Bắc, bà Nguyễn Thị Thuật, ông Nguyễn Phước Cầu... giữ lại cây chè và chờ đợi thời cơ. Sản phẩm làm ra của số người này chỉ đủ bán cho khách quen hoặc các cơ quan Nhà nước, và thỉnh thoảng một số Việt kiều về thăm quê tìm đến mua.
Trải qua một thời gian dài trầm lắng, trong những năm gần đây, số lượng người tìm đến mua chè Gò Loi ngày càng nhiều, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là vào dịp Tết. Bà Nguyễn Thị Bắc, 70 tuổi, từng là công nhân chè của nông trường từ khi mới thành lập, vui mừng cho biết: “Khách hàng liên tục gọi điện đến đặt mua chè Gò Loi, do diện tích chè của tôi chỉ còn 2 sào nên không đủ đáp ứng, tôi đang tính cho mở rộng thêm diện tích trồng chè”.
Trong số những người trồng chè còn lại, ông Nguyễn Phước Cầu có hơn 1 ha. Hiện ông đang đi vận động số người trồng chè trước đây quay lại với cây chè để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến chè Gò Loi của gia đình ông.
Năm 2006, Trung tâm khuyến công tỉnh phối hợp với huyện Hoài Ân đã chọn cơ sở chế biến chè Gò Loi của hộ ông Cầu cho đi học tập mô hình ứng dụng KHKT cải tiến công nghệ bằng thiết bị sấy chè kiểu lò quay thay vì phương pháp thủ công trong khâu chế biến chè tại Lâm Đồng. Nhờ cải tiến phương pháp sấy chè, hương vị chè có hương thơm và vị ngọt đặc trưng, giúp cho gia đình ông Cầu từ chỗ chỉ bán được vài ký chè mỗi tháng tăng lên vài chục ký.
Ông Nguyễn Phước Cầu tâm sự: “Tôi có duyên nợ với chè Gò Loi. Trong khi những người khác chặt bỏ cây chè để trồng cây khác có thu nhập cao hơn, vợ tôi cũng năm lần bảy lượt bắt tôi phải từ bỏ cây chè, nhưng tôi kiên quyết giữ lại và chờ thời…”. Và rồi những tâm huyết của ông Cầu cũng như những hộ trồng chè ở Gò Loi đã được đền đáp, sản phẩm chè Gò Loi bắt đầu trở lại và hương chè Gò Loi đang tỏa dần đến các miền đất nước…
|