Quang Trung - Nguyễn Huệ, những mẩu rời
11:34', 19/1/ 2009 (GMT+7)

Sự nghiệp của vương triều Tây Sơn ngắn ngủi và chói sáng, bi hùng nhất trong lịch sử dân tộc. Đã có vô vàn giấy mực viết về thời kỳ lịch sử vang động chiến công và bi thiết này. Bài viết chỉ tản mạn mấy mẩu rời ngẫu hứng quanh nhân vật lớn nhất: Quang Trung - Nguyễn Huệ.

 

Tây Sơn tam kiệt tại Nhà Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: Minh Thái

 

Thiên tài quân sự. Từ khi chính thức xuất lộ trong trận đánh quân Nguyễn ở Phú Yên đến khi đột ngột qua đời, ông là vị tướng bách chiến bách thắng. Những tập đoàn phong kiến chính trong nước Trịnh, Nguyễn đã hẳn. Quang Trung - Nguyễn Huệ còn đối đầu với ba kẻ thù bên ngoài: tàu sắt và đại bác của phương Tây (Bồ Đào Nha và Pháp, do Manuel chỉ huy), quân Xiêm hơn hẳn số lượng và quân Thanh hùng mạnh. Quân Tây Sơn đã đánh tan tác các kẻ thù trên một cách thần tốc, mưu trí - những chiến công vang dội: các trận Rạch Gầm Xoài Mút, Đống Đa Thăng Long... Chinh Nam, phạt Bắc, một đóng góp đáng kể nữa của phong trào Tây Sơn là kết thúc cát cứ và cả trăm năm cuộc phân tranh nồi da xáo thịt Trịnh - Nguyễn.

Phong trào Tây Sơn là cuộc khởi nghĩa của những hiệp sĩ, kiếm khách quy tụ được nhiều bậc kỳ tài trong thời loạn. Những người áo vải ở đất Tây Sơn và các hào kiệt rất giỏi trong việc biến những nông dân khổ nghèo thành một đạo quân thiện chiến, cả bộ binh, thủy binh, tượng binh, pháo binh. Nhất là cuộc phối hợp tuyệt vời các cánh quân, binh chủng trận đại thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu - 1789. Các sử gia, nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã bàn nhiều về yếu tố thần tốc nhưng chắc rằng đỉnh cao của trận đánh nổi tiếng này là sự phối hợp hoàn hảo. Những tướng lĩnh tài ba của các cánh quân độc lập tác chiến trên các mặt trận vẫn đạt được hiệu quả tối đa cho chiến dịch. Không có cách giải thích nào khác là từ sự nhất quán của tinh thần, ý chí. Vua Quang Trung là linh hồn của tinh thần, ý chí đó.

Vua Quang Trung là người quyết đoán. Năm 1777 khi vào đánh chiếm Gia Định lần hai, truy bắt được Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, Quang Trung - lúc này mới chỉ là tướng cầm quân - đã quyết định chém. Năm 1786, sau khi đánh chiếm Thuận Hóa, nghe lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ không đợi lệnh vua anh Nguyễn Nhạc, tiến thẳng ra Bắc, 20 ngày đã đập tan thế lực Chúa Trịnh tồn tại mấy trăm năm! Sau đó, nghe tin Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành ở Bắc Hà, ông sai Võ Văn Nhậm đánh dẹp. Võ Văn Nhậm lại cậy công, cậy thế là phò mã vua Thái Đức, nhũng nhiễu, muốn xây dựng một vùng trời riêng, Quang Trung lại khẩn cấp từ Thuận Hóa ra bắt giết đi. Quyết đoán và chí lớn, ông là người có tầm của bậc đế vương chứ không hề là sự thỏa mãn một vùng trời lãnh chúa.

Một kỳ công của Quang Trung - Nguyễn Huệ là thu phục được kẻ sĩ trong thiên hạ. Những văn thần võ tướng sát cánh cùng Tây Sơn thời khởi nghiệp không nói làm gì. Có thể kể tên những danh sĩ, đại thần các triều cũ cùng ghé vai gánh vác cơ đồ Tây Sơn: Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Dụng, Trần Thuật Ngôn… Cả La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, tuy không ra làm quan, nhưng với sự trọng thị hết mực của Quang Trung, kẻ sĩ nổi tiếng này cũng mấy phần tỏ thành ý.

Ông là vị vua lớn. Không chỉ vì những công tích dẹp loạn và đánh giặc ngoại xâm đã kể. Những “Chiếu lên ngôi”, “Hịch tiến binh”, “Chiếu khuyến học”, “Chiếu khuyến nông”… giờ đọc lại, vẫn thấy ngời ngợi một bậc minh quân. Cả tinh thần dân tộc trong việc khuyến khích dùng chữ Nôm trong các văn bản triều chính, những đối ngoại khôn ngoan và đầy tính tự tôn dân tộc với triều đình nhà Thanh… cả những kế sách chưa thành như xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, cuộc tiến binh chu toàn để dứt mối hiểm họa quân Nguyễn, kế hoạch đòi đất Lưỡng Quảng…

Cuộc hôn nhân chính trị của Quang Trung với công chúa Ngọc Hân của vua Lê được người đời nhắc nhiều không hẳn vì anh hùng sánh với giai nhân, kỳ nữ. Công chúa xinh đẹp, đa tài này đã để lại áng văn chương khóc chồng làm xúc động hậu thế thì đã hẳn, “Ai tư vãn” còn là tình cảm lớn dành cho vị vua đã có nhiều công tích với đất nước, dân tộc. Người thực sự thay thế vương triều Lê tồn tại mấy trăm năm của nàng, đã là tinh thần và ý chí của muôn dân. Ngọc Hân được phong làm Bắc Cung Hoàng hậu, đủ thấy Vua Quang Trung cũng yêu thương cô gái Bắc Hà tài sắc, và chắc rằng, nơi hậu cung, sự am hiểu các vấn đề triều chính, lễ nghi, đối ngoại, đối nội.

Có thể nói việc lập Thái tử của Quang Trung là một sai lầm chăng? Hai người con của bà họ Phạm đã 17, 18 tuổi Quang Thùy, Quang Bàn đang tham chính với các chức tước Khanh Công Lĩnh Bắc Thành, Tiết Chế Thủ Bộ Chư Quân và Tuyên Công Lĩnh Thanh Hóa Đốc Trấn, Tổng Lý Quân Dân Sự Vụ đã không được chọn. Thái tử là Quang Toản, con bà họ Bùi mới 9 tuổi, sau này lên nối ngôi, quyền bính thực sự rơi vào tay Thái Sư Bùi Đắc Tuyên là cậu ruột. Cuộc bè phái nghi kỵ, thanh trừng nội bộ đã làm triều đại Cảnh Thịnh suy yếu nhanh chóng rồi bị diệt. Ví dụ Thái tử là Quang Thùy, người đã trưởng thành, thì sự nghiệp Tây Sơn có lâu dài hơn không? Lịch sử hay số phận một dân tộc có khác đi không? Tất nhiên không ai tốn giấy mực cho các giả định, mà chỉ là chút nuối tiếc cảm hoài về lẽ tồn vong, hưng phế.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức ảnh “Hoàng đế Quang Trung” của Đào Tiến Đạt  (18/01/2009)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (18/01/2009)
Vực dậy cây chè Gò Loi  (18/01/2009)
Sắc xuân bến cảng  (18/01/2009)
Cung đường mùa xuân  (18/01/2009)
“Ai về Bình Định…”  (18/01/2009)
“Vua cá” ở An Nhơn  (18/01/2009)
Cát Hải- Xanh vùng cát trắng  (18/01/2009)
Đón giao thừa giữa đại dương  (18/01/2009)
Chương mới ở Cà Bưng  (18/01/2009)
Góp sức cho cuộc sống tươi đẹp  (18/01/2009)
Những “đặc sản” trên đường trở thành “thương hiệu”  (18/01/2009)
“Ăn Tết” trên đất Nam Lào  (18/01/2009)
Đón Tết hai lần  (18/01/2009)
Đón xuân, nối mạng với du học sinh Bình Định  (18/01/2009)