Năm 2008 có thể xem là năm “được mùa” của các nghiên cứu về Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn. Trong năm, ngoài một Hội thảo Khoa học “Phú Xuân - Thuận Hóa và sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung” được tổ chức tại Huế, còn có Hội thảo Việt Nam học lần thứ III “Việt Nam - Hội nhập và phát triển” với nhiều tham luận đề cập đến vấn đề này. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự xuất hiện của công trình “Đi tìm dấu tích cung điện Đăng Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân, rồi “Quang Trung - Nguyễn Huệ” (gồm những bài nghiên cứu rút từ tạp chí Sử Địa). Thông qua đó, nhiều phát hiện mới, thú vị về Hoàng đế Quang Trung được công bố. Nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2009), xin giới thiệu cùng bạn đọc.
|
Bức ảnh xưa nay vẫn nhận lầm là vẽ “Giả vương Quang Trung”.
|
* “Chẩn bệnh” cho Vua Quang Trung
TS Bùi Minh Đức (hiện sống ở Hoa Kỳ) trong tham luận trình bày tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ III đã tìm hiểu về “Cái chết của Vua Quang Trung”. Theo TS Đức, đã có nhiều người quan tâm đến cái chết đột ngột của vị anh hùng áo vải và cũng vì thế, nhiều giả thuyết khác nhau về cái chết của Vua Quang Trung đã được đặt ra. Tuy nhiên, từ trước đến nay vẫn chưa có một khảo cứu nào căn cứ vào y khoa hiện đại để phối hợp với các sự kiện đã được ghi trong lịch sử để có thể cho chúng ta biết một cách chắc chắn hơn về bệnh trạng cũng như về nguyên nhân tử vong của Vua Quang Trung hồi đó.
Mục đích của TS Đức là “Thử tái lập hồ sơ bệnh lý của Vua Quang Trung từ khi xảy ra bạo bệnh cho đến ngày qua đời” với hy vọng sẽ có thể trả lời hai câu hỏi: Vua Quang Trung đã bị bạo bệnh đột ngột trước lúc qua đời , vậy đó là “căn bệnh” gì? Vua Quang Trung qua đời nhiều ngày sau “bạo bệnh”, vậy “nguyên nhân tử vong” là gì?
Để trả lời những câu hỏi ấy, TS Đức đã khảo cứu các nguồn tài liệu lịch sử với căn bệnh mà sử sách ghi là “huyễn vựng”. Ông cũng theo dõi cách điều trị của thái y, cách chăm sóc của Hoàng hậu Ngọc Hân và trạng thái của bệnh nhân trước khi chết, kết hợp với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành y hiện đại của nội, ngoại thần kinh, tai mũi họng, tim mạch… Từ những khảo cứu trên, ông đã đưa ra một giả thuyết về hồ sơ bệnh lý của Vua Quang Trung: “tên: Nguyễn Huệ, giới tính: nam, nghề nghiệp: chỉ huy quân đội, chết ở tuổi 39. Kết luận bệnh án: xuất huyết não dưới màng nhện” và đi đến kết luận: “Theo chúng tôi, sau khi bị bệnh “xuất huyết não dưới màng nhện” suốt hai tháng trời, rất có thể: Vua Quang Trung đã qua đời vì bệnh viêm phổi hít (aspiration pheumonia) dẫn đến tình trạng trụy hô hấp (respiratory distress)”. Theo tác giả, bệnh này y khoa hiện đại có thể thử nghiệm chữa trị bằng phương pháp chữa trị của căn bệnh “tai biến mạch máu não” rồi dùng phẫu thuật để điều trị thì có thể qua cơn tai biến và phục hồi.
* Nhà Tây Sơn có ít nhất bốn anh em trai
Đó là ý kiến được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo Khoa học “Tây Sơn - Thuận Hóa và sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Huệ - Quang Trung” tổ chức tại Huế nhân Festival Huế 2008. Khám phá này dựa trên cơ sở tư liệu “Khâm định An Nam kỳ lược” của nhà Thanh. Theo đó, ngoài lời khai trong thư từ qua lại, đích thân Phúc Khang An (một đại thần của nhà Thanh) đã hỏi lại Nguyễn Quang Hiển (cháu của Quang Trung, làm Chánh sứ sang Trung Quốc năm 1789) và bảo Nguyễn Quang Hiển viết cho minh bạch để kèm vào sau mặt biểu gửi lên Vua Càn Long. Theo lời khai đó, Nguyễn Quang Hiển là con của Nguyễn Quang Hoa, anh cả trong số bốn anh em trai của nhà Tây Sơn; kế đó là Nguyễn Quang Nhạc, rồi Nguyễn Quang Bình (Nguyễn Huệ) và Nguyễn Quang Thái (Nguyễn Lữ).
Tư liệu này cho thấy, anh em nhà Tây Sơn gồm ít nhất bốn anh em trai. Bên cạnh đó, ta còn biết thêm Nguyễn Nhạc có tên thật là Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Bình và Nguyễn Lữ là Nguyễn Quang Thái. Riêng người anh cả Nguyễn Quang Hoa có thể do mất sớm, hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại.
|
Bức tranh thứ sáu trong bộ tranh “Bình Định An Nam chiến đồ”.
|
* Và người trong bức tranh “giả vương”?
Trên tờ Hồn Việt (Hội Nhà Văn Việt Nam) số 9, phát hành ngày 1.3.2008, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố một tài liệu mới. Trong đó, có một chi tiết quan trọng: bức họa chân dung xưa nay ta tưởng nhầm là của Giả vương Quang Trung, đích thực là bức họa chân dung Vua Càn Long thời trẻ, do Lương Thế Ninh, một họa sĩ cung đình của triều Thanh, vẽ.
Về sự tích của bức tranh này, Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép: “Về số đồ lễ, ngoài lệ chức phương, lại có dâng thêm đôi voi đực nữa. Trong khi đi đường người Tầu phục dịch cực kỳ vất vả. Kẻ trong người ngoài ai cũng biết là giả dối mà không ai dám nói ra. Lúc tới Yên Kinh, Vua Thanh tưởng là Vua Quang Trung thật, rất lấy làm mừng. Đến lúc vào chầu Vua Thanh cho cùng ăn uống với các thân vương, và cho đặc ân được vào ôm gối, như thể cha con người nhà. Đến khi lạy tạ xin về, Vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho, ân lễ rất trọng hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ”.
Tuy nhiên, Đại Nam Liệt Truyện (quyển 30) lại chép: “Tới khi vào bệ kiến từ biệt về nước, Vua nước Thanh gọi đến gần bên giường, vỗ vào vai yên ủy dặn bảo ôn tồn; sai thợ vẽ hình của mình đem cho”. Nếu đúng như thế, hình ban cho Nguyễn Huệ là hình của Vua Càn Long, vì chính trong tài liệu của nhà Thanh cũng còn lưu lại nhiều văn thư mà Vua Quang Trung xin một tấm hình của Vua Cao Tông để đem về. Đại Việt quốc thư cũng còn một tờ thiếp gửi Phúc Khang An để nhờ ông này tâu lên Vua Càn Long về yêu cầu đó. Không hiểu sao, khi sang “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” lại đổi sang thành hình Vua Quang Trung. Có lẽ các tác giả “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” chép lầm; cũng có thể do người đọc hiểu sai ý câu văn, vì “Vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho” có thể hiểu là tượng truyền thần của Vua Quang Trung hay của Vua Càn Long đều được.
Theo một nghiên cứu, bức hình mà lâu nay vẫn nhận lầm là vẽ Giả vương Quang Trung chính là một bức tranh khá nổi tiếng của nhà Thanh vẽ Vua Càn Long khi ông còn trẻ.
|