Hình ảnh Vua Quang Trung vào Thăng Long
12:21', 19/1/ 2009 (GMT+7)

Trong phong trào Tây Sơn, nhất là trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, Nguyễn Huệ lập công đầu. Hình ảnh Vua Quang Trung trong sự nghiệp giải phóng thành Thăng Long khỏi sự xâm lược của quân Mãn Thanh đã được thơ văn đương thời khắc họa rất đậm nét.

 

Tái hiện hình ảnh Vua Quang Trung. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Tháng 11.1788, 29 vạn quân Thanh chia làm 4 đạo, do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy tràn vào xâm lược nước ta. Đến ngày 17.12, giặc Mãn chiếm thành Thăng Long.

Trước cảnh đất nước bị quân thù giày xéo, nhân dân Bắc Hà sôi sục căm hờn, hướng về nhà Tây Sơn và sẵn sàng tập hợp, chiến đấu bảo vệ đất nước dưới ngọn cờ đại nghĩa của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Ngày 21.12.1788, tại Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nhận được tin báo khẩn cấp Thăng Long đã bị giặc chiếm. Ngày hôm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc. Nhà vua  cho dừng quân tại Nghệ An hơn 10 ngày để bổ sung lực lượng, sau đó tiến ra Thanh Hóa. Tại đây, Vua Quang Trung ra lời dụ tướng sĩ, trong đó có đoạn: “Đánh cho để dài tóc,/ Đánh cho để đen răng./Đánh cho nó chích luân bất phản,/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn./Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Ngày 15.1.1789 (nhằm ngày 20 tháng chạp âm lịch), quân Tây Sơn tập kết tại Tam Điệp (Ninh Bình) và chia làm 5 đạo tiến ra giải phóng Thăng Long. Trước khi xuất phát, Vua Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân, ngày mùng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn...”.

Đêm 25.1.1789 (đêm 30 Tết), quân ta mở màn chiến dịch tấn công tiêu diệt địch. Đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu, quân ta đánh chiếm đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Đông). Mờ sáng ngày mùng 5 Tết, quân ta bước vào trận quyết chiến, san phẳng đồn Ngọc Hồi nằm trên cửa ngõ phía nam Thăng Long. Cùng thời điểm trên, một đạo quân của ta bất ngờ bao vây, tiêu diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa) ở phía tây nam thành Thăng Long, rồi như một mũi dao nhọn lao thẳng vào đại bản doanh Tôn Sĩ Nghị. Tướng giặc vô cùng khiếp sợ tháo chạy đến nỗi không kịp mặc áo giáp và đóng yên ngựa. 

Trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô Gia Văn Phái miêu tả hình ảnh Vua Quang Trung trên chiến trường như sau: “Nửa đêm ngày mùng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung tới làng Hà Hồi...Vua Quang Trung truyền lấy 60 tấm ván, cứ ghép liền 3 tấm thành một bức, tất cả là 20 bức. Đoạn kén hạng binh khỏe mạnh cứ 10 người khiêng một bức, lưng giắt dao ngắn; 20 người khác đều cầm binh khí theo sau dàn thành trận “chữ nhất”. Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng mùng 5 tiến vào đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nã súng bắn ra chẳng trúng người nào cả... Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn đâm chém giặc; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết… Giữa trưa hôm ấy, vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long rồi kéo vào thành…”.

Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30.1.1789), thành Thăng Long sạch bóng quân thù. Ngồi trên bành voi, Vua Quang Trung cùng đạo quân chủ lực tiến vào kinh thành trước sự hân hoan chào đón của nhân dân. Chiến bào của người anh hùng nhuộm đen khói súng của những ngày đêm chiến đấu ác liệt. Lá cờ đào đã từng giương cao từ những ngày đầu khởi nghĩa và phấp phới tung bay theo bước đường thắng lợi của phong trào Tây Sơn, giờ lại dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long.

Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày đại thắng như sau: “…Thần tốc, quân ta xông thẳng tới/Như trên trời xuống, ai dám đương./Một trận rồng lửa, giặc tan tành/Bỏ thành cướp sõng trốn cho nhanh./Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến, Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh./Mây tạnh mù tan trời lại sáng./Khắp thành già trẻ mặt bừng tươi,/Chen vai, khoác cánh cùng nhau nói: Kinh đô nay lại của ta rồi!”.

Góp phần to lớn vào sự nghiệp vĩ đại của phong trào nông dân Tây Sơn: diệt chúa Nguyễn ở Đàng Trong, trừ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, khôi phục quốc gia thống nhất; nhanh chóng tiêu diệt quân xâm lược từ hai phương Nam và Bắc, bảo vệ độc lập dân tộc, Quang Trung Nguyễn Huệ đã được tôn vinh là một anh hùng dân tộc vĩ đại, một thiên tài quân sự, một danh tướng trăm trận trăm thắng, một vị minh quân chính trị, quân sự song toàn “Võ công oanh liệt gây nền vững /Chính sách tài tình để phép chung” nguyên văn hai câu thơ của Ngô Thì Nhậm: “Nhung y thần vũ lưu băng tạ/ Phương sách anh mô dịch hiến chương”.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung  (19/01/2009)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những mẩu rời  (19/01/2009)
Bức ảnh “Hoàng đế Quang Trung” của Đào Tiến Đạt  (18/01/2009)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (18/01/2009)
Vực dậy cây chè Gò Loi  (18/01/2009)
Sắc xuân bến cảng  (18/01/2009)
Cung đường mùa xuân  (18/01/2009)
“Ai về Bình Định…”  (18/01/2009)
“Vua cá” ở An Nhơn  (18/01/2009)
Cát Hải- Xanh vùng cát trắng  (18/01/2009)
Đón giao thừa giữa đại dương  (18/01/2009)
Chương mới ở Cà Bưng  (18/01/2009)
Góp sức cho cuộc sống tươi đẹp  (18/01/2009)
Những “đặc sản” trên đường trở thành “thương hiệu”  (18/01/2009)
“Ăn Tết” trên đất Nam Lào  (18/01/2009)