Theo kịch bản, Lễ hội (LH) Kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ được tổ chức quy mô, với nhiều hoạt động đặc sắc trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Kỷ Sửu (tức ngày 29 và 30.1.2009). Những hoạt động này sẽ tạo nên một không khí tưng bừng sắc xuân trên quê hương người anh hùng áo vải.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Lễ Dâng hương Dâng hoa sẽ diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) vào chiều mùng 4 Tết (dự kiến từ 15 giờ 30 phút đến 18 giờ). Đây là một trong những hoạt động tâm linh quan trọng nhất trong LH, thể hiện sự tưởng nhớ công đức của Hoàng đế Quang Trung và những người anh hùng áo vải, những nghĩa binh của phong trào Tây Sơn đã lập nên một trong những chiến công oai hùng nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Theo dự kiến, buổi lễ sẽ được tiến hành với đúng trình thức nghi lễ truyền thống, trong một không khí trang trọng: Đón đại biểu và nhân dân về dự lễ là 100 tiêu binh dàn thành hai hàng ngang đứng nghiêm trang, xen kẽ cùng dàn trống và cồng chiêng 100 chiếc được sắp thành hai hàng dài từ cầu cảnh đến Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Tiếng trống hòa với tiếng cồng chiêng và bài Văn tế hào sảng, sẽ tạo xúc cảm về khí thiêng sông núi, gợi tưởng công ơn của các tiền nhân.
Phần đặc sắc và trọng tâm nhất của LH là chương trình đại lễ kỷ niệm diễn ra vào sáng mùng 5 Tết (dự kiến từ 8 giờ đến 10 giờ). Đây là chương trình nghệ thuật được dàn dựng hoành tráng, tại Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung. Theo kịch bản, chương trình sẽ có sự kết hợp của nghệ thuật sắp đặt và biểu diễn, cùng hiệu ứng kết nối từ khán giả. Tiếng chiêng, tiếng trống hợp với âm nhạc electronic music hiện đại và tiếng ngâm theo các cung bậc của nghệ thuật tuồng sẽ là âm thanh chủ đạo của đại lễ. Chương trình sẽ có cấu trúc sân khấu mở; trong đó, phần “Quá khứ” sẽ trình diễn mặt nạ tuồng dàn dựng theo phong cách hiện đại, tôn vinh giá trị của một nét tinh hoa của nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Phần múa cờ “Nghĩa khí Tây Sơn” thể hiện nghĩa khí Tây Sơn tam kiệt đã phất lên lá cờ “Nghĩa”, đánh tan giặc ngoại xâm. Điểm nhấn của chương trình là “Lễ xuất quân”, tái hiện khí thế hào hùng của Hoàng đế Quang Trung chỉ huy văn thần, võ tướng cùng các nghĩa binh Tây Sơn xuất quân ra Bắc… Trong màn trình diễn này, chất sử thi sẽ được khai thác sâu với hiệu quả tương tác giữa dàn cảnh và kỹ xảo âm thanh. Tiếp theo lễ xuất quân, chương trình sẽ sôi động với cảnh tái hiện “Những trận đánh lịch sử”. Cảnh diễn là sự kết hợp giữa đồng diễn võ thuật tốc độ nhanh với kỹ xảo âm thanh, kỹ xảo sân khấu, dàn trống dân tộc và solo trống trận Tây Sơn kết hợp với các âm thanh của bộ gõ hiện đại. Phần “Giao hưởng chiến thắng” tái hiện cảnh đoàn quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, trong nét nhạc rộn rã của tổ khúc hát múa “Ngày hội hoa đào” (nhạc sĩ Trọng Đài). Phần kết “Bình Định vươn tới tương lai” sẽ được dàn dựng hoành tráng với các cụm đội hình, hình tượng tập thể, nhằm thể hiện nét rực rỡ, sự thân thiện, mến khách của vùng đất Bình Định, của những con người đã và đang tiếp nối truyền thống hào hùng trong quá khứ, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngoài hai hoạt động chính trên, LH sẽ thêm màu sắc sinh động, rộn ràng với ba hoạt động hưởng ứng. Trong đó, phần diễn tấu cồng chiêng và múa dân gian Bana sẽ diễn ra trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết tại Nhà Rông trong Bảo tàng Quang Trung. Chương trình nghệ thuật sắp đặt “Cội nguồn” diễn ra vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Sửu (từ 10 giờ đến 12 giờ), là hoạt động tạo ý nghĩa tâm linh, dàn dựng theo ý tưởng cây me và giếng cổ trong Bảo tàng Quang Trung là “cội” và “nguồn”. Mỗi người đến viếng Điện thờ Tây Sơn tam kiệt sẽ đi dạo quanh cây me cổ thụ và nhận “lộc” là một hạt me giống của chính cây me này; Sau đó, du khách tiếp tục đến bên giếng cổ uống một ngụm nước ngọt ngào mát lạnh… Chương trình ca múa nhạc “Mùa xuân chiến thắng - Khát vọng ngày mới” diễn ra vào tối mùng 5 Tết với nhiều tiết mục nghệ thuật tổng hợp đặc sắc, sẽ khép lại trọn vẹn một LH Kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tưng bừng và đậm đầy ý nghĩa.
Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
“Để chuẩn bị Lễ hội Kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Ban Tổ chức đã cố gắng xây dựng chương trình lễ hội ban đầu với nhiều hoạt động phong phú, độc đáo. Nhưng do tỉnh ta vừa tổ chức thành công Festival Tây Sơn - Bình Định 2008; đồng thời, trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế… UBND tỉnh đã chỉ đạo rút gọn lại các hoạt động trong lễ hội trên tinh thần tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo sự hoành tráng, mới lạ, đặc sắc để phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán”. | |