Trong những năm qua, thể thao Bình Định đã đạt được một số thành công nhất định. Nhưng bên cạnh đó, một số môn mũi nhọn đang có dấu hiệu đi xuống. Ngoài vấn đề tài chính, cơ chế quản lý chưa khoa học chính là nguyên nhân của tình trạng này.
|
Khó khăn về tài chính khiến đội bóng đá Bình Định không dễ giành lại những thành công như trong quá khứ.
|
* Từ chuyện... “đầu tiên”...
Tuy không phải là một tỉnh nghèo, nhưng ngân sách dành cho thể thao Bình Định so với mặt bằng chung của cả nước vẫn hết sức khiêm tốn. Ngay cả đội bóng đá Bình Định, vốn được hưởng những “đặc quyền đặc lợi” cũng chưa được đầu tư xứng tầm. Ngân sách của tỉnh bỏ ra cho đội bóng hàng năm khoảng gần 10 tỉ đồng, phần còn lại kêu gọi sự đóng góp từ các doanh nghiệp. Nhưng với tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, số tiền đó không đủ để đội bóng xây dựng được một lực lượng mạnh, nhằm đạt những mục tiêu nhất định.
Nhìn sang những môn khác, số tiền VĐV nhận được hàng tháng cùng lắm chỉ đủ để họ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu cá nhân, chứ chưa thể dành dụm, phụ giúp gia đình. Trang thiết bị tập luyện cũ kỹ, chế độ dinh dưỡng thấp, mức thù lao chưa tương xứng với công sức bỏ ra, không có hợp đồng lao động và cả chế độ bảo hiểm…, do đó, hầu hết VĐV đều không coi môn thể thao mình theo đuổi là một nghề thực thụ mà chỉ như một niềm đam mê, đã trót theo thì cố gắng thêm một vài năm, còn tương lai vẫn không thể đoán định được.
Từ nhiều năm qua, tiền ăn của VĐV tuyến năng khiếu vẫn giữ nguyên ở mức 23.000 đồng/ngày. So với thời giá hiện nay, số tiền này chưa đủ để VĐV ăn no chứ đừng nói đến chuyện đủ dinh dưỡng để bù đắp lại phần năng lượng tiêu hao sau mỗi buổi tập. Theo quy định chung, tiền ăn của HLV cùng mức với VĐV, nhưng các HLV Trường Năng khiếu TDTT chỉ được ăn 20.000 đồng/ngày. Ngoài ra, có người còn phải gánh thêm công việc ở các đội tuyển có chuyên môn liên quan mà không được hưởng thêm bất kỳ khoản thù lao nào. Lương bổng đã vậy, tiền thưởng cũng “rất riêng” so với những nơi khác. Thông thường, HLV sẽ được nhận số tiền thưởng tương ứng với tất cả số huy chương do VĐV mình đào tạo đoạt được. Nhưng ở Bình Định, HLV chỉ được hưởng tiền thưởng ngang với một VĐV đạt thành tích cao nhất. Chính điều đó đã phần nào làm giảm nhiệt tâm cống hiến của các HLV.
* ... đến chồng chéo trong quản lý, huấn luyện
Việc đào tạo VĐV ở Bình Định do hai đơn vị đảm nhiệm là Trường Năng khiếu TDTT tiûnh (đào tạo tuyến năng khiếu) và Trung tâm TDTT (phụ trách các đội tuyển). Nhưng sự phối hợp giữa hai đơn vị này vẫn chưa thật sự ăn khớp, phương pháp huấn luyện ở một số bộ môn chưa có sự xuyên suốt, ảnh hưởng lớn đến thành tích của VĐV.
Điển hình như công tác đào tạo bóng đá trẻ Bình Định. Trước đây chúng ta có các lứa U13, U15, U17, U19 và U21. Các VĐV được đào tạo như kiểu học văn hóa, đó là cứ đủ tuổi lại chuyển lên trên cho thầy khác dạy. Tuy nhiên, do các HLV hầu như chưa bao giờ ngồi lại để cùng bàn thảo về phương pháp huấn luyện chung, nên cách làm này đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế. VĐV khi còn nhỏ được truyền đạt về chiến thuật theo kiểu này, chuyển lên thầy mới lại phải làm quen với các bài tập khác…, cứ như vậy các VĐV rất khó định hình được một lối chơi cụ thể. Ngay cả các HLV cũng không có đủ thời gian cần thiết để hiểu rõ những sở trường, sở đoản, tâm tư nguyện vọng… của từng học trò để có phương pháp rèn luyện phù hợp. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng của toàn đội, và trong quá trình chuyển giao có không ít VĐV bị đào thải oan uổng do không phù hợp với HLV mới, dù trước đó đã thể hiện rất tốt về chuyên môn dưới sự dẫn dắt của thầy cũ.
Bất cập trong công tác huấn luyện cũng xảy ra ở môn điền kinh. Ở lứa năng khiếu, các em được tập luyện chuyên sâu ở một nội dung, nhưng khi lên đội tuyển có thể sẽ phải chuyển sang tập ở nội dung khác. HLV tuyến năng khiếu và đội tuyển có kiến thức sư phạm chuyên sâu khác nhau, do đó khi chuyển giao sẽ không tránh khỏi việc VĐV phải tập theo những bài tập không (hoặc ít) có tác dụng cho bộ môn của mình. Bên cạnh đó, việc HLV này quản lý về mặt chuyên môn, HLV khác chịu trách nhiệm về mặt sinh hoạt của VĐV cũng làm công tác định hướng phát triển về tài năng và đạo đức VĐV thiếu sự đồng bộ.
* Cần thay đổi
Hiện nay, nhiều địa phương rất chú trọng đến việc đầu tư cho thể thao. Ngoài cách làm truyền thống là xây dựng các trung tâm huấn luyện, tuyển chọn, đào tạo VĐV theo từng lứa tuổi, một số nơi còn bỏ tiền ra săn đón những VĐV có tiềm năng hoặc đã đạt thành tích cao thông qua các giải đấu. Điều này không chỉ xảy ra ở môn bóng đá mà ở nhiều môn khác như: cờ, điền kinh, võ… Với nguồn ngân sách không mấy dư dả, Bình Định từng để nhiều VĐV tài năng ra đi (điển hình là hàng loạt cầu thủ bóng đá đầu quân cho các CLB khác vào năm 2007). Do đó, nếu không có sự thay đổi về cơ chế, giải quyết chế độ cho HLV, VĐV một cách hợp lý và có căn cơ, trong tương lai chúng ta sẽ lại phải chứng kiến những sự việc tương tự xảy ra. Khi đó, rất khó để chúng ta vực dậy và đạt được những thành tích đã có trong quá khứ.
|