HỌC VIỆN VÕ THUẬT TÂY SƠN BÌNH ĐỊNH:
Nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa võ Việt
16:54', 2/10/ 2009 (GMT+7)

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng

Vừa qua, tại Quy Nhơn, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng (ĐHHB) - và võ sư Hoàng Tùng - Giám đốc Công ty Sơn Mỹ, chủ đầu tư dự án Học viện Võ thuật Tây Sơn Bình Định (HVVTTSBĐ) - đã ký hợp tác giữa 2 đơn vị để đầu tư xây dựng dự án. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề này.

* Đề nghị ông giới thiệu đôi nét về Trường ĐHHB?

- Trường ĐHHB thành lập năm 1997 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là một trường đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành, nhiều hệ: trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học; đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học, sau đại học. Trường ĐHHB đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép trở thành trường đại học quốc tế. Trường đã có quan hệ với nhiều trường đại học của nhiều nước, đặc biệt là các trường ở nước Mỹ. Chúng tôi đã từng tổ chức hợp tác, giao lưu về khoa học, thể dục thể thao, võ thuật với các trường đại học lớn của Mỹ và một số nước khác... Trường ĐHHB đang có từ 25.000 đến 30.000 sinh viên, hàng năm chiêu sinh khoảng 6.000 sinh viên. Những lĩnh vực được xem là thế mạnh của trường là: kinh tế, mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, y học... Tất cả các ngành học này đều được hợp tác đào tạo với các trường đại học lớn của Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…

Riêng về đào tạo cử nhân võ thuật, Trường đào tạo 2 trường phái: võ cổ truyền Việt Nam và Vovinam (Việt võ đạo). Trong võ cổ truyền, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến trường phái võ Tây Sơn Bình Định, nên một số võ sư giỏi người Bình Định đã được trường mời giảng dạy. Chúng tôi đã có một khóa ra trường với 50 cử nhân võ thuật. Tất cả các cử nhân này đều có việc làm sau khi ra trường và chúng tôi có tuyển chọn giữ lại trường một số em giỏi để cùng với một số võ sư tiếp tục công tác đào tạo tại trường và các trường đại học, các câu lạc bộ võ thuật của các nước theo yêu cầu đang ngày càng lớn của họ. Hiện nay đang có hơn 20 quốc gia có yêu cầu đào tạo võ cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là võ Tây Sơn Bình Định. Như mọi người đều biết, đấy không chỉ là niềm tự hào và thông tin vui của riêng trường chúng tôi.

* Ông có hứng thú gì với dự án HVVTTSBĐ đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng?

 

Phác thảo toàn cảnh Học viện Võ thuật Tây Sơn Bình Định.

 

- Trước hết, đây là Học viện võ thuật đầu tiên của đất nước, và được đặt trên chính quê hương miền đất võ Tây Sơn Bình Định, quê hương của những con người hào kiệt, mà sự xuất hiện của Hoàng đế Quang Trung đánh dấu một mốc lịch sử chói lọi của dân tộc. Ông là một người đứng bên ngoài chính quyền phong kiến để giành lấy quyền phát biểu về chính trị, ông còn là một người rất quan tâm đến tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam. Chính ông đã tập hợp mọi thành phần nhân dân đứng lên bảo vệ công lý, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền quốc gia. Chính “thương hiệu” võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định xuất phát từ nền móng lịch sử quan trọng này. Do đó, HVVTTSBĐ đặt tại đây sẽ tạo cho đất nước có được một diễn đàn lớn để tập trung, hội tụ và lan tỏa những tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam; trong đó có nhiều võ sư giỏi nhưng do hoàn cảnh lịch sử đã trôi dạt khắp bốn phương trời và truyền bá tinh hoa võ thuật Việt Nam ra toàn thế giới. Qua 2 kỳ Festival quốc tế võ cổ truyền Việt Nam mà Bình Định đã đăng cai với sự hành hương về nguồn của hàng trăm đoàn võ với các môn sinh rất nhiều màu da đã minh chứng hùng hồn cho điều đó.

* Vậy có thể nói gì về dự định hợp tác giữa Trường ĐHHB và HVVTTSBĐ?

- Chúng tôi rất vui khi được mời tham gia hợp tác đầu tư vào dự án nhân văn quan trọng này. Lãnh đạo tỉnh cũng dành cho chúng tôi sự quan tâm và tình cảm rất đặc biệt. Từ sâu thẳm trái tim tôi xin bộc bạch: Tôi là một giảng viên của nhiều trường đại học trên thế giới. Đi đâu, ở đâu tôi cũng đều dành tình cảm yêu thương nhất cho quê mẹ của tôi, và đây là dịp tốt để tôi có thể dành hết những gì có thể cho quê hương.

Với dự án này, với tư cách là người trong cuộc cùng các đối tác khác trong liên danh, chúng tôi sẽ xây dựng các đề án về chương trình, về phương pháp học thuật, về các đầu mối quan hệ… Đồng thời sẽ tham gia đầu tư tích cực về nhân tài, vật lực cùng với các đối tác trong liên danh. Trước hết là việc hoàn tất các thủ tục đầu tư từ cấp tỉnh đến trung ương để xin phép thành lập học viện. Đây đang còn là một lĩnh vực mới mẻ chưa có tiền lệ nên quá trình chuẩn bị sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian và công sức, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm từ phía lãnh đạo tỉnh để sớm hoàn tất các thủ tục này.

* Còn điều gì làm cho ông băn khoăn về dự án này?

- Hoạt động võ thuật đang và sẽ được xã hội hóa, nằm trong hoạt động thể dục thể thao được Nhà nước khuyến khích đầu tư và hỗ trợ, ưu đãi vì nó không ngừng tác động nâng cao và hỗ trợ phát triển giá trị tinh thần của cộng đồng. Đấy là xu thế tất yếu mà các quốc gia phát triển đều rất quan tâm đầu tư và đạt được những giá trị to lớn. Do vậy chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng xem đây như một dự án quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài của tỉnh để có sự quan tâm đầu tư tương xứng về nhiều mặt.

Điều chúng tôi còn băn khoăn, đây là một lĩnh vực có nhiều tinh hoa truyền thống, nhưng khác với văn chương nghệ thuật là có thể dễ dàng hội tụ, giao thoa và lan tỏa giữa các trường phái. Võ học không dễ dàng như vậy. Bởi vì mỗi tinh hoa võ thuật đều có sự khổ luyện và sáng tạo riêng của mình nên dễ nảy sinh những đối đầu vì mâu thuẫn cá nhân, vì khác biệt về trường phái và cá tính. Tuy nhiên, dưới mái nhà HVVTTSBĐ vì một mục tiêu cao cả và nghĩa hiệp, chúng tôi tin những mâu thuẫn cá nhân sẽ mờ dần đi để cùng đoàn kết hội tụ, chung tay cho các tinh hoa võ thuật của dân tộc ngày càng phát tiết và lan tỏa khắp thế giới.

* Xin cám ơn ông!

  • Cát Hùng (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Luẩn quẩn chuyện tiền và cơ chế  (01/10/2009)
Giấc mơ không giới hạn  (01/10/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/10/2009)
Người kể chuyện truyền thống  (03/09/2009)
Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh - Hiện thân một nhân cách  (03/09/2009)
Âm nhạc Bình Định nhìn từ những giải thưởng  (02/09/2009)
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”  (19/09/2009)
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)
Khi phụ nữ “hồi xuân”  (02/09/2009)