Về các di tích Chàng Lía ở Bình Định
10:44', 3/10/ 2009 (GMT+7)

Tương truyền, Chàng Lía xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, là người có khí khái, giỏi võ nghệ, thấy những bất công của xã hội đương thời, đã tập hợp dân nghèo nổi dậy đấu tranh với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, nhưng hình ảnh “Chàng Lía” còn mãi trong lòng người dân Bình Định.

 

Đường vào cửa hang Chàng Lía. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

Hiện nay, trong chính sử không thấy ghi chép về cuộc khởi nghĩa này, nhưng trong dân gian có rất nhiều mẩu chuyện, thơ ca, hò vè về Chàng Lía. Ở Bình Định,  nhiều di tích tương truyền liên quan đến Chàng Lía, nhưng dấu tích bị mờ nhạt theo năm tháng, cần được tu bổ, tôn tạo, để tưởng nhớ về một người anh hùng, góp phần làm vẻ vang cho quê hương xứ sở.

Qua nguồn tư liệu cùng với khảo sát thực tế các địa điểm, hiện nay ở Bình Định có những địa danh như: Thành Uất trì, Hòn Sưng, Phủ thành Quy Nhơn, Căn cứ Truông Mây, Hang Chàng Lía… các di tích này liên quan đến Chàng Lía.

- Thành Uất trì ở huyện Tây Sơn, thành này trong tư liệu nói rằng do người Chăm xây dựng, sau này Chàng Lía sử dụng làm sơn trại trong những buổi đầu khởi nghĩa. Tuy nhiên, thành này hiện nay chưa được khảo sát, vì vậy chưa biết được địa điểm cụ thể nằm ở xã nào.

- Hòn Sưng - là ngọn núi thấp chừng 422m thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Trên đỉnh Hòn Sưng trước đây có một vòng đá hình chữ nhật, bằng phẳng, bên cạnh có 2 tảng đá vuông vức chồng lên nhau, người ta bảo đó là “Mả mẹ Chàng Lía”. Trong giai đoạn chống Mỹ, lính Nam Triều Tiên nghi ngờ cách mạng cất giấu vũ khí, chúng đã phá tung, hiện nay chỉ còn cái hố nông và 1 tảng đá.

- Phủ thành Quy Nhơn - hiện nay chỉ còn là một phế tích thuộc địa phận thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Nơi đây từng là lị sở trấn trị của phủ Quy Nhơn, được xây dựng vào năm 1744. Nơi gắn liền với sự kiện nghĩa quân Chàng Lía bí mật kéo xuống, nhân lúc trời tối, lính canh lơ là, phóng lửa đốt các dinh thự, doanh trại, chém đầu tên quan Tuần phủ Quy Nhơn.

- Căn cứ Truông Mây - nay vẫn còn dấu tích. Truông Mây là một đoạn đường chạy giữa hòn Núi Một và sông Kim Sơn từ phía Bắc thôn Phú Thuận đến phía nam thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Xưa kia đây là con đường độc đạo lên nguồn Kim Sơn, hai bên sườn núi mây mọc thành rừng, khung cảnh hoang vắng, đi lại rất khó khăn nên mới có tên là Truông Mây. Các dấu tích về cuộc khởi nghĩa nằm tập trung ở dưới chân và bên sườn hòn Núi Một. Năm 1987, Bảo tàng Tổng hợp có cuộc khảo sát kiểm kê bước đầu, tư liệu cung cấp cho biết một số di tích như:

+ Mộ Ông Lía - là di tích gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng sau khi Lía tự vẫn, với lòng ngưỡng mộ và ghi nhớ công lao của chàng, nhân dân đã xây dựng một ngôi mộ khang trang. Ngôi mộ – mà dân gian gọi là Mộ Ông Lía – có quy mô khá lớn, gồm hai lớp tường thành: thành ngoại và thành nội. Hai lớp thành có hình dáng giống nhau. Mặt trước xây vuông quay về hướng đông, mặt sau xây hình bán nguyệt dựa lưng vào núi. Lớp thành ngoại có chiều dài 30m, chiều rộng 25m, xây bằng đá núi xếp chồng lên nhau với nhiều kích cỡ khác nhau, cao 1,4m, rộng 1,5m, phía trước có cửa ra vào rộng 2m. Lớp thành nội nằm cân đối trong lớp thành ngoại, mặt trước cũng có cửa ra vào, dài 7m, rộng 5m, cao 1m, được xây cẩn thận hơn bao gồm 3 lớp đá ong được cắt vuông vức với kích thước 9,5m x 0,3m x 0,2m. Nhân dân cho biết trước kia giữa thành nội có một tấm bia đá khắc chữ Hán nhưng đã bị đào phá mất. Bên ngoài ngôi mộ phía nam có một phế tích kiến trúc khác hình vuông, một lớp tường thành, mặt quay hướng đông, dài 6m, rộng 4m, dày 1,5m, tương truyền rằng đây là nền doanh trại của nghĩa quân.

Truông Mây ngày nay người dân sinh sống khá đông, hiện nay Mộ Chàng Lía nằm trong vườn cây của các hộ dân, chỉ còn nhìn thấy một đoạn tường đá ong dài chừng 1m. Đi ra phía sau một đoạn mới thấy thêm một lớp 5,6 viên đá ong vuông vức khác, dấu tích để lại hiện nay không còn nhiều.

+ Di tích bờ lũy - trước đây ở ngay phía sau ngôi mộ, là dấu tích một bờ lũy xây bằng đá, chạy dài dẫn đến sườn núi. Khảo sát năm 1987, di tích còn dài 50m, rộng 0,8m, hai bên bờ lũy, dọc theo sườn núi rải rác còn có những bờ kè xây bằng đá, cao 1m, dài 3m. Nhân dân cho biết trước đây lũy khá đồ sộ nhưng đã bị dân phá dỡ lấy đá về xây nhà.

+ Di tích Miếu Mục Đồng - nằm ở phía Bắc ngôi mộ. Miếu được xây (xếp) bằng đá núi với chiều dài 12m, chiều rộng 19m, tường cao 1m đến 1,5m. Miếu quay hướng đông có hai lối vào hai bên, vách phía tây dựa vào núi. Dân gian truyền rằng ngày xưa đây là vị trí trại chỉ huy, nơi ở của các thủ lĩnh nghĩa quân. Nhưng không hiểu vì sao lại có tên là Miếu Mục Đồng?

- Hang Chàng Lía - nằm ở núi Bà thuộc xã Cát Trinh, huyện Phù Cát. Hiện nay chưa xác định được thời điểm nào chàng Lía ở đây, nhưng dân gian gọi đây là Hang Chàng Lía. Và cũng chưa có cuộc khảo sát nào đi vào trong hang để biết độ sâu của hang. Đường đi đến Hang Chàng Lía phải trèo qua những tảng đá núi cheo leo, nguy hiểm.

Những di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa chàng Lía, từ trước đến nay chưa được quy hoạch bảo vệ, di tích Mộ Chàng Lía bị một số người dân địa phương đào lấy đá đem về xây dựng nhà , hoặc đào phá ngôi mộ làm hư hỏng, dấu tích bị mờ nhạt. Nhân dân và chính quyền địa phương có nguyện vọng đề nghị Nhà nước xếp hạng, trùng tu - tôn tạo bảo vệ di tích. Nếu có thể nên nghiên cứu lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng 2 địa điểm di tích Mộ Chàng Lía và Hang Chàng Lía. Toàn bộ khu vực Truông Mây rất rộng, hiện nay nhân dân cất nhà ở sát chân núi. Do đó không thể quy hoạch cả vùng được, chỉ cần bảo vệ phạm vi khu vực có di tích kiến trúc trước đây từ chân lên đến sườn núi. Ở Hang Chàng Lía cần có cuộc khảo sát kỹ, cải tạo một đoạn hang để phục vụ cho du khách khi đến tham quan, muốn tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Chàng Lía. Tạo đường tam cấp đi lên di tích được thuận lợi, cắm biển báo hướng dẫn đường đi, thuyết minh di tích… Trong tương lai, nếu di tích được xếp hạng, trên cơ sở tư liệu, xác định địa điểm, có thể trùng tu, phục hồi lại ngôi mộ, quy hoạch di tích quy củ hơn để những dịp lễ - Tết nhân dân có thể đến viếng và thắp nén hương tưởng niệm một vị thủ lĩnh nhân dân. Tổ chức cho các em học sinh đến tham quan di tích, kể chuyện lịch sử truyền thống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống đấu tranh chống áp bức bất công của cha ông.

  • Tiến Vân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa võ Việt  (02/10/2009)
Luẩn quẩn chuyện tiền và cơ chế  (01/10/2009)
Giấc mơ không giới hạn  (01/10/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/10/2009)
Người kể chuyện truyền thống  (03/09/2009)
Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh - Hiện thân một nhân cách  (03/09/2009)
Âm nhạc Bình Định nhìn từ những giải thưởng  (02/09/2009)
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”  (19/09/2009)
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)