10 NĂM THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG “LÀNG VĂN HÓA” Ở HOÀI ÂN:
Để bền vững cần phấn đấu liên tục
17:6', 2/10/ 2009 (GMT+7)

Ở Hoài Ân, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) có vị trí, vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển quê hương. Trong đó, cuộc vận động xây dựng “Làng văn hóa” là một trong những mục tiêu cơ bản và quan trọng trong các Nghị quyết Đảng bộ huyện, chương trình hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể từ huyện về các xã, thị trấn trong gần 10 năm qua.

 

Làng văn hóa An Thường 2 (xã Ân Thạnh - Hoài Ân). Ảnh: Văn Lưu

 

* Tác động rộng khắp

Cuộc vận động xây dựng Làng văn hóa ở Hoài Ân đãø góp phần làm bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện ngày càng khởi sắc. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống được thực hiện hiệu quả thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Nhờ đó mà năng suất lúa trong sản xuất nông nghiệp của huyện tăng nhanh, từ 38-40 tạ/ha trong thập niên 90 của thế kỷ trước đến năm 2008 đạt trung bình 58 tạ/ha; sản lượng quy thóc đạt trên 63.000 tấn, bình quân lương thực đạt 700kg/người /năm. Thu nhập bình quân đầu người từ 3 triệu đồng năm 2000, đã tăng 5,8 triệu đồng năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,9%. Anh Nguyễn Xuân Phê - ở Làng văn hóa Vạn Tín (xã Ân Hảo Tây) - cho biết: “Trong quá trình phấn đấu để được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, người dân dần nâng cao về nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội nói chung và với thôn xóm nói riêng. Nhiều năm liền ở đây không có người sinh con thứ 3; nhân dân rất tích cực và đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần xóa hộ đói, giảm đáng kể số hộ nghèo trong thôn”.

Thông qua việc thực hiện các quy ước, hương ước ở các làng văn hóa, quan hệ ứng xử trong gia đình và cộng đồng đã đi vào nề nếp. Việc thực thi pháp luật đã được các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc. Cụ thể như các loại thuế, các nguồn quỹ đều đạt cao. Chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, chính sách xã hội đều đạt tốt. Tính từ năm 2003 đến năm 2008, toàn huyện đã xây dựng được 360 nhà đại đoàn kết; xây hàng trăm nhà cho hộ gia đình chính sách, nhiều xã hoàn thành việc xây dựng nhà mới, xóa nhà ở đơn sơ cho hộ nghèo như Ân Mỹ, Ân Thạnh, thị trấn Tăng Bạt Hổ... Nếp sống văn hóa được nhân rộng. Việc cưới, việc tang và lễ hội được tuyên truyền hướng dẫn tổ chức thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm. Các nét đẹp trong các lễ hội dân gian được khai thác, phát huy, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan được đẩy lùi, xóa bỏ. Hầu hết các làng văn hóa đều xây dựng được đội văn nghệ quần chúng, đội TDTT thường xuyên tổ chức tập luyện, biểu diễn và tham gia thi đấu ở hầu hết các giải do xã, huyện tổ chức. Nhờ đó mà phong trào được đẩy mạnh, giúp cho công tác xã hội hóa hoạt động VHVN-TDTT, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện triển khai đem lại nhiều kết quả tích cực.

* Sức mạnh của sự đồng thuận

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, và trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, nhà ở, các công trình thủy lợi, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, hệ thống nước sạch… được xây dựng khang trang, làm cho bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Trong đó việc huy động sức dân xây dựng các công trình giao thông nông thôn được ghi nhận là điểm nổi bật ở Hoài Ân. Trong 5 năm (2003-2008) đã có 12,5 km đường được bê tông hóa, 325 km đường liên thôn, liên xóm trên địa bàn huyện được cải tạo và nâng cấp nhờ nguồn lực từ sức dân. Nhiều công trình, thiết chế VH-TT được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân. Hiện nay, toàn huyện có 32 làng xây dựng được Nhà văn hóa cộng đồng, và có từ 1 đến 3 thiết chế hoạt động TDTT; 12 làng xây dựng được cổng chào Làng văn hóa nhờ nguồn kinh phí từ nhân dân. Nổi bật trong thực hiện công tác này phải nói đến các Làng văn hóa như An Thường 2 (Ân Thạnh), Phú Khương (Ân Tường Tây), An Hòa (Ân Phong), Hội Nhơn (Ân Hữu), Tân Thành (Ân Tường Đông)… Ông Tô Hồng Hải ở Làng văn hóa An Thường 2 tâm sự: “Quy ước của làng được dân trong làng đồng thuận thực hiện. Sức dân được huy động hợp lý đã đem lại hiệu quả cao. Đường thôn, ngõ xóm, cổng làng, nhà văn hóa cộng đồng, nghĩa trang của làng được xây dựng khang trang chính nhờ vào sự đồng thuận ấy”.

Qua gần 10 năm (2000-2009) triển khai, tổ chức thực hiện nội dung, tiêu chí xây dựng Làng văn hóa, số thôn trong huyện đạt danh hiệu Làng văn hóa tăng dần cả chất và lượng, từ 1 làng được công nhận vào năm 2001, đến đầu năm 2009 toàn huyện Hoài Ân đã có 32/82 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa (chiếm tỷ lệ 39,02%), trong đó 1 làng giữ vững danh hiệu Làng văn hóa liên tục trong 8 năm là An Thường 2; giữ vững 7 năm có 5 làng; 6 năm có 4 làng, 5 năm có  6 làng… Số khu dân cư tiên tiến năm thứ 3 đăng ký xây dựng Làng văn hóa vào năm 2009 có 6 thôn. Số đơn vị đạt danh hiệu Xã, Thị trấn văn hóa có 2 xã. Số gia đình đạt danh hiệu Văn hóa trên địa bàn huyện đến năm 2009 là 18.497/ 21.451 hộ (chiếm 86,22%).

* Để chất lượng phong trào bền vững

Phải nói rằng, phong trào xây dựng Làng văn hóa ở Hoài Ân được tổ chức triển khai rộng khắp, số lượng ngày càng tăng. Song, chất lượng các danh hiệu văn hóa nhìn chung chưa ngang tầm với mục đích, yêu cầu đề ra. Điển hình là tại một số làng, vấn đề vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nước thải trong chăn nuôi chưa được xử lý tốt gây tác động xấu đến vệ sinh chung. Tình hình trị an thôn xóm còn nhiều vấn đề bất cập, nổi lên là hiện tượng bỏ học, ăn chơi lêu lổng của một số thanh thiếu niên chậm tiến… Một số Làng văn hóa đạt danh hiệu nhiều năm liền nhưng đời sống tinh thần vẫn chưa được cải thiện.

Những bất cập, yếu kém đó nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy Đảng, chính quyền chuyển biến tư tưởng chưa theo kịp phong trào, nhận thức của nhân dân chưa thật sâu sắc, còn có những sự so sánh “làng mình đạt danh hiệu Văn hóa nhưng có khác gì những làng bạn chưa đạt danh hiệu ấy”. Thậm chí có địa phương không muốn đăng ký xây dựng danh hiệu Làng văn hóa vì sợ mất đi quyền lợi của tiêu chí xã nghèo, thôn nghèo. Sự phối hợp thực hiện giữa Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quần chúng ở một số cơ sở chưa đồng bộ, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác tuyên truyền, vận động giáo dục chưa được thường xuyên. Gắn kết giữa công tác xây dựng đời sống văn hóa với công tác xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh chưa thật tốt. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể dục thể thao ở cơ sở còn quá ít so với yêu cầu. Kế hoạch thực hiện phong trào hàng năm mang tính chung chung. Công tác bình chọn, xét duyệt công nhận và đề nghị công nhận, khen thưởng các danh hiệu văn hóa thiếu chặt chẽ, chưa sát đúng,  ảnh hưởng đến động lực thi đua của phong trào.

Thiết nghĩ, để phong trào xây dựng Làng văn hóa ngày càng phát triển bền vững, điều quan trọng là nội dung thực hiện phong trào phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán từng vùng miền, từng dân tộc, tránh sự áp dụng các nội dung một cách cứng nhắc, rập khuôn. Hơn nữa, cần coi công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; sơ tổng kết phong trào, bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng các danh hiệu văn hóa kịp thời, công bằng và thỏa đáng, tránh việc cào bằng chung chung, chạy theo thành tích.

  • Võ Chí Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về các di tích Chàng Lía ở Bình Định  (02/10/2009)
Nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa võ Việt  (02/10/2009)
Luẩn quẩn chuyện tiền và cơ chế  (01/10/2009)
Giấc mơ không giới hạn  (01/10/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/10/2009)
Người kể chuyện truyền thống  (03/09/2009)
Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh - Hiện thân một nhân cách  (03/09/2009)
Âm nhạc Bình Định nhìn từ những giải thưởng  (02/09/2009)
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”  (19/09/2009)
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)