Tìm hiểu con kỳ lân huyền thoại qua hình tượng sư tử trong điêu khắc Chăm
17:13', 2/10/ 2009 (GMT+7)

Theo thần thoại Ấn Độ, sư tử là một trong những kiếp hóa thân của thần Visnu, vì sùng bái Visnu nên được Visnu ban cho phép trường sinh. Hình tượng sư tử trong điêu khắc Champa là biểu tượng của chính giáo chống lại tà giáo và bảo vệ người tu hành chính đạo.

 

Tượng sư tử - phong cách Bình Định thế kỷ XII- XIV.

 

Sư tử là một trong những con vật được thể hiện nhiều trong điêu khắc đá Champa. Sư tử trong phong cách Bình Định thường được trang trí ở mỗi góc tháp, vì vậy nó có kích thước rất lớn, đứng trong tư thế chống đỡ mạnh mẽ và hung dữ với thân hình vạm vỡ, các cơ bắp căng tròn. Sư tử được tạc trong y phục là một chiếc khố mềm mại, được nghệ nhân Chăm thể hiện rất tinh tế. Tượng đeo rất nhiều đồ trang sức theo phong cách thẩm mỹ của cư dân Chăm.

Về ý nghĩa xã hội, sư tử hay còn gọi là Simha được coi là biểu tượng cho dòng dõi quý tộc, quân vương và tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vương quyền của các vua Chăm. Vì vậy, ngai vàng của vua còn có tên là Simhasana - ngai vàng Sư tử (ngai ngồi của thần Visnu hay của Phật cũng gọi là Simhasana). Trong điêu khắc Champa, sư tử được thể hiện nhiều dạng: sư tử đứng với bộ phận sinh dục được thể hiện nổi bật, sư tử quỳ gồng người  lên, sư tử ngồi xổm… Trên địa bàn Bình Định ngày nay hiện biết 6 tượng sư tử bằng đá. Đặc biệt 2 tượng sư tử trong thành Chà Bàn hiện đặt trước lăng Võ Tánh (An Nhơn), sư tử đứng trên bệ. Tượng cao 1,05m, dài 1,1m có hình thức thể hiện tương đối giống nhau, trong tư thế đứng nghiêm trang, dáng khỏe mạnh. Đầu sư tử to, hơi ngóc lên đầy vẻ dữ tợn, trán nhô, mắt lồi tròn, lông mày xếch, lông bờm hình mác dựng vươn lên; Thân sư tử tròn thon, khối gọn chắc, bốn chân to khỏe, hai chân trước đứng thẳng, hai chân sau hơi thu, dáng như muốn vươn tới. Hai con sư tử này thoạt nhìn rất giống các sư tử kiểu Trung Hoa, nhưng nghiên cứu kỹ các yếu tố thì rất giống hình sư tử Champa ở khu tháp Dương Long: đứng trên bốn chân, đuôi vểnh lên, mắt lồi, lông mày hình sừng- thuộc điêu khắc Champa, niên đại thế kỷ XII. Với dáng vẻ và các đặc điểm tạo hình, trong văn hóa Việt có thể gọi đây là một trong những  hình ảnh của những con kỳ lân.

Trong văn hóa Việt, hình tượng con lân được thể hiện phổ biến trên nhiều mô típ trang trí, ở các chất liệu khác nhau. Đề tài Long, Lân, Quy, Phụng được thể hiện dưới nhiều dạng thức. Đó có thể là những con rồng chầu trên nóc cung điện, rồng ẩn hiện trên những cấu kiện kiến trúc gỗ truyền thống, rùa đội bia đá trên chùa, rùa đội hạc trong đình làng, chim phụng trên bức trấn phong gỗ hoặc trấn phong xây gạch, lân trên áo võ quan nhất phẩm…

Theo quan niệm của người Trung Quốc, kỳ lân là con vật huyền thoại có thể đi được cả trên cạn và dưới nước, được quy về một nhóm chung với Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ thành Thiên cung ngũ thú, chiếm lĩnh ngũ phương: phía đông có Thanh Long, phía Tây có Bạch Hổ, phía nam có Chu Tước, phía bắc có Huyền Vũ, trung tâm có Kỳ lân. Trong  sự giao thoa, tiếp biến và sự dung hợp tín ngưỡng trong văn hóa Việt-Chăm, Việt – Trung, người Việt hẳn đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quan niệm gắn với hệ thống phương hướng và biểu tượng nói trên của người Trung Quốc. Cũng từ cách hiểu này, trong các cung điện, lăng tẩm, những con kỳ lân to lớn oai vệ đặt trên bệ đá ở trước sân điện, mặt hướng về ngai vàng như để chiêm bái đức vua cùng các quan lại trên sân điện.

 

  tử - Kỳ  Lân đặt  trước Lăng Võ Tánh (An Nhơn).

 

Người Trung Quốc coi kỳ lân là: “tinh của ngũ hành. Con đực gọi là kỳ, con cái gọi là lân. Thân hưu, đuôi trâu, móng ngựa, đầu một sừng, sắc vàng, tính nhân nghĩa không hại côn trùng và cỏ cây, không sống quần cư, tiếng tựa chuông vàng. Lý luận thiên nhân cảm ứng cho rằng, bậc đế vương chí nhân ắt có kỳ lân xuất hiện”. Những con kỳ lân có khi được thể hiện trong tư thế đứng thẳng, có thân ngựa, vảy cá chép, đuôi gà trống, đầu sư tử, móng chim ưng, hội tụ những ưu điểm của các con vật dũng mãnh. Sự thể hiện những con kỳ lân ở khu vực lăng tẩm, với ý nghĩa mang lại sự bình yên và biểu trưng cho những điều tốt đẹp ở cả nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các linh hồn. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng “ lân đại diện cho uy quyền và công lý, giám sát lòng trung thành của các quan lại. Có những phát hiện khác về ý nghĩa biểu tượng liên quan đến con lân: “dấu vết những con kỳ lân” để chỉ dòng vương giả, và thành ngữ “sừng kỳ lân” để chỉ các hoàng tử con trai một vị hoàng đế. Trên những cái nôi trẻ em nằm, người ta viết bốn chữ Hán “kỳ lân tại thử”- có nghĩa là “con kỳ lân ở nơi đây”, và câu “móng kỳ lân mang lại cho các con cơ may” là một lời cầu chúc đối với nhiều trẻ em”.

Trong cung điện ở Huế, hình ảnh kỳ lân còn được cách điệu tại các thành bậc cấp, các mái cung điện, các bình phong hoặc được trang trí theo chủ đề trên các món đồ đồng, đồ sứ, đồ gỗ… Đây là mô tiếp trang trí khá quen thuộc, đặc biệt là trên lư đồng, rồng và lân thường đi đôi với nhau. Rồng thường xuất hiện dưới dạng quai lư hoặc chân đế. Lân được bố trí ở chỏm nắp hoặc cũng được thể hiện dưới dạng đầu lân ở hai bên quai, loại lư này thường góp mặt trong bộ tự khí của các cuộc lễ lớn của triều Nguyễn như lễ tế Nam Giao, lễ tế đàn Xã Tắc, các cuộc lễ Vạn Thọ, lễ tế tại các miếu. Cũng có khi, lư có hình khối cầu, đầu lân làm quai - là hai chú lân nhỏ được gắn vào hai bên. Nắp lư hình chỏm cầu cũng có một con lân tạo thành chủ đề “tam lân hý cầu”… Với cách thể hiện phong phú, hình ảnh con lân mang nhiều ý nghĩa tương ứng trong các mô típ trang trí như: “Lân mẫu xuất lân nhi”: biểu trưng cho cha mẹ quý phái sinh con là quý tử; “Lân mẹ và lân con”: biểu trưng cho lời chúc công thành danh toại; “Sư tử cầu hý”: biểu trưng cho lời chúc thành đạt, mãn nguyện.

Như vậy, yếu tố tín ngưỡng trong văn hóa Champa và văn hóa Việt với hình tượng sư tử - kỳ lân mang tính tương đồng, đều là con thú thể hiện trong huyền thoại, thường được các nghệ nhân nhân hóa cách điệu cao, mang những ý nghĩa biểu trưng cho dòng dõi quý tộc, mang tính cầu phúc, cầu lộc, biểu trưng cho uy quyền và sức mạnh. Có khi hình ảnh lân còn được dùng như một dấu hiệu quy ước về đẳng cấp trong 9 bậc phẩm hàm của các quan dưới triều Nguyễn. Theo quy định, áo các quan võ cao cấp được thêu trang trí hình con lân, áo quan văn cao cấp được thêu hình con mãng…

Với sự xuất hiện gần như phổ biến trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí quần áo, tín ngưỡng thờ cúng, sư tử- kỳ lân không những là hình ảnh oai nghiêm của một thời xa xưa chốn cung vàng điện ngọc mà cũng rất gần gũi trong cuộc sống đời thường của người dân hiện nay.

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Để bền vững cần phấn đấu liên tục  (02/10/2009)
Về các di tích Chàng Lía ở Bình Định  (02/10/2009)
Nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa võ Việt  (02/10/2009)
Luẩn quẩn chuyện tiền và cơ chế  (01/10/2009)
Giấc mơ không giới hạn  (01/10/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/10/2009)
Người kể chuyện truyền thống  (03/09/2009)
Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh - Hiện thân một nhân cách  (03/09/2009)
Âm nhạc Bình Định nhìn từ những giải thưởng  (02/09/2009)
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”  (19/09/2009)
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)