Nghệ thuật truyền
thống là một trong những sản phẩm văn hóa thu hút du khách ở nhiều địa phương.
Bình Định được mệnh danh là “đất Võ trời Văn” nhưng các loại hình truyền thống
lại chưa hấp dẫn được du khách.
|
Liên khúc dân ca Nam
Trung Bộ do các nghệ sĩ Đoàn Ca kịch bài chòi biểu diễn. Ảnh: Ngọc Tú
|
*
Nỗ lực
Từ hơn mười năm nay,
Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã xây dựng những
chương trình khá bài bản và bình quân một tháng 1-2 lần, họ được mời diễn. Ông
Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn cho biết, Nhà hát đã nhờ
NSND Đặng Hùng và biên đạo Thu Hương dàn dựng múa, nhạc sĩ Hoàng Hải và Gia
Thiện phụ trách phần nhạc, cùng hợp lực xây dựng chương trình. Cho đến nay, Nhà
hát đã có hơn 20 tiết mục đặc sắc như: hát múa Dâng rượu, múa Sắc mai vàng, múa
nón, múa Mùa xuân hái lá, múa Hành khúc mùa xuân, độc tấu đàn bầu, độc tấu bộ
gõ, liên khúc dân ca Nam Trung Bộ và dựng một số đoạn trích mẫu mực như: Ông Ngài đi hội, Phương Cơ qua ải, Quan Công
gặp Châu Thương…
Đoàn Ca kịch bài chòi
Bình Định cũng có chương trình của riêng mình. Anh Đinh Văn Nhân, nhạc công của
Đoàn cho biết, Đoàn đang mời biên đạo Hoàng Việt dựng hai tiết mục múa mới, đồng
thời thay đổi các tiết mục độc tấu nhạc cụ. Như vậy, “lưng vốn” hiện tại của
Đoàn là 27 tiết mục, gồm hát, múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, kịch ngắn, trích
đoạn dân ca. Một địa điểm khác chuyên phục vụ nghệ thuật truyền thống là Bảo
tàng Quang Trung. Lượng khách đến nơi này thời gian qua khá đông, có ngày đến
7-8 đoàn khách. Chương trình biểu diễn ở đây gồm: trống trận Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định kết hợp múa cờ hội và các bài múa Tây Nguyên.
Cuối tháng 6, CLB
Tuồng, Dân ca - Bài chòi và Võ cổ truyền Bình Định đã ra mắt nhằm tăng thêm các
sản phẩm du lịch truyền thống của địa phương, góp phần thu hút khách đến với
Bình Định. CLB đã xây dựng một chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm các trích
đoạn tuồng, liên khúc dân ca Nam Trung Bộ, độc tấu bài chòi, hòa tấu nhạc cụ dân
tộc Chăm, múa Chăm, hát các làn điệu dân ca Chăm, biểu diễn võ thuật… Từ khi ra
mắt đến nay, CLB đã được mời đi biểu diễn hàng chục nơi trong tỉnh.
* Cần sự gắn
kết
Như vậy, có thể nói
rằng các đoàn nghệ thuật truyền thống đã có khá nhiều sản phẩm phục vụ du lịch.
Vậy thì lâu nay điều gì khiến sức thu hút du khách bị hạn
chế?
Nhiều người cho rằng
sở dĩ vậy là vì Bình Định chưa phải là điểm đến, mà chỉ là “điểm dừng chân” để
du khách đi tiếp vào Nha Trang hoặc ra Hội An. Thông thường họ chỉ đến Bình Định
vào buổi tối, rồi sáng hôm sau lên đường. Tuy nhiên, ngay cả việc họ chỉ ở lại
một buổi tối, vẫn hoàn toàn có thể “tiếp thị” nghệ thuật truyền thống đến họ
được, nếu biết cách. Một hướng dẫn viên của Vietravel từng tâm sự: “Không phải
Công ty không thể bố trí cho khách nghỉ lại Bình Định được, mà cái chính là ở
đây có quá ít dịch vụ. Và số ít này cũng chưa thực sự níu chân khách ở
lại”.
Lâu nay, các đơn vị
nghệ thuật Bình Định chỉ hoạt động theo “đơn đặt hàng”, kiểu được chăng hay chớ,
chứ chưa quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này. Từ đó dẫn đến việc không có kinh phí
để dàn dựng chương trình mới. Mà không có chương trình mới thì chuyện “tiếp thị”
không thể hiệu quả được. Anh Nhân nhớ có lần, một khu du lịch ở Gia Lai là khách
hàng thân thiết của Đoàn, gọi điện mời họ đến diễn với điều kiện phải có chương
trình mới.
Thêm vào đó, chương
trình của các đơn vị nghệ thuật dàn dựng thường “đồ sộ”, thường có ngót nghét 20
người tham gia. Mỗi lần muốn xem, khách phải bỏ ra số tiền quá lớn, nên nhiều
người tỏ ra cân nhắc. Thực tế, lâu nay có tình trạng, ngoài số người cần thiết,
các đơn vị còn kéo thêm người đi để tạo thu nhập cho anh em. Trong khi đó ở Bảo
tàng Quang Trung, khách đi lẻ 1-2 người muốn xem biểu diễn võ phải bỏ ra đến
300.000 đồng/lượt. Vì vậy, nhiều người tỏ ra không tha thiết
lắm.
Một vấn đề khác mà lâu
nay những người tâm huyết và mong muốn du lịch Bình Định phát triển thường thắc
mắc là tại sao ca Huế và đờn ca tài tử Nam Bộ lại thu hút được nhiều du khách
đến vậy. Một trong những lý do đó là vì khi thưởng thức ca Huế phần đông du
khách được thưởng thức ngay trên dòng Hương giang thơ mộng. Điều đó khiến sức
thu hút của ca Huế tự nhiên được tăng thêm rất nhiều. Còn nghệ thuật truyền
thống của ta, kịch mục và các trình thức luôn bài bản, lại được đóng khung trên
sân khấu thì rất khó hấp dẫn được những người muốn tìm sự vui vẻ, thoải
mái.
Lâu nay “cái khó bó
cái khôn” nên nghệ thuật truyền thống Bình Định cứ mãi “giữ khoảng cách” với du
khách. Đã đến lúc cần phải sốt ruột khi nhiều địa phương đang tăng tốc phát
triển du lịch. Điều đáng lo ngại là văn hóa ở các tỉnh miền Trung na ná như
nhau. Chẳng hạn, vào Khánh Hòa hay ra Đà Nẵng, du khách vẫn có thể xem tuồng,
nghe bài chòi. Vì vậy, cần chọn những nét độc đáo của địa phương để giới thiệu
với du khách, tránh việc dàn dựng chung chung, dễ gây nhàm chán.
Một hãng lữ hành có
tiếng trong tỉnh đề xuất các đơn vị nghệ thuật, Bảo tàng Quang Trung và CLB
Tuồng, Dân ca - Bài chòi và Võ cổ truyền Bình Định cần tổ chức những buổi biểu
diễn cố định, để các công ty du lịch chủ động đưa khách đến xem. Giá vé nên quy
định cụ thể để họ đưa luôn vào giá tour. Thời gian đầu gặp khó khăn, các đơn vị
trên có thể yêu cầu được hỗ trợ để sân khấu sáng đèn đều đặn. Bên cạnh đó, cần
phát hành băng đĩa hát bội, hát bài chòi để tặng hoặc bán cho du khách.
Quả là để nghệ thuật
truyền thống đến gần du khách, đang rất cần sự chung tay và gắn kết chặt chẽ của
các ban ngành liên quan.
|