Năm lên mười, đi học lớp ba trường làng, tôi mới được thầy giáo giảng cho biết về bốn mùa và các lễ tiết, đặc biệt là bài ca dao với những câu:
|
Đèn kéo quân. Ảnh: T.M
|
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
Tháng Tám chơi đèn kéo quân…
Đây là nghe giảng mà biết, còn đèn kéo quân thì hình như tôi được chơi đâu từ năm lên năm, lên sáu. Hằng năm không phải chờ đến đúng rằm tháng Tám, mà độ mười hai, mười ba, chậm lắm thì ngày mười bốn là ba tôi đã lên phố huyện mua đưa về một cái đèn kéo quân kèm thêm một hai cái đèn xếp.
Chuyện ăn Tết Trung Thu ngay từ vào thu hoặc còn đang mùa hè, nhà nọ nhà kia đã bắt đầu nhắc tới. Nhà có khóm mía đến kỳ chặt bán, nhưng lựa một hai cây đang lớn để dành lại, nhà có mớ bắp thì kẽ hạt phơi khô và tìm cách gìn giữ khỏi bị mọt đục, hoặc nhà ai mò dưới ao được giỏ ốc bươu thì nhất định là không xào nấu gì hết mà đưa treo luôn cả giỏ lên gác bếp, chờ đến đúng đêm rằm tháng Tám mới luộc. Khắp xóm, chẳng ai phải hẹn hò, rủ rê, tự nhiên là tìm kiếm, dành dụm của trong vườn hoặc từ dưới ao, có món gì hay món ấy, không nhà nào chịu cảnh đêm rằm tháng Tám mà lại ngồi suông.
Riêng phần tôi, ăn Tết Trung Thu trước hết là với đèn kéo quân, cái đèn một tán với hai hàng quân, hàng trên bao giờ cũng là ông Đinh Bộ Lĩnh cưỡi rồng cùng lũ bạn mục đồng, đứa ngồi trên lưng trâu, đứa đi bộ, tất cả đều vác cờ bông lau. Những cái hình cắt giấy ở hàng trên hầu như không thay đổi, nhưng ở hàng dưới thì người làm đèn, nếu tôi nhớ không lầm, thường chế ra đủ thứ, nào lính vác súng, nào người cưỡi ngựa, có khi lại một hai cái xe hơi chen giữa đám gánh gồng.
Cái đèn kéo quân bốn mặt đều phất giấy Tào bạch, mặt nào chả giống nhau nhưng tôi ngồi coi mặt này một lát lại đổi chỗ để coi mặt khác. Đêm đầu tiên cho đèn chạy thử chơi để gọi là đỡ thèm thôi, còn cho chạy hoài, chạy đến chán thì phải đúng đêm rằm. Khi ấy trong nhà không còn một thứ ánh sáng nào khác, ngoài ánh sáng leo lét của cây nến nhỏ thắp trong cái đèn xếp treo lửng lơ nơi gian giữa, còn lại là ngọn đèn dầu hỏa khêu cao ngọn đặt trong đèn kéo quân. Hơi lửa bốc lên, cái tán xoay nhanh, hai hàng trên – dưới, quân quan, lính tráng, xe cộ trẩy đi ào ào.
Tôi một mình vừa ngắm đèn vừa ngắm những con heo nằm riêng lẻ, và heo bầy châu đầu vào heo mẹ phơi bụng nằm ểnh. Đám những con heo khi mẹ tôi mới mua trên tỉnh về, tôi ngửi thấy thơm phưng phức, ăn thử một con nhai cứ giòn sụm, tất cả lúc ấy đã mất mùi thơm và sờ tới thấy ỉu xìu, nhưng vẫn cứ là món ăn Tết Trung Thu mà khắp xóm không phải nhà ai cũng có. Đèn và bầy heo làm tôi mê mải, tuy nhiên mọi câu chuyện của mẹ tôi và cả nhà vẫn cứ lọt vào tai. Nhai vài khúc mía nhỏ, lột một múi bưởi mẹ tôi đánh giá cái ngọt của mía, cái chua dịu của bưởi rồi khen trăng tỏ hơn so với Trung Thu năm trước. Bà nội tôi nhai trầu và từng lúc dạy tụi nhỏ học truyền khẩu những câu như là:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Thò chân xuống giếng được ba đồng tiền
Một đồng mua trống mua kèn
Hai đồng mua mỡ đốt đèn thờ vua…
Tụi nhỏ bi bô học lại, bụng đã no cứng xôi, chuối, bưởi và bánh. Tôi ngồi một mình cùng với những món để dành sẵn và đèn kéo quân, nhưng thật tình đầu óc, lòng dạ vẫn cứ lan man vì hình ảnh mơ hồ mà lại như là đang diễn ra ở trên mảnh trăng sáng ngời kia. Mẹ tôi lâu lâu lại nhắc nhở mọi người rằng cành đa, gốc đa mỗi lúc càng thấy rõ hơn lúc trăng vừa mới mọc.
Tuy không dứt được khỏi chỗ đèn, chỗ bầy heo để chạy ra sân, ra chái nhà nhưng hầu như tôi không bỏ sót một câu nói nào của mẹ, một giọng đọc như hát của bà nội, và cả những tiếng gọi í ới vọng lại từ bốn bên hàng xóm chung quanh. Người ta bảo nhau chú ý coi những hình ảnh đang rõ nét trên trăng, chú Cuội và cây đa… Vầng trăng càng lên cao càng lồng lộng.
|