Theo các chuyên gia tâm lý, việc sinh thêm con hay cố duy trì cuộc sống gia đình bằng nhiều lý do để níu kéo cuộc hôn nhân đã rạn nứt là một kiểu “cố đấm ăn xôi” mà không ít người áp dụng. Tuy nhiên, khả năng thành công lại rất ít. Thiệt thòi cuối cùng cũng thuộc về phụ nữ.
* Cố đấm...
Cưới nhau đã ba năm, chị Lan chưa bao giờ hạnh phúc mặc dù Thái là người đàn ông trong mơ mà chị tìm cách cưới bằng được. Hai người đến với nhau không phải bằng tình yêu, mà đơn giản để hợp thức hóa cái thai trong bụng Lan. Khổ nỗi đứa con đầu lòng không giữ được, anh Thái thường xuyên tránh mặt vợ và không còn mặn mà với chuyện vợ chồng. Tìm cách quyến rũ chồng không ăn thua, chị Lan đâm ra cáu bẳn, luôn tra hỏi, trách móc. Không chấp nhận chuyện ly hôn, Lan cố níu kéo.
Chị nghĩ nếu có con, niềm hạnh phúc làm cha sẽ giúp Thái chí thú với gia đình và phát sinh tình cảm với vợ. Vì thế, Lan tìm cách để có thai lần nữa. Một cô bé ra đời, Thái thuê người giúp việc để phục vụ hai mẹ con, nhưng bản thân anh càng ít về hơn, lấy cớ “em đã có con để bầu bạn rồi”. Đến nay, Lan không còn hy vọng về tình yêu của chồng nữa. Nhưng nghĩ đến chuyện ly hôn để bắt đầu lại với một người khác, chị lại nghẹn ngào vì thương đứa con chưa đầy tuổi.
Khác với chuyện của Lan, vợ chồng chị Ngọc Thùy, ở TP Quy Nhơn, từng yêu nhau thắm thiết. Nhưng sau 6 năm chung sống, khi đứa con đầu đã 5 tuổi, chị Thùy cảm nhận rõ tình yêu đã nhạt đi rất nhiều. Rồi khi biết chồng ngoại tình, chị đau xót bởi lấy nhau chưa lâu mà gia đình đã có nguy cơ tan vỡ, càng khổ tâm hơn khi thấy cảm xúc của mình không giống với sự ghen tuông. Tuy nhiên, chị không tin mình đã hết yêu chồng, nghĩ chẳng qua sự lãng mạn mất đi do cuộc sống vất vả.
Với những nỗ lực của chị, cuộc sống “đồng sàng dị mộng” của hai vợ chồng cũng chỉ kéo dài được một năm. Một mặt, chị muốn ly hôn để cả hai tìm tình yêu mới; mặt khác, lại muốn giữ gia đình bởi chồng kiếm được nhiều tiền nên nếu chia tay, chắc chắn mọi bất lợi sẽ đè nặng lên vai chị. Trong khi đó, chị nghĩ rằng khác với chồng còn trẻ và khá đẹp trai, cơ hội làm lại của chị không nhiều.
Vậy là, chị quyết định dọn về nhà mẹ đẻ sống ly thân, kèm tuyên bố: “Em chẳng còn sức mà ghen nhưng sẽ không ly hôn. Anh phải có trách nhiệm với con. Hàng tháng anh phải trích nộp tiền lương để nuôi con”.
* Sống chung với “ảo ảnh”?
Theo các chuyên gia tâm lý, việc sinh thêm con hay cố duy trì cuộc sống gia đình bằng nhiều lý do để níu kéo cuộc hôn nhân đã rạn nứt là một kiểu “cố đấm ăn xôi” mà không ít người áp dụng. Tuy nhiên, khả năng thành công lại rất ít.
Bị chồng phản bội, chị Thùy quyết chí nuôi con một mình vì lý do phụ thuộc kinh tế vào chồng, không thể vượt qua dư luận bị chồng bỏ (hoặc bỏ chồng). Chị thừa biết rằng chồng không thể thay đổi nhưng vẫn quyết tâm không ly hôn. Cuối cùng, chồng chị “bán phăng” ngôi nhà vốn chỉ đứng tên cha mẹ chồng để chuyển vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Chị cố vớt vát chút vật chất để lấy vốn nuôi con.
Còn chị Lan, những lúc buồn, chị lại tự an ủi: “Coi như người chồng yêu thương của mình đang làm ăn xa, còn người đàn ông đang sống chung nhà chỉ là bố của con mình”. Rảnh rỗi là chị lên mạng chat tít mù, để vượt qua cảm giác xót xa vì bị chồng hờ hững.
Và cuộc sống của họ cứ thế kéo dài trong chuỗi ngày đau khổ.
Các nhà tâm lý cho rằng, nếu tiếp tục duy trì tổ ấm, người vợ nên chuẩn bị tinh thần thép để đối mặt với một chặng đường dài phía trước. Có hai luồng suy nghĩ giằng xé trong tinh thần người vợ: một là sẽ cố nhẫn nhịn vì con cái; hai là khao khát được công bằng. Một lúc nào đó, khi niềm tin đã cạn kiệt hoặc lúc mỏi mệt, người vợ sẽ băn khoăn: “Tại sao phải chịu đựng? Có nên ly hôn để tìm kiếm hạnh phúc mới?...”. Một số chị quyết tâm để được ly hôn nhưng cũng có một số chị nhẫn nhịn để sống tiếp. Cứ im lìm mà sống không thể giải quyết triệt để vấn đề. Người vợ nên học cách cân bằng tâm lý, tìm niềm vui trong cuộc sống như vui chơi, học hành, làm đẹp, tìm kiếm lời khuyên “cải tạo” chồng từ những người đáng tin cậy…
Nên tìm mọi cơ hội để chồng ở nhà bằng cách nhờ chồng việc nhà, vui chơi, chăm sóc và dạy con cái học hành, gần gũi và hâm nóng tình cảm với chồng. Có thể nhờ họ hàng, người thân tác động thêm để chồng sớm “tỉnh ngộ” nhưng cách này phải khéo léo. Tránh cãi vã, bới móc hoặc tìm cách hủy hoại bản thân vì ghen tuông. Bản thân người vợ nên học cách nắm bắt cảm xúc của mình, không nên cố gắng nhẫn nhịn tới mức bị khủng hoảng, stress hay trầm cảm quá mức vì chồng. Tuy nhiên, nếu một khi sự chịu đựng vượt quá giới hạn, người vợ nên can đảm cân nhắc đến chuyện chia tay, vừa để giải thoát cho bản thân, vừa tạo môi trường sạch cho con cái phát triển.
|