Ở ngôi nhà số 46 Nguyễn Thị Định, thành phố Quy Nhơn có người vợ 18 năm chăm chồng bại liệt mà vẫn dịu dàng, không một lời ta thán. Bà là Trần Thị Năm, quê ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ; còn ông là Trung tá Trương Tầm, thương binh 3/4, người xã Cát Hiệp, Phù Cát.
|
Bà Trần Thị Năm bên người chồng của mình.
|
* Đám cưới giữa thời chiến
75 tuổi, một đời vất vả nhưng bà Trần Thị Năm với vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt phúc hậu, giọng nhỏ nhẹ, điềm đạm vẫn toát lên một sức mạnh nội tâm. Đã qua cái thuở “ban đầu lưu luyến ấy” mà giọng bà kể về ông vẫn rất ấm nồng, trìu mến. Cảm nhận ở bà, không chỉ có tình yêu vợ chồng sâu nặng mà còn là tình đồng đội, đồng chí cao quý chỉ có ở những người đã trải qua chiến tranh.
Năm 1960, bị địch dòm ngó vì nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà, bà thoát ly gia đình vào bộ đội. Cô y tá dũng cảm, nhanh nhẹn, nhanh chóng lọt vào “mắt xanh’’ của anh sĩ quan Trương Tầm đẹp trai, là Tỉnh đội phó tỉnh Bình Định lúc bấy giờ. Yêu bà nhưng ông không dám nói mà phải nhờ người làm “mai mối’’. Được đơn vị ủng hộ, tình yêu của hai người được nối tiếp bằng một đám cưới thời chiến đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp vào năm 1965. Rồi bà chuyển về làm văn thư Tỉnh đội do yêu cầu công tác và cũng là để gần ông hơn. Những giây phút hiếm hoi bên người vợ hiền, thi thoảng ông lại nhắc: “Em à, đang chiến tranh, vào sinh ra tử, mấy ai được xây dựng gia đình mà mình được tổ chức tạo điều kiện bên nhau thế này là hạnh phúc lắm. Do đó đừng để anh em chưa có vợ có chồng tủi thân. Tốt nhất gặp nhau trên đường công tác mình cứ ngó lơ, làm như không quen biết nghen”. Bà nghe ông nói càng thêm yêu quý và kính trọng ông.
Năm 1967, ông rời Tỉnh đội, sau đó đi học rồi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 240, Cục Hậu cần Quân khu. Lúc này bệnh xá K200, nơi bà phục vụ cũng bị địch đánh phá dữ dội. Bà cùng mọi người di chuyển lên Xà Lò (Quảng Ngãi). Có điều kiện gặp ông hơn, bà mong có một đứa con. Niềm vui muộn màng cũng đã đến vào năm 1972. Khi cháu Trần Minh Thắng được 18 tháng là lúc hai mẹ con bà được ra an dưỡng ở miền Bắc. Một năm sau quê hương giải phóng, bà dắt con về lại Quy Nhơn, làm y sĩ Bệnh viện Quân y 13 với quân hàm trung úy. Vẫn chỉ hai mẹ con. Lúc này ông phụ trách trạm khách Quân khu ở Đà Nẵng. Họ chỉ thực sự ở với nhau khi cả hai cùng về hưu năm 1983. Bù lại những năm tháng đi xa, lại thương bà bị bệnh tim, thêm căn bệnh đau cột sống từ lâu, ông chăm bà lắm, ít khi để bà làm việc nặng, dù bản thân ông sức khỏe chỉ còn 51%. Ông nuôi hàng trăm con gà, rồi làm thêm chân thanh tra ở Xí nghiệp gỗ Ngô Mây để gia đình có đồng ra đồng vào. Đứa con trai được ông bà dạy dỗ chu đáo đã đỗ đại học Kinh tế Đà Nẵng. Hạnh phúc gia đình ngỡ như không có gì hơn giữa cái thời bao cấp còn nhiều thiếu thốn ấy, cho đến khi ông đổ bệnh bất ngờ.
* Sẽ chăm chồng đến tuổi... một trăm
Chúng tôi đến thăm ông Tầm gặp bà Năm đang tập cho ông vận động cánh tay, dáng điệu nhẹ nhàng, âu yếm. Ông nằm bất động, mắt nhắm nghiền. Liệt giường suốt 18 năm nhưng trông ông rất hồng hào, da vẫn căng, người sạch sẽ, không hề lở loét, chỉ có hai chân do không vận động nên teo lại. Chiếc giường nhỏ của bà sát bên. Căn phòng rộng rãi, ngăn nắp, tràn đầy ánh sáng, nếu không có chiếc tủ kính đầy ắp các loại thuốc tây cùng mùi kháng sinh phảng phất thì ở đây không có vẻ gì là buồng bệnh. Vẫn không rời tay xoa bóp ông cho máu dễ lưu thông, bà Năm bồi hồi nhớ lại ngày ông gặp nạn.
Buổi sáng mồng 4 Tết năm 1991, khi chuẩn bị đi trực thì cái chân ông đột ngột tê buốt, không bước được. Đưa ông vào Bệnh viện Quân y 13 thì bác sĩ bảo ông đã bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Suốt 4 tháng ròng, bà chăm ông trong bệnh viện, cùng bác sĩ cứu ông ra khỏi cái chết. Nhưng cũng từ đó cuộc đời ông không rời khỏi giường bệnh. Vài năm đầu ông còn nghe hiểu được, sau này hầu như chỉ sống thực vật. Ngần ấy năm chăm ông cũng là ngần ấy năm bà không rời ông nửa bước, quên luôn bệnh tật của mình với những cơn đau quặn thắt. Bây giờ ông vẫn phải thường xuyên đi bệnh viện, lần ít phải một tháng, nhiều đến 2 tháng. Mới tháng 11 năm ngoái, ông ho liên tục, đờm kín cổ không thở được, phải cấp cứu đến 26 Tết mới về. Những ngày ấy bà hầu như không ngủ.
Đã có thêm con dâu, nhưng việc ăn uống, vệ sinh của ông, bà làm hết bởi “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Vốn ở quân y, từng chăm sóc hàng trăm thương binh nên với “đồng chí chồng”, bà vừa là vợ vừa là hộ lý, y tá; thuốc nào tiêm, thuốc nào uống, thức ăn nào tốt cho người bệnh, bà rành lắm. Ngày mới của bà bắt đầu từ 5 giờ, phải đến 9 giờ tối mới tạm xong. Vừa rồi, bác sĩ bảo bà chăm ông tốt quá, đến nỗi thừa đạm. Bà cười: “Ổng khỏe là tui khỏe. Người sống đống vàng chú ơi!”.
Vất vả là vậy nhưng lúc nào mọi người cũng thấy bà tươi cười, làm việc gì ra việc nấy “gọn bân”. Bà cho rằng mình hạnh phúc hơn bao nhiêu người bởi ông còn bên bà, bởi anh con trai hiện làm ở Công ty Dược Bình Định, cô con dâu làm Bệnh viện đa khoa tỉnh rất hiếu thảo, dành tiền mua thuốc tốt cho cha, bồi dưỡng cho mẹ. Đứa cháu trai còn bé nhưng rất biết thương ông bà, luôn bên bà ríu rít. Niềm vui nữa là gia đình nhận được sự quan tâm chí tình, chí nghĩa của đồng đội ông Trương Tầm. Từ ngày ông ngã bệnh, cho đến nay, đơn vị cũ vẫn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà. Được con cháu động viên, đồng đội tiếp sức, bà Năm tin rằng bà sẽ nuôi ông sống không chỉ 89 tuổi như bây giờ mà sẽ sống đến tuổi… một trăm.
|