Võ sư miệt vườn
9:1', 4/11/ 2009 (GMT+7)

Công việc thường nhật của họ là những mảnh vườn, những sào ruộng, một tiệm hàng tạp hóa, thuốc Bắc nho nhỏ... Nhưng cạnh đó, họ còn dành thời gian vào việc dạy võ. Đóng góp của những võ sư miệt vườn tuy thầm lặng nhưng không hề nhỏ...

 

Võ sư Trần Quý Ba với công việc bốc thuốc Bắc hàng ngày.

 

Thanh Hoàng Thạnh (Tuy Phước) là một trong những võ sư miệt vườn như thế. Là võ sư nhưng công việc chiếm thời gian quanh năm của ông là đàn vịt hàng trăm con. Chăn vịt là việc mưu sinh nhưng dạy võ là tâm huyết của võ sư Thanh Hoàng Thạnh. Và nhiều học trò lớn lên từ sự chăm sóc của ông giờ có người đã là HLV ở tỉnh, người thì đoạt HCV SEA Games.

Tính đến nay, “cái lò võ vườn” theo đúng nghĩa đen của võ sư Thanh Hoàng Thạnh đã cung cấp hơn 20 học trò cho đội tuyển võ thuật của tỉnh. Học trò của võ sư Thanh Hoàng Thạnh chủ yếu là những thanh thiếu niên trong làng ham mê võ thuật. Với tài huấn luyện của ông, họ đã chuyên tâm tập luyện và gặt hái nhiều thành tích cao. Lê Ngọc Trai là một ví dụ điển hình. Nhớ về người thầy cũ, Lê Ngọc Trai cho biết: “Tôi đã có 3 HCV quốc gia, thành tích mà tôi đạt được hôm nay, tất nhiên là do quá trình tôi tập luyện khi được gọi vào đội tuyển của tỉnh và có sự dìu dắt tận tình của các HLV. Nhưng cơ sở căn bản là nhờ sự dạy dỗ của thầy Thạnh từ những ngày đầu tôi bước vào nghiệp võ, tôi học được ở thầy sự chịu khó, ý chí và nghị lực trong tập luyện cũng như thi đấu...”.

Tiệm thuốc Bắc Dân An Đường của võ sư Trần Quý Ba nằm khiêm tốn bên hông chợ Mộc Bài (thị trấn Tăng Bạt Hổ - Hoài Ân) nhưng tên tuổi của ông qua bề dày thành tích mà học trò do ông huấn luyện đã vượt ra ngoài ranh giới một huyện. Hôm tôi đến thăm nhà, võ sư gọi cậu học trò... 40 tuổi của ông đến cùng trò chuyện. Hoàng Văn Tuy, tên người học trò của võ sư Trần Quý Ba, quê tận Nam Định, cho biết: “Tôi tình cờ đọc được bài báo viết về võ sư Trần Quý Ba trên báo… Nhi Đồng, thế là tôi khăn gói từ Nam Định vào đây để theo học. Ngoài nghiệp võ mà thầy đã dạy cho tôi hơn 3 năm nay, tôi còn học ở thầy nghề thuốc Bắc. Nhưng cái lớn hơn mà tôi học ở thầy chính là cái ĐẠO của người học võ. Ở tuổi 40, tôi học võ cho có sức khỏe, sau này về dạy dỗ lại các con, các cháu...”.

Tiếp chuyện với chúng tôi, võ sư Trần Quý Ba khéo léo chối từ những câu hỏi về ông, về ngón tuyệt kỹ mà cha ông, võ sư Trần Học truyền lại, ông chỉ nói về các học trò của mình. Ông hào hứng kể: Vừa rồi em Nguyễn Hữu Nghĩa, người đạt được chiếc HCV nội dung thi đấu đối kháng hạng cân 64 kg ở Đại hội TDTT tỉnh Bình Định năm 2009 đã thi đậu vào Đại học, tôi rất mừng vì học trò của mình ngoài việc chuyên tâm học võ cũng rất chú trọng chuyện học văn hóa. Cách đây vài hôm, một học trò khác của tôi là Phạm Hoàng Tùng, người đã từng đạt HCV hạng cân 60kg cách đây 3 năm, hiện đang lao động tại Hàn Quốc, gọi điện về và bảo là đã mở được một lớp võ cổ truyền để dạy tại Hàn Quốc. Anh thử nghĩ xem, còn gì vui hơn khi học trò của mình đã đưa võ cổ truyền của mình sang dạy ở nước khác...”.

Niềm vui của những võ sư miệt vườn nơi đất Võ giản dị và hồn hậu như vậy đó.

  • Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/11/2009)
Nâng tầm “văn hóa giao thông”  (03/10/2009)
Kết quả bước đầu  (03/10/2009)
Mở hướng mới cho sản phẩm truyền thống  (03/10/2009)
Đông… ăn bánh xèo  (03/10/2009)
18 năm chăm chồng trên giường bệnh  (03/10/2009)
Bà Bốn têm trầu  (03/10/2009)
Xã hội hóa giáo dục ở Phù Mỹ  (03/10/2009)
Níu kéo… tình yêu  (03/10/2009)
Cần cân nhắc thiệt, hơn  (02/10/2009)
Nỗ lực phục vụ bệnh nhân  (02/10/2009)
Thơ  (02/10/2009)
Mất cả chì lẫn chài!  (02/10/2009)
Tháng Tám chơi đèn kéo quân  (03/10/2009)
Hai kẻ lang thang và vụ án cưỡng đoạt tài sản  (02/10/2009)