TRƯỚC THỀM HỘI DIỄN SÂN KHẤU CHUYÊN NGHIỆP TOÀN QUỐC 2009:
Các đơn vị nghệ thuật Bình Định lo lắng chuẩn bị
17:56', 4/11/ 2009 (GMT+7)

Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, khẳng định chất lượng hoạt động nghệ thuật. Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã sẵn sàng cho hội diễn sắp tới…

 

Cảnh trong vở “Vua cướp giết con” của Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

 

1.

Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc 2009 khuyến khích các tác phẩm có chủ đề, nội dung hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mỗi đơn vị nghệ thuật chỉ được tham dự 1 vở diễn có độ dài tối thiểu 90 phút, tối đa không quá 120 phút. Ban tổ chức sẽ trao huy chương vàng, bạc cho các vở diễn và cá nhân nghệ sĩ. Các tác giả và đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, thiết kế ánh sáng có những sáng tạo xuất sắc sẽ được tặng giải thưởng riêng.

Hội diễn sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2009 đã diễn ra từ 26.9 đến 6.10 tại TP HCM, với sự tham gia của 18 đoàn nghệ thuật. Tiếp sau đó, Hội diễn sân khấu Cải lương Toàn quốc 2009 cũng diễn ra tại TP HCM từ 15 đến 25.10. Gần 20 đoàn cải lương tham dự đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, kinh phí bình quân dựng vở từ 700 – 900 triệu đồng, một số đoàn dựng vở lên đến hơn 1 tỉ đồng. Hội diễn sân khấu Tuồng và Dân ca kịch Toàn quốc mới đầu dự tính được tổ chức tại TP Đà Nẵng vào đầu tháng 12 tới, nhưng vừa được dời lại vào đầu tháng 1.2010. Trong số vở diễn của 13 đơn vị nghệ thuật (7 đoàn Tuồng, 6 đoàn Dân ca kịch) tham gia, Ban giám khảo sẽ chấm hai vở diễn xuất sắc nhất để trao Huy chương vàng. 

2.

Lo lắng trước tình trạng khan hiếm kịch bản hay của sân khấu toàn quốc, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Định đã tích cực liên hệ các tác giả trong toàn quốc từ rất sớm. Tuy nhiên, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (NHTĐT) chỉ nhận được 10 kịch bản. Sau khi Hội đồng nghệ thuật của NHTĐT tiến hành thẩm định chất lượng, đã có 2 kịch bản được chọn là Hồn Việt (tác giả: NSND Lê Tiến Thọ) và Thăng Long bất tử (tác giả: Quang Vinh). Hai kịch bản này tiếp tục được Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Định tiến hành thẩm định, góp ý. Kết quả kịch bản Hồn Việt đã được chọn để Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng vở.

Việc lựa chọn kịch bản tham gia hội diễn của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (ĐCKBC) khó khăn hơn. Chỉ riêng trong 3 tháng qua, ĐCKBC đã nhận được khoảng 50 kịch bản từ khắp nơi gởi về, nhưng cho đến giữa tháng 10.2009 vẫn chưa có kịch bản nào được chọn. Đạo diễn, NSƯT Hoài Huệ, Phó trưởng ĐCKBC, cho biết: “Bên cạnh việc đáp ứng chủ đề, vở diễn tham gia Hội diễn toàn quốc đòi hỏi phải có chất liệu nghệ thuật và tư duy mới, thể hiện được bước phát triển của một đơn vị nghệ thuật. Qua thẩm định, chúng tôi rất lo lắng khi chỉ có vài kịch bản đáp ứng được phần nào yêu cầu…”.

3.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng và Dân ca Toàn quốc đã diễn ra, điều này đòi hỏi các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Định phải nhanh chóng lựa chọn, hoàn thiện kịch bản để khẩn trương tập luyện. Sau khi kịch bản Hồn Việt được lựa chọn, lãnh đạo NHTĐT đã ra tận Hà Nội làm việc cụ thể với tác giả NSND Lê Tiến Thọ, để góp ý điều chỉnh hoàn thiện thêm về kịch bản.

Nội dung Hồn Việt xoay quanh cuộc đời của hoàng tử Lý Long Tường (con vua Lý Anh Tông), là đề tài “lạ” chưa được khai thác trên sân khấu. Đạo diễn, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, Giám đốc NHTĐT, cho biết: “Hồn Việt có nội dung hay và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, là sự thử thách và kích thích cho năng lực sáng tạo nghệ thuật của tập thể diễn viên, nghệ sĩ chúng tôi. Vở diễn sẽ được khởi công dàn dựng vào ngày 26.10, với sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội kết hợp với các gương mặt trẻ. Ở góc độ đạo diễn, tôi sẽ cẩn trọng và cố gắng hết mình để phản ánh nhân vật lịch sử có chiều sâu, tạo sự hấp dẫn và mới lạ. Hiện tại, chúng tôi đang cho tuyển thêm 10 diễn viên trẻ có ngoại hình và năng khiếu hát múa để tham gia vở diễn…”. Khó khăn trong việc lựa chọn kịch bản của ĐCKBC đã cho thấy sự hạn chế về nội dung. Do đó, ĐCKBC cần nỗ lực gấp bội để tạo nên “sức bật” cho vở tham gia Hội diễn.

Được biết, kinh phí cho một vở diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Bình Định tham gia Hội diễn toàn quốc thường không quá 300 triệu đồng. Kinh phí nhiều hơn thì điều kiện không cho phép, nhưng kinh phí ít thì sẽ khó mà có được những mảng miếng sân khấu hoành tráng tạo sự mới lạ, hấp dẫn.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về biểu tượng hoa sen trong điêu khắc Chăm  (04/11/2009)
Võ sư miệt vườn  (04/11/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/11/2009)
Nâng tầm “văn hóa giao thông”  (03/10/2009)
Kết quả bước đầu  (03/10/2009)
Mở hướng mới cho sản phẩm truyền thống  (03/10/2009)
Đông… ăn bánh xèo  (03/10/2009)
18 năm chăm chồng trên giường bệnh  (03/10/2009)
Bà Bốn têm trầu  (03/10/2009)
Xã hội hóa giáo dục ở Phù Mỹ  (03/10/2009)
Níu kéo… tình yêu  (03/10/2009)
Cần cân nhắc thiệt, hơn  (02/10/2009)
Nỗ lực phục vụ bệnh nhân  (02/10/2009)
Thơ  (02/10/2009)
Mất cả chì lẫn chài!  (02/10/2009)