Vấn nạn say rượu - Báo động từ những vụ án
9:41', 5/11/ 2009 (GMT+7)

Bị can Lê Ngọc Hòa, kẻ gây ra cái chết của anh Đào. Ảnh: Quốc Hùng

Chuyện kể rằng, có anh nông dân một hôm giữa buổi cày đến gốc đa nghỉ uống nước thì một hung thần hiện ra, bảo: “Một là ta giết ngươi, hai là ngươi phải làm một trong 3 việc sau: đốt nhà, giết người hoặc uống rượu”. Vốn hiền lành, chất phác, anh nông dân không dám đốt nhà, càng không dám giết người nên anh cứu mạng mình bằng cách uống rượu. Từ đó, ngày nào anh cũng say rượu. Một hôm, trong lúc “xỉn” anh nổi lửa đốt nhà, hàng xóm đến can ngăn bị anh dùng dao chém chết… Ngày nay, nạn say rượu đã biến nhiều người thành anh nông dân tội nghiệp trong câu chuyện đó.

* Bỗng dưng nứt xương bánh chè

Đã hơn 2 tháng qua nhưng ông T.V.L. (SN 1954, ở TP Quảng Ngãi) vẫn chưa quên cái tát bất ngờ của người đàn ông lạ mặt. Quên làm sao được khi ông L. vẫn chưa đi lại bình thường và theo lịch hẹn đầu tháng 11.2009 ông phải quay vào Trung tâm chỉnh hình Quy Nhơn để bác sĩ tháo chiếc đinh vít đang nằm trong xương bánh chè chân trái. Hôm đó, nhằm ngày 1.8.2009, ông L. vào Quy Nhơn dự đám cưới người thân. Khoảng 19 giờ, vừa từ trong nhà hàng Trầu Cau (đường Mai Xuân Thưởng) bước ra vỉa hè thì bị một người đàn ông đi xe Attila áp sát dang tay tát ông một cái. Bị tát bất ngờ, ông L. ngã khụy xuống đường, người đàn ông trông thấy nhưng thản nhiên tăng ga phóng đi. Sau khi đưa vào bệnh viện, ông L.mới biết mình bị nứt xương bánh chè chân trái.

Nhận được tin báo, CA phường Lê Hồng Phong tích cực truy tìm và đã xác định người đàn ông đi xe Attila là Võ Văn Phước (SN 1955, ở số 10 Lý Tử Tấn, Quy Nhơn). Khi được triệu tập đến CA phường, Phước khai nhận, do say quá nên không biết mình đã có hành vi trên. Sau đó, Phước đến bệnh viện xin lỗi ông L., bồi thường chi phí điều trị, hiện nay số tiền Phước chi ra đã trên 30 triệu đồng. Do ông L. bãi nại, từ chối giám định thương tật nên Võ Văn Phước không vướng vào vòng tố tụng và vụ việc đó đã cho người đàn ông này một bài học giá trị về nạn say rượu. 

* Và bỗng dưng mất mạng

Chỉ trong vòng 10 ngày giữa đầu tháng 10.2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ chết người liên quan đến rượu. Theo thứ tự thời gian, vụ thứ nhất xảy ra vào khuya ngày 5.10, tại thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Hôm đó, ông Trần Văn Thọ (SN 1975, ở xã Vĩnh Hiệp) tổ chức nhậu tại nhà mình, mời ông Lê Xuân Trình (SN 1963, ở xã Vĩnh Thuận) và một số bạn bè đến dự. Cuộc vui kéo dài đến 23 giờ mới tàn và mọi người hầu như ai cũng đã thấm men, tuy nhiên không có việc gì đáng tiếc xảy ra. Rời nhà ông Trần Văn Thọ, ông Trình sang thị trấn Vĩnh Thạnh ghé vào quán ăn khuya và gọi điện thoại di động kêu ông Thọ đến. Khi ông Trần Văn Thọ đến nơi, ông Trình rót rượu mời. Do đã thấm men nên không thể nghĩ khác hơn là ông Trình “chơi xỏ” mình, vì vậy Trần Văn  Thọ hất đổ ly rượu, chưởi thề, nói: “Nhà tôi còn rượu sao không uống mà gọi tôi sang đây uống rượu”. Ông Trình cũng đang “xỉn” nên to tiếng cãi lại dẫn đến xô xát với nhau và ông Thọ đẩy ông Trình ngã đập đầu xuống nền xi măng, gây chấn thương sọ não. Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Trình đã được bà con đưa đi bệnh viện, nhưng sau 4 ngày cấp cứu, đến tối ngày 9.10, nạn nhân đã chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Vụ thứ 2 xảy ra vào tối ngày 11.10, tại thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Hôm đó, ông Trần Xuân Bá (ở địa phương trên) vừa bán được lứa heo nên chuẩn bị mân cơm rượu, trước cúng tạ “Ông Chuồng”, sau đãi bạn bè hàng xóm.  Trong những người quen thân ông Bá mời đến dự có các ông Cao Ngọc Huệ (SN 1966), Trần Trọng Dũng (SN 1974) ở cùng thôn. Trong lúc ăn uống, do bị men rượu kích động nên giữa ông Huệ và ông Dũng xảy ra mâu thuẫn, xô xát nhau. Tuy được những người có mặt can ngăn, nhưng hai bên vẫn không chịu buông ra, cuối cùng ông Dũng dùng cây gỗ đánh vào đầu ông Huệ một cái. Cú đánh của ông Dũng làm ông Huệ ôm đầu lảo đảo và ngã khụy xuống đất. Thấy vậy, mọi người bỏ dỡ bữa ăn lo đưa ông Huệ vào Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong cấp cứu, nhưng do bị chấn thương nặng nên rạng sáng  12.10, nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng.

Rạng sáng ngày 15.10, anh Nguyễn Thái Đào (SN 1985, ở KV4, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đã chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định do bị tụ máu trong hộp sọ (Hội đồng khám nghiệm giải phẫu tử thi kết luận). Cùng ngày hôm đó, Công an TP Quy Nhơn đã tạm giữ Lê Ngọc Hòa (SN 1993, cùng ở KV4, P. Đống Đa) - kẻ đã gây ra cái chết của anh Đào. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, khoảng 12 giờ ngày 12.10, trong lúc đang uống rượu trong quán, anh Nguyễn Thái Đào thấy người quen đi xe máy vào hẻm, đã bước ra chặn lại đùa giỡn. Cùng lúc này, Lê Ngọc Hòa đang nhậu ở gần đó đi mua thêm mồi, thấy vậy bảo anh Đào tránh đường, từ đó dẫn đến cãi vã. Hai người đều say nên không ai chịu nhường ai, anh Đào nắm cổ áo Hòa kéo đi một đoạn thì bị Hòa lấy gạt tàn thuốc lá của nhà dân đang để trên hè cạnh lối đi, đánh liên tiếp 3 cái vào đầu anh Đào làm chảy máu. Sau khi được bà con can ngăn, anh Đào tự đến bệnh viện khâu vết thương, sau đó về nhà nghỉ. Vụ việc đơn giản không ai nghĩ đến việc phải  báo cáo công an địa phương, kể cả anh Đào. Cho đến sáng 13.10, anh Đào bỗng nhiên lên cơn co giật, gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu, nhưng lúc này đã quá muộn để các bác sĩ có thể giành giật với thần chết cứu mạng sống của anh Đào.

Chỉ trong vòng 10 ngày đã có đến 3 người chết, một người bị thương và 3 người khác đang bị giam giữ chờ ngày ra tòa nhận lãnh hình phạt về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” có liên quan đến rượu. Liệu những con số trên có góp phần vào việc cảnh báo tệ nạn say xỉn đang diễn ra phổ biến từ thành thị đến nông thôn hiện nay, từng gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn?!

  • Mai Linh Giang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các đơn vị nghệ thuật Bình Định lo lắng chuẩn bị  (04/11/2009)
Về biểu tượng hoa sen trong điêu khắc Chăm  (04/11/2009)
Võ sư miệt vườn  (04/11/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/11/2009)
Nâng tầm “văn hóa giao thông”  (03/10/2009)
Kết quả bước đầu  (03/10/2009)
Mở hướng mới cho sản phẩm truyền thống  (03/10/2009)
Đông… ăn bánh xèo  (03/10/2009)
18 năm chăm chồng trên giường bệnh  (03/10/2009)
Bà Bốn têm trầu  (03/10/2009)
Xã hội hóa giáo dục ở Phù Mỹ  (03/10/2009)
Níu kéo… tình yêu  (03/10/2009)
Cần cân nhắc thiệt, hơn  (02/10/2009)
Nỗ lực phục vụ bệnh nhân  (02/10/2009)
Thơ  (02/10/2009)