Cách đây 8 năm, chuyện thầy giáo Nguyễn Như Văn bị tai nạn rồi bị tàn phế nằm vô tri đã làm chạnh lòng những người xóm nghèo ở chợ cũ Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Trước cảnh mẹ già con bệnh, ai cũng cảm động, xót xa dành dụm chút tiền chia sẻ. Rồi thời gian đằng đẵng với cuộc mưu sinh, chính họ lại quên người láng giềng có một cảnh đời đang ngoắc ngoải.
|
Một cảnh quay người mẹ của thầy giáo Văn tần tảo nuôi con.
|
Sau hơn mười mấy năm đứng lớp, nhưng vì là giáo viên hợp đồng nên sau tai nạn, ngành Giáo dục không còn nhớ, mọi chế độ cũng theo đó mà đi. Gần tám năm sau tai nạn, thầy giáo Văn sống được là nhờ bà mẹ già đã bước qua tuổi cổ lai hy hàng đêm thức khuya dậy sớm nấu cháo bán kiếm tiền nuôi con. Thời gian lặng lẽ trôi, thầy vẫn nằm một chỗ, bà mẹ vẫn cần mẫn vắt kiệt sức chống chọi với số phận. Chỉ có vài người bạn chí cốt thỉnh thoảng ghé nhìn thầy nằm một mình để thấm thía sự bạc bẽo của người đời, rồi đi.
Cho đến một ngày, đoàn làm phim của Báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) về quay cảnh sống của một người thầy trong hoạn nạn để tôn vinh và hỗ trợ, con hẻm nhỏ lại xôn xao. Người ta kéo tới để xem cảnh quay phim và chợt nhận ra láng giềng mình có một cảnh đời đáng để quan tâm. Lớp bụi thời gian phủ lên lòng thương, bây giờ họ có cơ hội phủi sự vô cảm. Trước hình ảnh thầy Văn, những người làm phim đã không cầm được nước mắt. Họ thức đêm cùng người mẹ đến tận 3 giờ sáng để quay cảnh bà nấu cháo sớm đi bán; họ gánh giùm bà gánh cháo nặng trĩu ra chợ; họ đau đáu tìm cho ra những chi tiết đắt nhất để quay hầu mong kêu gọi được nhiều sự ủng hộ; họ ôm thầy trong vòng tay chan chứa yêu thương… Trước cảnh đó, tôi nhìn thấy chị X. - một người hàng xóm - cúi mặt hổ thẹn. Có lẽ chị nghĩ vu vơ về điều gì. Tại sao những người làm phim xa lạ lại yêu thương một ông thầy tàn phế như thế? Họ không học thầy mà tại sao xưng hô thầy – con một cách trân trọng như vậy?... Còn chị đã có một thời gian quên rằng mình có một ông thầy gần nhà đã hơn 8 năm nằm một chỗ. Nếu không có đoàn làm phim về, có lẽ chị đã quên luôn thật. Rồi chị lẩm bẩm tự an ủi: “ Mình cũng khổ quá mà!”. Bên cạnh chị, nhiều người cũng đã khóc, những giọt nước mắt đầy trách nhiệm và lòng yêu thương.
Hôm ấy, nhiều cán bộ địa phương liên quan được đoàn làm phim mời tới. Và trong số họ, có người không biết thầy Văn là ai!
Chuyện cô giáo Phan Thị Liên Hương, giáo viên Trường Tiểu học Ân Hảo Tây (Hoài Ân) bị ung thư cũng làm xốn xang những tấm lòng. Khoác chiếc áo lính cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước rồi cô chuyển ngành sang dạy học. Được đưa về một ngôi trường của xã khó khăn, điều kiện còn thiếu thốn, giao thông cách trở, cô tình nguyện đến điểm Tân Sơn, một cơ sở của Trường Tiểu học Ân Hảo Tây để dạy. Hơn 20 năm cố gắng để được gắn bó với những em học sinh mà phụ huynh vùng nghèo hi vọng đổi đời từ tiếng bi bô vỡ lòng của con; mùa mưa cô phải lội bùn đến tận gối để thắp hi vọng cho đời. Trong thung lũng khắc nghiệt này, hình ảnh cô Hương như một nàng tiên bước ra từ cổ tích.
Và cái ngày hay tin cô bị ung thư, những học sinh đã học cô và những bậc cha mẹ ở đây khóc hết nước mắt. Đã hơn bốn tháng, căn bệnh cướp đi những nét tươi khỏe sau những lần cô đi xạ trị. Đầu tóc cô giờ đã rụng sạch, sắc da đã vàng nhợt… duy chỉ còn đôi mắt vẫn long lanh. Cô vẫn hàng ngày lên lớp để nhả hết tơ như một con tằm cần mẫn. Sau những buổi đi dạy về, cô phải đối mặt với căn bệnh và đối mặt với chính cái nghèo của gia đình. Cô có hai đứa con đang học lớp 8 và lớp 11. Chồng cô bị bệnh trĩ, không lao động nặng được, cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương của cô. Hai đứa con của cô có nguy cơ nghỉ học mặc dù học rất giỏi. Những khi đi trị bệnh ở Sài Gòn, hai vợ chồng đều phải ngủ qua đêm ở hành lang bệnh viện và ăn cơm chay từ thiện…
|
Cảnh quay Hội đồng hương Hoài Ân ở TP HCM về động viên và trao quà cho cô giáo Liên Hương tại Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hoài Ân.
|
Khi chương trình “Tiếp sức người thầy” của Báo SGTT về làm phim, cả xóm đến để sẻ chia, để động viên và để đóng góp chút gì mình có thể để giúp cô vượt qua ngặt nghèo. Chương trình cũng đã vận động Hội đồng hương Bình Định đang sống ở TP Hồ Chí Minh cùng chung tay với họ. Những đồng tiền quyên góp tuy không nhiều nhưng rất quý đối với hoàn cảnh khốn khó. Nhưng cái mà cô Hương và những người đang đứng trên bục giảng nhận được vô cùng quý giá đó là sự động viên về tinh thần. Họ biết rằng, bên cạnh họ còn có những người hiểu nghề giáo, cảm thông và đồng hành. Trong những em học sinh quay về với cô Hương trong chương trình, có rất nhiều em ngày xưa là học sinh cá biệt. Chính chương trình đã đánh thức trong họ trách nhiệm đối với người thầy của mình.
Hầu hết những thầy - cô đồng nghiệp, học sinh đến phụ huynh của cô Hương khi tiếp xúc với chương trình “Tiếp sức người thầy” đều cảm động và thấy mình có trách nhiệm hơn với những người đứng trên bục giảng không may gặp những tai nạn hay bệnh hiểm nghèo. Bởi đồng lương thuần túy hàng ngày đã chật vật bon chen, khi gặp hoạn nạn, những người thầy cả đời chỉ biết dâng hiến cho đời dễ lâm vào khốn khó. Thầy Phạm Minh Nhất, cán bộ Phòng Giáo dục – Đào tạo Hoài Ân, tâm sự: “Ngoài tư cách cá nhân và Công đoàn, khó có chế độ gì để giúp đỡ cô Hương”.
Căn bệnh viêm đa khớp của thầy Nguyễn Ngọc Trứ - nguyên giáo viên Trường Tiểu học Mỹ An, huyện Phù Mỹ - đã làm thầy xa bục giảng, kinh tế khánh kiệt vì bệnh tật. Nằm một mình, ngẫm sự đời, thầy làm những vần thơ đầy bi uất. Nghe thầy đọc thơ mà chạnh lòng.
Những người thầy đứng trên bục giảng luôn muốn vun đắp cho thế hệ tương lai, họ ít đòi hỏi nhận lại điều gì. Nhưng đôi lúc cuộc đời không mỉm cười với họ, phía sau bục giảng là mỗi hoàn cảnh, mỗi nỗi đau khác nhau. Chúng ta không thể phó thác trách nhiệm cho lòng thương. Nếu không có những chương trình như “Tiếp sức người thầy”, liệu những người thầy kia phải vật lộn với cuộc sống đến khi nào?
Chương trình “Tiếp sức người thầy” do Báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM thực hiện bắt đầu phát sóng đầu năm 2009. Chương trình hoạt động chủ yếu tôn vinh và hỗ trợ những người thầy có đóng góp cho ngành Giáo dục nhưng không may gặp khó khăn trong cuộc sống. Chương trình đã về quay 7 đoạn phim ngắn về cuộc sống khó khăn của 7 thầy-cô giáo ở Bình Định và đã hỗ trợ 109 triệu đồng. Những đoạn phim này sẽ được phát vào thứ Ba hàng tuần trong tháng 11 trên HTV9. |
|