Nghĩa trang bốc lên mùi khét nồng nồng của đất sau cơn mưa hè. Ráng chiều đỏ bầm quyện với khói từ đất làm không khí ngột ngạt. Lẫn trong 1.457 ngôi mộ liệt sĩ nằm trong nghĩa trang tại Đồi 10 tịch mịch, người ta nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề lẩn khuất giữa những ngôi mộ, miệt mài với công việc riêng của mình. Đó là ông Nguyễn Văn Phó (57 tuổi), một cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội, đã tình nguyện làm công tác quản trang hơn 13 năm nay.
|
Đường vào nghĩa trang luôn sạch sẽ, trang nghiêm.
|
* Một thời khói lửa
Đồi 10 là một chốt điểm quan trọng, nắm giữ được Đồi 10 là khống chế cả một vùng bắc Bình Định. Vì căn cứ chiến lược quân sự quan trọng nên cả địch và ta đã biến cứ điểm này thành nơi ác liệt nhất trong chiến tranh ở Bình Định. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống, cùng hàng nghìn người dân địa phương theo Cách mạng giành lại Đồi 10. Và trong đó không ít người con của họ đã phải đổ máu.
Ông Phó sinh ra và lớn lên trong chát chúa tiếng súng đạn. Cái thời mà trẻ con sinh ra cũng không dám khóc, bởi gia đình ông là cách mạng nòi. Không cần chờ lớn, 10 tuổi ông đã mang dép cụ Hồ (dép cao su), tham gia đội thiếu niên vót chông cho Cách mạng, đã cùng cha đốt cầu Kè cắt đường giao thông huyết mạch của kẻ thù…
Một lần làm giao liên, mang thư đi thì ông bị giặc bắt. Chúng đào huyệt đẩy ông xuống rồi bắn nát đất hòng làm ông sợ mà khai ra điều gì đó về cộng sản. Ông nhắm chặt mắt, khuôn mặt sạm khói thuốc súng như che khuất tất cả nỗi sợ hãi, chỉ còn sự thách thức. Nhiều phen đạn xuyên qua người ông suýt mang theo mạng sống, rồi những lần bị địch bắt tra tấn chết đi sống lại nhưng số phận như có chút “ưu ái” cho một con người trong gia đình đã có 6 liệt sĩ. Ông vẫn sống để theo Cách mạng, góp chút gió để làm thành cơn bão lớn. Sau chiến thắng oanh liệt Đồi 10, đã có 1.344 người đã vĩnh viễn ra đi. Và không ít lần, chính ông đã chứng kiến đồng đội hy sinh, ông thấy mình như một lần đã chết…
|
Những dòng chữ đầy niềm vui của gia đình liệt sĩ để lại, ông Phó luôn cất giữ làm niềm vui cho mình.
|
* Sống cho người nằm xuống
Khi chúng tôi tìm đến nhà ông Phó, bà Võ Thị Lãnh - vợ ông - bước ra hỏi ngay: “Các chú đi tìm mộ à?”. Câu nói thốt ra tự nhiên đến nỗi làm tôi liên tưởng không biết bao nhiêu người đã đến đây tìm mộ để tạo cho bà một phản ứng như một thói quen như thế. Tiếp xúc với vợ chồng ông, chúng tôi được nghe câu chuyện về những việc làm mà chỉ có con người nặng lòng với đồng chí mới có thể làm được.
Năm người con sinh ra nheo nhóc trong những năm khó khăn, ông bà đã trải qua một thời gian cơ cực. Nhưng nghị lực của vợ chồng cựu chiến binh đã giúp gia đình vươn lên khá giả. Khi có miếng ăn miếng để, con cái lớn khôn, ông phân công cho bà quầy tạp hóa lâu nay gây dựng làm kinh tế, còn ông tự phân công cho mình công việc trông coi mộ, chăm lo việc “hậu cần” cho liệt sĩ. Thế là ông đi.
Nghĩa trang Hoài Châu Bắc tại Đồi 10 có số liệt sĩ nhiều nhất tỉnh. Những ngày đầu ông Phó tiếp quản, quanh nghĩa trang nhiều hố bom còn khét mùi thuốc đạn. Nơi các anh yên nghỉ chưa có điều kiện chăm sóc chu đáo. Ông xắn tay nhặt từng viên đá cho đỡ lởm chởm; gánh từng giỏ cát kiên trì san bằng những hố bom…, đã hơn 13 năm cứ thế cặm cụi. Ông nghĩ nghĩa trang cũng như một ngôi nhà tập thể, càng bằng phẳng thì các anh đi về đỡ nhọc đôi chân. Thời chiến tranh họ đã mất mát quá nhiều, bây giờ làm sao để cho họ vui hơn. Mỗi lần đến nghĩa trang dù là làm gì ông cũng ăn mặc chỉnh tề.
Tôi nhẩm tính có 75 cây sao đen đã 12 năm tuổi, 10 gốc xoài tứ quý sum suê trĩu quả, 60 gốc thông kim cao trên 2m được cắt tỉa gọn gàng, ngăn nếp bao quanh khu mộ, hai hàng cau được trồng thẳng tắp hai bên con đường bê tông sạch sẽ dẫn đến Đài tưởng niệm… Tất cả như hòa quyện tạo thành một vành đai xanh thắm yên tĩnh, tôn nghiêm, canh giữ cho các liệt sĩ an giấc nghìn thu. Mùa nắng, con đất cằn cỗi đạn bom chỉ đầu mùa đã khô rốc, thế nhưng cây vẫn ngày ngày xanh tốt.
Hơn 13 năm, những đêm dù mưa hay nắng, khói hương vẫn nghi ngút. Đó là hơi thở, là nhịp sống của cõi âm. Bận gì cũng phải về thắp hương bởi không thể để đồng đội, người thân một lần nữa buồn tủi, ông Phó nghĩ như thế. Ngày nào cũng đến nghĩa trang dọn dẹp, chăm sóc, nhất là những ngày lễ, Tết, ông ngủ luôn không về nhà…, ở lâu thành nghiện. Bà Lãnh thường đùa với mọi người: Nhà ổng ở trên nghĩa trang ấy, lên đó mà tìm. Đùa mà thật, thời gian ông ở nghĩa trang và làm những công việc ở đây đã gần hết thời gian trong ngày. Có về nhà là chỉ để ăn cho no cái bụng rồi lại đi.
|
Cây trong nghĩa trang luôn xanh tốt dù là mùa hè đổ lửa.
|
Và ông càng đi nhiều, những liệt sĩ vô danh càng có cơ hội đoàn tụ với gia đình. Nghĩa trang có 736 liệt sĩ chưa có thân nhân, nhưng số lượng này ngày càng giảm xuống. Trong chiến trận ác liệt, nhiều chiến sĩ hy sinh được chôn cất vội vã. Hầu hết trên tấm bia chỉ ghi tên, năm sinh và đơn vị hoặc tỉnh, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Một trường hợp rắc rối vì sai tên ông đã từng khó xử. Năm 2000, ông Phạm Trung Đỉnh đến tìm em ruột là liệt sĩ Phạm Trung Ổn, nhưng trên bia lại ghi Phạm Tiến Ổn (quê Hải Phòng). Xác định đúng thân nhân của liệt sĩ cũng là một trách nhiệm của người quản trang. Ông phải bỏ hơn một tuần chạy lên Phòng Thương binh – Xã hội huyện rồi lên tỉnh để xác minh chính xác, làm đủ giấy tờ mang tên Phạm Trung Ổn mới an lòng để gia đình đưa về. Vậy mà sau khi mọi việc đã xong ông mới biết người anh của liệt sĩ là nhà văn Trung Trung Đỉnh…
Đồi 10 thuộc thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là một chứng tích lịch sử, ghi nhận những chiến công cùng sự hy sinh của 1.344 đồng chí, đồng bào 2 xã Hoài Châu, Hoài Châu Bắc và những chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu 5, Sư đoàn 3 anh hùng. Ngày 31.3.2006, Di tích Đồi 10 được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. |
Chuyên mục “Tìm đồng đội” trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam hàng ngày phát đi những thông tin với hy vọng mong manh tìm được người thân, ông Phó cũng miệt mài hàng ngày lắng nghe có đồng chí nào trùng tên trong nghĩa trang không. Ông phối hợp với ông Mai Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu ghi tên những liệt sĩ chưa có thân nhân, gởi đến Báo Quân Đội Nhân Dân mong đưa được họ về với gia đình. Vậy mà đâu vô vọng, từ đầu năm đến nay đã có 9 gia đình đến tìm mộ và gặp được người thân, nâng tổng số mộ được quy tập lên 50 mộ.
Gia đình liệt sĩ ở xa tới, khó khăn trong việc bốc mộ, ông Phó không quản ngại giúp họ. Hơn ai hết, ông gần gũi và hiểu những liệt sĩ nằm trong nghĩa trang. Chính ông chăm nom họ khi chưa gặp gia đình, và chính ông đưa họ về với nơi chôn nhau cắt rốn thì ông mới cảm thấy mình làm tròn trách nhiệm. Nhưng cái công việc xuống cõi âm “cắt chuyển khẩu” cho họ cũng không hề đơn giản. Nhiều ngôi mộ vẫn còn nặng mùi, nhiều linh hồn vẫn còn vương vấn với đồng đội…, tất cả tác động đến sức khỏe và cả tinh thần. Đôi lúc nghĩ nhiều về họ mà ông cũng phiêu diêu như ở cõi khác.
Tuy ái ngại cho sức khỏe của chồng (thương binh 42%), sợ khi trái gió trở trời, nhưng bà Lãnh vợ ông cũng là thương binh, một thời vào sanh ra tử, nên thấu hiểu việc làm của chồng. Bà sẵn sàng gánh vác việc nhà để ông lo việc… nghĩa trang. Có “hậu phương” vững chắc, ông lại đi bởi còn biết bao nhiêu liệt sĩ nữa chưa được chăm sóc chu đáo, và chưa được trở về với gia đình. Ông đi để họ được đoàn tụ…
|