Tháng 9.2005, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 1796/QĐ-BXD phê duyệt “Dự án đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn núi Bà Hỏa - TP Quy Nhơn”. Đây là dự án có ý nghĩa đối với tỉnh ta, nhằm góp phần bảo vệ môi trường (BVMT). Thế nhưng, kể từ đó đến nay, dự án gặp nhiều ách tắc, trở ngại...
|
Một góc công trình Dự án bãi rác núi Bà Hỏa. Ảnh: Viết Hiền
|
* Chậm triển khai dự án
Có thể nói, “Dự án đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (ÔNMT) bãi chôn lấp chất thải rắn núi Bà Hỏa - TP Quy Nhơn” (sau đây gọi là Dự án bãi xử lý chất thải rắn núi Bà Hỏa) là dự án rất có ý nghĩa đối với tỉnh ta. Bởi lẽ, việc Bộ Xây dựng ra Quyết định phê duyệt dự án nói trên là nhằm thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22.4.2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các dự án xử lý triệt để ÔNMT. Ban đầu dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư và giao cho UBND TP Quy Nhơn trực tiếp quản lý. Sau này, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư. Dự án sẽ được triển khai thực hiện tại khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn núi Bà Hỏa (thuộc địa bàn phường Quang Trung - TP Quy Nhơn). Mục tiêu của dự án được xác định: Thực hiện việc xử lý ÔNMT tại bãi rác núi Bà Hỏa với nội dung chính là thực hiện quy trình đóng cửa bãi rác theo đúng các quy định hiện hành. Dự án có tổng kinh phí gần 5,7 tỉ đồng, với thời gian thực hiện 2 năm…
Theo đó, ngày 11.11.2008 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 635/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn hỗ trợ chi sự nghiệp môi trường năm 2007 với tổng kinh phí là 3 tỉ đồng; đồng thời giao UBND TP. Quy Nhơn bố trí chi trả phần kinh phí còn thiếu của dự án. Sau khi được phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngày 19.11.2008, UBND TP Quy Nhơn đã ra Quyết định số 5702/QĐ-CTUBND về việc “Phê duyệt báo cáo kinh tế- kỹ thuật xây dựng công trình đóng cửa bãi rác núi Bà Hỏa”. Điều đáng lưu ý ở quyết định này là UBND TP. Quy Nhơn đã điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 5,652 tỉ đồng xuống còn gần 3,755 tỉ đồng. Đồng thời, UBND TP Quy Nhơn giao dự án cho Công ty TNHH Môi trường Đô thị (MTĐT) Quy Nhơn vận hành và quản lý.
Theo báo cáo của UBND TP Quy Nhơn và cơ quan chức năng liên quan, đến ngày 4.12.2008, UBND thành phố mới ban hành Quyết định số 5797/QĐ-CTUBND về việc “Phê duyệt kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu xây dựng công trình đóng cửa bãi rác núi Bà Hỏa”. Và, cho đến ngày 21.1.2009, UBND TP Quy Nhơn mới có Quyết định số 190/QĐ-CTUBND phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu “Đóng cửa bãi rác núi Bà Hỏa”. Công ty TNHH Thanh Huy là đơn vị đã trúng thầu gói thầu này. Tiếp đó, ngày 10.2.2009, UBND TP Quy Nhơn đã ký Hợp đồng số 01/2009/HĐ-XD với Công ty TNHH Thanh Huy về việc thi công xây dựng công trình, với thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay một số hạng mục của hợp đồng vẫn chưa hoàn thành. Theo thống kê, hiện tổng kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường của dự án mới chỉ sử dụng khoảng trên 2,6 tỉ đồng…
|
Phân loại và xử lý chất thải rắn. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Bao giờ mới hoàn thành?
Vì sao Dự án “Bãi xử lý chất thải rắn núi Bà Hỏa” lại bị ách tắc và chậm triển khai? Mới đây, Đoàn công tác (ĐCT) Tổng cục Môi trường (TCMT - Bộ TN-MT) đã trực tiếp vào Quy Nhơn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và các sở, ngành chức năng của tỉnh xung quanh công tác triển khai thực hiện dự án. “Lý giải” với ĐCT về những trở ngại, ách tắc trong quá trình triển khai dự án, đại diện lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn và các cơ quan chức năng của thành phố cho biết: Ban đầu diện tích bãi rác thuộc dự án rộng 4 ha, sau rút lại còn 1,24 ha (giảm 2,76 ha). Nguyên nhân, do thực tế là trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2008 địa phương cũng nhiều lần thực hiện các biện pháp xử lý ÔNMT sơ bộ nên giảm phần lớp chống thấm. Vì vậy, UBND TP Quy Nhơn quyết định giảm bớt diện tích, đồng thời giảm mức kinh phí từ 5,652 tỉ đồng xuống còn gần 3,755 tỉ đồng (!?).
Cũng theo báo cáo của UBND TP Quy Nhơn và cơ quan chức năng, thời gian qua, chủ đầu tư đã tiến hành ký các hợp đồng với một số nhà thầu với tổng kinh phí là 2,454 tỉ đồng. Theo đó, ngày 10.2.2009 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thanh Huy về việc thi công xây dựng công trình, với tổng giá trị 2,4 tỉ đồng; khoảng trung tuần tháng 2.2009, ký hợp đồng với Công ty TNHH Tấn Đạt về việc tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình với tổng kinh phí trên 54,6 triệu đồng. Tính thêm cả chi phí trượt giá nhân công và các chi phí khác khoảng 162 triệu đồng. Còn theo báo cáo của lãnh đạo Phòng Tài chính thành phố, năm 2008, thành phố đã bố trí 54 triệu đồng cho việc chuẩn bị đầu tư dự án; và năm 2009 đã quyết định bố trí 200 triệu đồng, nhằm chi trả giải phóng mặt bằng… Tổng cộng đến nay, kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường của dự án mới sử dụng khoảng trên 2,6 tỉ đồng. Trong số này, thành phố đã tạm ứng, thanh toán cho nhà thầu thi công là gần 2,4 tỉ đồng. Thế nhưng, điều đáng nói là cho đến nay một số hạng mục của hợp đồng vẫn chưa hoàn thành…
Từ những trở ngại, ách tắc trong việc triển khai dự án và qua kiểm tra thực tế, bước đầu, ĐCT TCMT đã có một số ý kiến đánh giá: Mặc dù dự án được phân bổ kinh phí hỗ trợ từ cuối năm 2007 nhưng đến tháng 11.2008, UBND tỉnh mới tiến hành phân bổ kinh phí cho dự án là chậm trễ. Việc UBND TP Quy Nhơn quyết định điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư của dự án so với hồ sơ gửi Bộ TN-MT trên cơ sở giảm một số hạng mục đầu tư mà không báo cáo Bộ TN-MT là chưa đúng với nội dung hỗ trợ có mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, kinh phí đối ứng của địa phương... chưa đảm bảo. Tiến độ giải ngân, sử dụng kinh phí hỗ trợ để đảm bảo kế hoạch, đảm bảo tiến độ dự án chưa được thực hiện nghiêm túc...
Trên cơ sở đó, ĐCT đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn báo cáo chi tiết với Bộ TN-MT việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, kinh phí đối ứng của địa phương, phần kinh phí chưa giải ngân, chưa sử dụng hết kinh phí hỗ trợ và kế hoạch đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2009. Đối với phần kinh phí hỗ trợ không sử dụng hết, phải có báo cáo cụ thể và tiến hành các thủ tục hoàn trả lại ngân sách Trung ương...
Như vậy là đã rõ. Để cho dự án chậm triển khai, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND TP Quy Nhơn và Công ty TNHH MTĐT Quy Nhơn. Việc làm trên không chỉ ảnh hưởng đến 1 dự án có ý nghĩa dân sinh, xã hội, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh...
|