Ngày 18.9.2008, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường (BVMT) và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án BVMT. Đến nay, hơn một năm trôi qua song công tác lập, phê duyệt, xác nhận đề án BVMT trên địa bàn tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không đạt kết quả theo yêu cầu…
|
Nếu DN, cơ sở nào cũng có Đề án BVMT thì không có cảnh tượng này (ảnh chụp tại một DN ở huyện Phù Mỹ).
|
Ngày 20.10.2008, UBND tỉnh đã ra Công văn số 3473/UBND-NĐ chỉ đạo thực hiện Thông tư 04 của Bộ TN-MT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 31.10.2008 Sở TN-MT đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2011/STN-MT về việc “Hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 04/2008/TT-BTNMT của Bộ TN-MT”… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở TN-MT, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã rà soát, lập danh sách các cơ sở thuộc đối tượng của Thông tư 04 và báo cáo về Sở TN-MT, đồng thời thông báo cho các cơ sở lập đề án BVMT để cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, xác nhận…
Ông Lê Minh Luận - Phó Giám đốc Sở TN-MT kiêm Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh - cho biết: Tiến độ thực hiện việc lập danh sách tại nhiều địa phương trong tỉnh còn khá chậm, chất lượng danh sách các cơ sở do địa phương lập chưa đạt yêu cầu. Chẳng hạn, tại một số địa phương, các loại hình kinh doanh không phát sinh chất thải (như mua bán hàng điện tử, dịch vụ internet, karaoke) vẫn được liệt kê; trong khi đó, các loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm thì không nêu rõ quy mô như thế nào?...
Thống kê của Sở TN-MT cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh có 3.603 cơ sở được yêu cầu lập đề án BVMT thì có tới 3.364 cơ sở nhận được thông báo nhưng chưa gửi đề án. Trong số này, mới có 59 đề án đã nộp được phê duyệt, 180 đề án đang thẩm định. Đáng lưu ý, theo kế hoạch, đến hết ngày 30.6.2009 các địa phương phải nộp đề án BVMT về cơ quan thẩm định, thế nhưng tỷ lệ số địa phương, đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh đang được thẩm định và phê duyệt đề án BVMT mới chỉ đạt khoảng 7% so với số lượng thông báo. Trong số này, những địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiến độ kế hoạch chậm và kết quả thấp là Phòng TN-MT các huyện: Vĩnh Thạnh (0%), Phù Cát (0%), Hoài Ân (0%), Hoài Nhơn (0,4%), An Nhơn (5%), Tuy Phước (9%)…
Vấn đề đặt ra là vì sao việc triển khai thực hiện Thông tư 04 của Bộ TN-MT ở các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn tỉnh ta chậm như vậy? Theo ông Lê Minh Luận, có nhiều nguyên nhân, trong đó có những tồn tại, vướng mắc phát sinh từ quá trình triển khai Thông tư 04. Theo đó, quy định của Thông tư 04 còn nhiều bất cập, nội dung đề án khó thực hiện đối với cơ sở có quy mô nhỏ, một số biểu mẫu chưa logic và thiếu chặt chẽ. Trong quá trình triển khai, nhiều cơ sở chưa hiểu rõ các quy định của Thông tư nên chậm thực hiện. Việc xác định đối tượng phải lập đề án BVMT khó thực thi vì không có quy định cụ thể về quy mô công suất nào phải lập đề án. Vì vậy, cách triển khai tại từng địa phương cũng chưa thống nhất. Đồng thời, đối tượng thuộc Thông tư 04 quá nhiều và quá rộng, trong khi đó đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành TN-MT khá mỏng nên khó thống kê đầy đủ…
Theo bà Trần Thị Đào, Trưởng Phòng TN-MT huyện Vân Canh, nên có quy định cụ thể về quy mô, công suất thế nào, bao nhiêu thì mới phải làm đề án BVMT, nếu không sẽ khó thực hiện. Bà Đào cho biết, là huyện miền núi nên nhận thức của người dân về vấn đề môi trường không đồng nhất và có phần hạn chế. Có chủ cơ sở xay xát gạo đã thẳng thừng tuyên bố “Một năm làm có 2 mùa lúa gạo mà môi trường cái gì?”.
|
Lực lượng cán bộ ngành TN - MT và Cảnh sát BVMT (Công an tỉnh) kiểm tra môi trường tại Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định.
|
Còn theo ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tây Sơn: Thực hiện có hiệu quả Thông tư 04 quả là… “đau đầu”, vì nhân lực của phòng chỉ lo vấn đề đất đai thôi cũng đủ “hết hơi”. Bên cạnh đó, việc chốt danh sách các đối tượng theo Thông tư 04 không đơn giản. Bởi lẽ, đối với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong cụm công nghiệp việc nắm tình hình, chốt danh sách đã khó; huống chi đối với các cơ sở nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư lại càng rất khó thực hiện. Đó là chưa nói tới việc trình độ, năng lực, điều kiện của cán bộ, nhân viên Phòng TN-MT cấp huyện khó có thể đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm môi trường (ÔNMT), nước thải, chất thải. Thậm chí, nhiều khi cán bộ TN-MT đến kiểm tra, DN không cho vào, không mở cổng cũng không biết làm sao…
Theo quy định của Sở TN-MT, chậm nhất đến ngày 31.12.2009, các cơ sở trong toàn tỉnh phải hoàn thành việc xây dựng các hạng mục công trình xử lý ÔNMT. Tuy nhiên, do việc xác nhận đề án BVMT tại các địa phương chậm triển khai nên hầu như chưa có cơ sở nào gửi báo cáo việc hoàn thành các hạng mục BVMT…
Nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trên, Sở TN-MT và các đơn vị trực thuộc đã và đang nỗ lực đề ra các giải pháp cấp bách và triển khai các nhiệm vụ công tác. Theo ông Lê Minh Luận, một trong những giải pháp cấp bách mà Sở TN-MT đề ra là: Rà soát lại danh sách các đối tượng thuộc Thông tư 04 do các địa phương đã tổng hợp, bổ sung các cơ sở mới, đồng thời loại bỏ những đối tượng không phù hợp. Cần đơn giản hóa các yêu cầu về nội dung Đề án BVMT đối với các cơ sở có quy mô nhỏ. Cụ thể, nội dung đề án chỉ cần tập trung về phần đề xuất các giải pháp BVMT sẽ triển khai; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở không thực hiện đề án BVMT theo yêu cầu của cơ quan chức năng…
|