Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta có nhiều biến đổi theo hướng tích cực. Đó là kết quả của những nỗ lực trong công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất của các cấp, các ngành, cùng với ngành Nông nghiệp và bà con nông dân toàn tỉnh. Bên cạnh đó, phải kể đến hiệu quả của công tác phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất của Sở NN-PTNT với các hội đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
|
Một nông dân nữ ở Hoài Nhơn gieo sạ giống lúa mới. Ảnh: H.X
|
* Tiếp thu KHKT, ứng dụng vào thực tế sản xuất
Xác định chị em phụ nữ vừa là người tham gia trực tiếp sản xuất, vừa là người vận động gia đình tham gia ứng dụng KHKT, thực hiện các chương trình lớn của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở NN-PTNT và Hội LHPN tỉnh, các đơn vị của ngành Nông nghiệp: Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư; Trung tâm Giống vật nuôi, Chi cục Thú y đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh mở 693 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cây trồng, vật nuôi; phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tổ chức các hội thảo, sinh hoạt CLB; tổ chức tham quan mô hình điểm... nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ nông thôn nắm bắt kiến thức, áp dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ; phát triển ngành nghề phụ, cải thiện kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của địa phương.
Các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với từng địa phương và khả năng tiếp thu của chị em, như: sản xuất lúa lai Nhị ưu 838, chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa ăn chắc/năm; thâm canh bắp lai, thâm canh các loại rau, màu... trong trồng trọt; kỹ thuật nuôi heo hướng nạc, vỗ béo bò, nuôi bê lai, bò sinh sản, phòng ngừa dịch lở mồm long móng gia súc... trong chăn nuôi. Thông qua tập huấn nghề, chị em đã tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng ứng dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, qua các hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình, nhiều chị em đã có điều kiện cọ xát thực tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm để áp dụng kiến thức mới vào sản xuất ở hộ gia đình. Có thể kể đến một số mô hình trồng trọt đã triển khai hiệu quả như: Trồng lúa lai Nhị ưu 838 ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh); Trình diễn kỹ thuật trồng đậu nành thâm canh tại xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn); Trồng lúa lai, nuôi bò sinh sản, tập huấn trồng cây hành, đậu phụng, điều ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát)...
* Nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh động vật
Triển khai dự án khắc phục khẩn cấp dịch cúm gia cầm, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh mở 50 lớp tập huấn cho 832 nữ nông dân về kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học tại 9 xã của 3 huyện tham gia dự án là: Tuy Phước, An Nhơn và Phù Cát.
Các hộ gia đình tham gia dự án được kiểm tra điều kiện vệ sinh, an toàn sinh học trước khi cấp gà giống. Kết quả, đã thực hiện cấp hơn 132 ngàn con gà giống 14 ngày tuổi cho 832 hộ. Đàn gà được nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, nhất là tiêm phòng cúm gia cầm, nên đảm bảo an toàn về dịch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt. Thông qua dự án, đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tạo vốn và kiến thức ban đầu để hộ chăn nuôi tiếp tục tái tạo đàn; thu hút được đông đảo hội viên tham gia và nhân rộng mô hình.
Lồng ghép vào các chương trình hoạt động của các cấp Hội, Chi cục Thú y cũng đã cử cán bộ tham gia công tác tuyên truyền, phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc và dịch bệnh tai xanh ở heo; tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; không vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh và không rõ nguồn gốc. Thông qua tuyên truyền, đã giúp chị em có thêm thông tin và nâng cao ý thức về công tác phòng ngừa dịch bệnh động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các huyện hội được sự hỗ trợ chuyên môn của Trạm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp - Kinh tế huyện, cũng đã xây dựng được các mô hình CLB phụ nữ nông dân giỏi nghề nông, mô hình sinh hoạt CLB Khuyến nông, duy trì tốt, thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
* Tiếp tục động viên tinh thần vượt khó
Điều đáng kể nhất trong kết quả của chương trình phối hợp chuyển giao tiến bộ KHKT của ngành NN-PTNT với Hội LHPN là từ chỗ còn hạn chế về kiến thức sản xuất, nhưng được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực và ý chí vươn lên vượt khó của bản thân, chị em phụ nữ đã tích cực tham gia học tập, nắm bắt thông tin và áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả.
Đến nay, đã có 80% số hội viên phụ nữ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện mô hình 50 triệu đồng/ha/năm; 85% số hộ gia đình trong tỉnh đã thực hiện cấp 1 hóa giống lúa và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo định hướng của tỉnh. Nhiều hội viên phụ nữ áp dụng tốt các kiến thức KHKT vào sản xuất đạt hiệu quả, nên đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, có chị còn vươn lên làm giàu.
Trong thời gian đến, để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ KHKT cho chị em phụ nữ, các đơn vị của ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, hội viên nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Qua đó, giúp chị em phụ nữ nông thôn nói riêng và người nông dân nói chung nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
|