Hiện nay trên các tuyến kênh mương nội đồng và dọc các bờ vùng, bờ thửa ở hầu hết đồng ruộng trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều rác thải nông nghiệp. Đó là những thứ chai, lọ, bì, túi đựng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… do bà con nông dân sử dụng xong vứt bừa bãi. Có thể đây là thói quen lâu nay hoặc vì chủ quan xem thường nên bà con không để ý đến tác hại của nó.
Mặc dù chỉ là vỏ đựng, nhưng các hóa chất vẫn còn bám dính và khi tiếp xúc với nước sẽ hòa tan và trôi nổi theo dòng kênh, mương rất nguy hiểm cho trâu, bò và các loài gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi chăn thả trên mặt nước thuộc khu vực nội đồng. Mặt khác, rác thải nông nghiệp trên đồng ruộng còn làm cho các loài thủy sản nước ngọt như cá, tôm, cua, ốc… bị lở loét, giảm khả năng sinh sản và phát triển. Đồng thời nếu như con người tổ chức đánh bắt thủy sản ở đây để làm thực phẩm tươi sống thì cũng không thể tránh khỏi tác hại lâu dài cho sức khỏe.
Vào thời điểm dịch rầy lan tràn trên nhiều diện tích ruộng lúa thì đồng ruộng ở các địa phương càng dày đặc những chai thuốc trừ sâu và các bì, gói diệt rầy trôi trên nước, dạt bên bờ hoặc tung tóe khắp nơi đầu bờ, góc ruộng. Đây là một loại rác rất khó tiêu hủy nếu cứ để tự nhiên trên đồng ruộng, vừa gây độc hại, vừa tạo ra cảnh tượng chướng mắt, rất thiếu mỹ quan.
Lâu nay chúng ta từng thực hiện cuộc vận động “sạch làng tốt ruộng” thì nay đã đến lúc cần thực hiện “sạch đồng tốt ruộng”. Bà con nông dân nên ý thức tốt hơn về môi trường đồng ruộng. Chỉ cần sau khi phun hay vãi hóa chất diệt sâu, rầy, chúng ta chịu khó cho những thứ chai, bì vào túi ni-lông hay vật đựng tiện lợi nào đó rồi mang đến địa điểm thích hợp để xử lý. Nếu bà con chúng ta, ai cũng làm được như vậy thì môi trường đồng ruộng sẽ trở nên sạch, đẹp và nguồn nước kênh, mương nội đồng sẽ không bị ô nhiễm hóa chất do rác thải nông nghiệp gây ra.
|