Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Bên cạnh những định hướng, điều hành về chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào bóng đá chính là nguyên nhân của những thành công đó.
|
Sức hút của thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal khiến rất nhiều em nhỏ muốn đầu quân cho Học viện bóng đá này. Ảnh: L.C
|
Bên cạnh những trận đấu của đội tuyển quốc gia tại vòng loại Asian Cup 2011 và các đội tuyển trẻ quốc gia ở VFF Cup 2009, vòng loại Giải bóng đá U19 và U16 châu Á, trong tháng 11, người hâm mộ bóng đá Việt Nam còn được chứng kiến những thần tượng một thời ở CLB M.U và Liverpool thi đấu với các cựu ngôi sao bóng đá Việt Nam ở Masters Cup 2009. Trong vòng hai năm qua, người hâm mộ bóng đá nước ta liên tiếp được chứng kiến nhiều cầu thủ và đội bóng nổi tiếng đến Việt Nam thi đấu. Có thể kể ra đây như: đội cựu cầu thủ Brazil, Olympic Brazil, CLB Olympiakos (Hy Lạp)...
Lý giải về việc thương hiệu bóng đá Việt Nam đang ngày càng được nhiều “đối tác” lớn biết đến, nhiều người cho rằng đó là vì thành tích của đội tuyển Việt Nam trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể. Đó là việc lọt vào vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008, vào vòng chung kết Asian Cup 2007, giành chức vô địch AFF Cup 2008… Rõ ràng, khi đẳng cấp của một đội tuyển được khẳng định, vị thế của bóng đá Việt Nam cũng nhờ đó mà được nâng lên đáng kể trong mắt bạn bè quốc tế. Nhưng xét về nguyên nhân sâu xa, có thể nói bóng đá Việt Nam có được sức hút như hiện nay chính là nhờ vào những tính toán chiến lược của doanh nghiệp.
Ngay khi bóng đá Việt Nam tạo ra những bước chuyển lớn ở cấp độ CLB, khi Giải vô địch Quốc gia được nâng tầm lên chuyên nghiệp, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã gây sốc bằng thương vụ đưa tiền đạo số một Đông Nam Á Kiatisak về phố núi Pleiku. Đã có những ý kiến trái chiều về sự kiện này, trong đó không ít người cho rằng đó là hành động chơi ngông của ông chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Nhưng giờ thì ai cũng phải thán phục khả năng nhìn xa trông rộng và tính quyết đoán của ông “bầu” này. Để rồi đến khi Hoàng Anh Gia Lai bắt tay với CLB nổi tiếng nước Anh Arsenal, mở Học viện bóng đá với quy mô và tiêu chuẩn mang tầm quốc tế, tất cả đều cảm thấy choáng ngợp. Và khi dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam thường xuyên xuất hiện trên sân Emirates trong các trận đấu của CLB này, hình ảnh Việt Nam (đương nhiên trong đó có bóng đá) được quảng bá đến khắp nơi trên thế giới.
Tương tự như vậy, dù thương vụ Denilson đến với CLB Hải Phòng không thành công như mong đợi của các CĐV đất Cảng, nhưng thông tin về sự kiện này cũng làm báo chí thế giới lên cơn sốt, không kém gì những vụ chuyển nhượng “bom tấn” ở những CLB hàng đầu châu Âu. Hay như chuyến đi của tiền đạo Công Vinh đến CLB Leixoes, thi đấu ở Bồ Đào Nha - một trong những giải đấu hàng đầu thế giới; rồi CLB Bình Dương trở thành đội bóng Việt Nam đầu tiên lọt vào tới vòng tứ kết AFC Cup 2009…, tất cả đều xuất phát từ những tính toán của các ông chủ doanh nghiệp, muốn khai thác những lợi thế của môn thể thao vua để thu lại những nguồn lợi vô hình và hữu hình khác.
Mới đây, một số tờ báo lớn ở Tây Ban Nha đăng tải thông tin khá sốc, đó là CLB từng 9 lần vô địch La Liga Atletico Madrid sang Việt Nam tìm… nhà tài trợ. Cụ thể, sân bóng của CLB này có thể sẽ mang tên một doanh nghiệp hay một thương hiệu mạnh của Việt Nam, nếu các đối tác thỏa thuận được các điều khoản trong hợp đồng. Trước khi chọn Việt Nam là một trong những điểm đến để tìm nhà tài trợ, CLB Atletico Madrid hẳn đã có rất nhiều thông tin về những doanh nhân trên đất nước hình chữ S có “máu me” với bóng đá và biết cách khai thác những hiệu quả kinh tế từ môn thể thao vua.
Cách đây vài năm, không mấy ai nghĩ rằng thu nhập cầu thủ chơi bóng ở V-League có thể lên đến hàng chục ngàn USD/tháng, nhưng khi các doanh nghiệp quyết tâm nhằm xây dựng những thương hiệu riêng, điều đó đã trở thành hiện thực. Cũng nhờ đó, chất lượng cầu thủ ngày càng được nâng lên, thúc đẩy bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển ở cả phương diện CLB và đội tuyển quốc gia.
|