Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh
16:43', 4/12/ 2009 (GMT+7)

Khi tôi đến thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh ở xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, trời đã quá trưa. Nhưng anh Võ Duy Nam, chủ nhân thư viện, vẫn đang loay hoay nhập sách. Hỏi thăm tình hình hoạt động của thư viện, anh cười: “Tôi vừa đóng thêm một cái kệ để xếp số sách mới vào”.

 

Anh Nam duy trì hoạt động của thư viện còn vì mục đích tạo văn hóa đọc cho gia đình của mình.

 

1.

Theo lẽ thường, người ta có yêu sách, mê đọc sách thì mới tìm đến sách và gắn bó với nó. Thế nhưng với anh Nam, lý do khiến anh theo đuổi công việc từ bấy lâu nay là muốn đem niềm vui đến những người thích sách. Anh tâm sự: “Tôi thích không khí người ta đến tìm sách, ngồi đọc sách, rồi bàn bạc thảo luận những vấn đề trong sách. Ở đây, hầu như ngày nào cũng có các em học sinh ghé lại. Không ít lần bạn đọc hỏi mượn những cuốn sách mà thư viện không có, tôi phải xuống các tiệm sách ở Quy Nhơn lùng mua về để cho họ mượn. Có một vài cuốn không còn tái bản, trở thành sách hiếm, bạn đọc tìm được nó như “bắt được vàng”. Nhìn họ cầm cuốn sách trên tay với vẻ mặt hớn hở, mình cũng thấy vui lây”.

Những niềm vui nhỏ như vậy đã tiếp thêm sức mạnh, động viên anh Nam duy trì hoạt động của thư viện suốt gần mười năm qua. Việc anh đứng ra nhận trách nhiệm quản lý thư viện xã khi người thủ thư cũ chuyển công tác, rồi chuyển sang mô hình thư viện tư nhân - chuyện một thời bị nhiều người cho là “dại”, giờ đã được thực tế chứng minh là đúng đắn.

Năm 2000, khi anh mới tiếp quản, tài sản của thư viện chỉ là một cái kệ với gần 400 cuốn sách do Thư viện tỉnh cấp. Sau gần 10 năm, số kệ hiện có 8 cái chứa gần 2.000 cuốn sách các loại. Anh Nam cho biết, sách có mặt cố định tại thư viện chỉ là nguồn phụ, nguồn chính được luân chuyển định kỳ từ Thư viện tỉnh và Thư viện huyện đến. Cứ ba tháng một lần, Thư viện tỉnh luân chuyển 200 cuốn; một tháng hai lần, anh xuống Thư viện huyện mượn về 200 cuốn. Ngoài ra, theo yêu cầu của bạn đọc, mỗi năm, anh còn xuất tiền túi mua hàng trăm cuốn khác. Nhờ vậy, sách tại thư viện luôn mới và đa dạng, đáp ứng phần lớn nhu cầu của bạn đọc.

2.

Sách ở thư viện anh Nam được sắp xếp ngăn nắp trên kệ, phân theo chuyên mục rõ ràng. Thư viện này có khá phong phú các loại sách: lịch sử, pháp luật, danh nhân, hôn nhân gia đình, giải trí, thể thao, thiếu nhi… Bình quân mỗi ngày thư viện có từ 3 đến 5 người ghé đến. Đông nhất là vào dịp hè, hầu như ngày nào cũng có khoảng mười bạn đọc nhỏ tuổi đáo qua xem sách, mượn sách. Anh Nam cho biết, sách về đến thư viện luôn được anh bao bìa, đóng gáy cẩn thận. Khi cho mượn, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi, anh luôn dặn dò phải giữ gìn sách cẩn thận để nhiều người sau còn dùng được. Sách cũ, ít người mượn, anh cột lại rồi xếp vào một góc kệ. Rảnh rỗi, anh xổ chúng ra giũ bụi, rồi cột lại ngay ngắn. “Thư viện đông bạn đọc nhất vào dịp hè. Những ngày ấy thư viện luôn nhộn nhịp. Thế nên trước hè, tôi thường bổ sung thật nhiều sách thiếu nhi để phục vụ các em”, anh Nam nói.

 

Sách về thư viện luôn được anh Nam ghi vào sổ cẩn thận để dễ quản lý. 

 

3.

Theo anh Nam, việc mở thư viện này chỉ nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân chứ không thể tính đến chuyện làm ăn kinh tế. Với giá cho thuê hiện nay, sách người lớn 500 đồng/cuốn, sách thiếu nhi 500 đồng/2 cuốn, bình quân người mượn đọc 1 cuốn trong 5-7 ngày, thì hy vọng lấy lại vốn hầu như không có. Đó là chưa kể rất nhiều lần, quá 10 ngày không thấy bạn đọc trả sách, anh Nam phải tìm đến tận nhà họ để lấy sách, nếu tính chi li, còn tốn hơn tiền cho thuê sách.

Anh Nam bộc bạch: “Mở thư viện ở nơi nào thì điều quan trọng là phải nắm bắt tâm lý bạn đọc ở nơi đó mới phục vụ hiệu quả được. Chẳng hạn, Thư viện tỉnh nhiều lần đề xuất việc làm thẻ cho bạn đọc, nhưng tôi biết nếu bắt làm thẻ sẽ không mấy người đến thư viện nữa, vì họ cho làm như vậy là rườm rà, rắc rối. Rồi chuyện giữ gìn thẻ cũng sẽ là điều khó khăn. Tôi mở thư viện này chỉ để thỏa mãn sở thích, chứ nguồn thu chính là từ việc làm đại lý bán vé số. Một vài năm gần đây, nguồn sách luân chuyển và lượng sách cấp cho thư viện theo định kỳ nhiều dần lên, nên tôi đã mở rộng diện tích, đóng thêm kệ, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Tôi rất quý những người yêu sách và muốn tạo điều kiện để đưa sách đến gần với họ”.

Bà Hoàng Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh:

“Anh Võ Duy Nam, phụ trách thư viện là người nhiệt tình, năng nổ, tâm huyết với công việc. Trong khi một số thư viện xã gặp khá nhiều khó khăn thì thư viện tư nhân xã Nhơn Phúc vẫn duy trì tốt hoạt động. Về phần mình, Thư viện tỉnh luôn tạo điều kiện có thể để hỗ trợ họ về mặt chuyên môn. Rất mong trong thời gian tới, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để thư viện này ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc”.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)
Đi lên nhờ… doanh nghiệp  (04/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/12/2009)
Môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm  (06/11/2009)
Chuyển giao tiến bộ KHKT cho phụ nữ nông thôn  (06/11/2009)
Nữ giáo viên xung kích ở một trường trung du  (06/11/2009)
Giải pháp nào cho công tác thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường?  (05/11/2009)
Còn nhiều trở ngại  (05/11/2009)
Nhà bếp của má tôi  (05/11/2009)
Khuyến ngư Bình Định với phong trào nuôi cá ở miền núi  (05/11/2009)
Giữ hồn nghĩa trang  (05/11/2009)
Đánh thức trách nhiệm  (05/11/2009)
Hành trình vì cuộc sống  (05/11/2009)
Thơ  (05/11/2009)
Giá trị  (05/11/2009)