NSƯT ĐÀO DUY KIỀN:
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê
17:4', 4/12/ 2009 (GMT+7)

NSƯT Đào Duy Kiền đã dành cả quãng đời làm việc cống hiến cho nghệ thuật Tuồng, sau khi nghỉ hưu nhiều năm ông vẫn tiếp tục đóng góp tâm huyết cho nghề một cách lặng lẽ. Tìm đến nhà trò chuyện, NSƯT Đào Duy Kiền đã tâm sự chân thành về niềm đam mê âm nhạc truyền thống.

 

Một tiết mục Tuồng tại Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc. Ảnh: Văn Lưu

 

* Đâu là động lực khiến ông nuôi dưỡng tình yêu đối với Tuồng bền bỉ như vậy ?

- Tôi có tình cảm yêu quý “thật sự” đối với nghệ thuật Tuồng, được hình thành nên từ sự hiểu biết và trân trọng giá trị cao quý của nghề. Chính từ tình cảm yêu quý này nên sau gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật Tuồng, tôi vẫn thấy chưa “đã”, khi nghỉ hưu rất nhớ nghề nên quyết định tiếp tục đóng góp những gì trong khả năng mình còn làm được.

* Vậy sau khi nghỉ hưu, ông đã đóng góp được gì cho nghệ thuật Tuồng?

- Khi mới nghỉ hưu và tham gia Trại sáng tác của Hội Văn nghệ dân gian năm 2003, tôi đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Âm nhạc dân gian trong âm nhạc Tuồng”. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến ở mặt này mặt kia, tôi bổ sung thêm bằng những vấn đề chưa nói đến hoặc đưa ra cách nhìn khác về một số điều mà có người đã nói đến. Qua đó, giúp mọi người hiểu hơn, yêu quý hơn đối với âm nhạc truyền thống Tuồng.

Năm 2005, tuyển tập “Khúc nhạc lòng” gồm hơn 30 ca khúc sân khấu Tuồng của tôi đã được xuất bản. Đây là các ca khúc tôi đã sáng tác dựa trên vốn âm nhạc truyền thống đã được thấm sâu, trải nghiệm qua thực tế, kết hợp với kiến thức âm nhạc phổ thông và sự say mê tìm tòi sáng tạo, học hỏi. Tuyển tập “Khúc nhạc lòng” đã đạt được giải B Đào Tấn – Xuân Diệu. Năm 2008, được sự giúp đỡ của Sở VH-TT&DL tỉnh và Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tôi đã phối hợp cùng nhạc sĩ Gia Thiện tiến hành thực hiện cuốn sách “Nhạc Tuồng”. Đây là tác phẩm đi sâu vào khẳng định giá trị đặc sắc, độc đáo của các loại nhạc cụ trống, kèn, nhị trong âm nhạc sân khấu Tuồng. Tác phẩm “Nhạc Tuồng” này đã đạt được giải C của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn viết nhiều bài nghiên cứu nhỏ về âm nhạc, hoạt động sân khấu truyền thống tỉnh nhà để tuyên truyền trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương.

* Quan điểm của ông khi thực hiện công tác nghiên cứu nghệ thuật là gì?

- Nếu xét về bằng cấp thì tôi không phải là người học cao, nhưng sự yêu nghề, say mê tìm tòi, học hỏi đã giúp tôi nắm khá vững chắc nhiều vấn đề của âm nhạc nói riêng và nghệ thuật Tuồng nói chung. Do đó, khi tiến hành nghiên cứu tôi không làm theo kiểu xào xáo mỗi thứ một ít và chỉ nhận xét mang nặng tính chủ quan, mà luôn đòi hỏi mình phải hết sức “nghiêm túc” trên cơ sở trân trọng, kế thừa giá trị cái cũ đã được thừa nhận, đồng thời phải ít nhiều đưa ra được những đóng góp mới. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Nhạc Tuồng”, chúng tôi đã phân tích được âm nhạc Tuồng có cấu trúc không hoàn chỉnh, chỉ mang tính khái quát chung chung chứ không có sự cụ thể rõ rệt. Nhưng chính điều này đã tạo nên nét độc đáo riêng cho âm nhạc Tuồng, tạo điều kiện cho nhạc công và diễn viên thỏa sức sáng tạo riêng dựa trên nền tảng truyền thống.

NSƯT Đào Duy Kiền nguyên là Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ông đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc sáng tác âm nhạc Tuồng với gần 100 ca khúc, góp phần đem lại thành công cho nhiều vở diễn. Trong quãng đời làm việc cống hiến của mình, ông đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương vàng sáng tác nhạc Tuồng trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh…

* Còn về vấn đề sáng tác mới cho âm nhạc Tuồng, ông suy nghĩ như thế nào ? 

- Sáng tác nhạc cho bộ môn nghệ thuật sân khấâu truyền thống nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng là việc làm cần thiết để tránh tình trạng “dẫm chân tại chỗ”, góp phần phát triển nghệ thuật gần gũi với đương đại. Nhưng phát triển ở đây là để làm cho nghệ thuật truyền thống phong phú thêm, khắc phục những hạn chế của âm nhạc truyền thống, tăng cường hỗ trợ cho sân khấu chứ không phải là sự thay thế cái cũ để rồi mắc lỗi “gieo vừng ra ngô”. Phải luôn nhận thức rằng trước khi sáng tác, người nhạc sĩ phải nắm kỹ tính chất, đặc điểm âm nhạc của bộ môn, tính năng từng nhạc cụ và khả năng diễn tả thông qua kỹ thuật diễn tấu. Để từ đó có sự sáng tạo mới đảm bảo hài hòa các yêu cầu đúng, phù hợp với hoàn cảnh và hay. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm lưu ý đối với các vở diễn sân khấu truyền thống hiện nay.

* Hiện đã gần ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông có còn định đóng góp cho Tuồng thêm không?

- Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê, mỗi một thành quả mình đạt được giúp cho tinh thần phấn chấn hẳn lên. Nên tuổi tác đã cao không là vấn đề trở ngại gì, tôi vẫn còn nhiều dự định và mong muốn được đóng góp cho Tuồng. Nhưng việc thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác…

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)
Đi lên nhờ… doanh nghiệp  (04/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/12/2009)
Môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm  (06/11/2009)
Chuyển giao tiến bộ KHKT cho phụ nữ nông thôn  (06/11/2009)
Nữ giáo viên xung kích ở một trường trung du  (06/11/2009)
Giải pháp nào cho công tác thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường?  (05/11/2009)
Còn nhiều trở ngại  (05/11/2009)
Nhà bếp của má tôi  (05/11/2009)
Khuyến ngư Bình Định với phong trào nuôi cá ở miền núi  (05/11/2009)
Giữ hồn nghĩa trang  (05/11/2009)
Đánh thức trách nhiệm  (05/11/2009)
Hành trình vì cuộc sống  (05/11/2009)
Thơ  (05/11/2009)