Hiện nay, tỉnh Bình Định có 231 di tích được thống kê, trong đó có 88 di tích đã được xếp hạng (33 di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh) và là một trong những tỉnh có số lượng di tích được xếp hạng nhiều trong cả nước; một số di tích bị xuống cấp và hư hỏng nhiều do yếu tố tác động từ thiên nhiên và con người gây ra; tình trạng lấn chiếm và xâm hại đến di tích vẫn còn xảy ra.
|
Lễ khánh thành Từ đường nữ đô đốc Bùi Thị Xuân (Tây Sơn).
|
Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu của Trụng ương, địa phương và công tác xã hội hóa, nhiều di tích ở Bình Định được trùng tu, tôn tạo, gia cố chống xuống cấp như: Khu di tích Bảo tàng Quang Trung, Thành Hoàng đế, Đèo Nhông Dương Liễu, Vụ thảm sát Bình An, Lăng Mai Xuân Thưởng, Đền thờ Đào Duy Từ, Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Tháp Cánh Tiên, Tháp Dương Long, Tháp Bình Lâm, Tháp Thủ Thiện, Danh lam thắng cảnh Hầm Hô, Ghềnh Ráng, Từ đường Bùi Thị Xuân…
Hiện nay có 4 di tích, danh thắng đang được các cơ quan, đơn vị khai thác phục vụ khách tham quan như: Khu di tích Bảo tàng Quang Trung (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Di tích Tháp Đôi (Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị), Danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng (Khách sạn Sài Gòn – Quy Nhơn), Danh lam thắng cảnh Hầm Hô (Công ty 47). Một số di tích chưa khai thác phục vụ khách tham quan nhưng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện hợp đồng người bảo vệ như tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, Thành Hoàng Đế, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, Vụ thảm sát Gò Dài, Đền thờ Đào Duy Từ, Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi, Lăng Mai Xuân Thưởng, Di tích Chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu, Vụ thảm sát Tân Giảng, Vụ thảm sát Ngã ba Đình…
Một số di tích quan trọng được ưu tiên đầu tư quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ như tháp Dương Long, Lăng Mai Xuân Thưởng, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Thủ Thiện, tháp Bình Lâm, tháp Phú Lốc, Thành Hoàng Đế. Riêng di tích khu căn cứ Núi Bà đang lập thiết kế xây dựng tượng đài, nhà trưng bày và cơ sở hạ tầng nhằm phát huy giá trị lịch sử di tích kết hợp với khai thác du lịch sinh thái. Nhiều di tích đã được xếp hạng đang có kế hoạch xây dựng tôn tạo như: Tượng đài Trần Hưng Đạo, Di tích Đồi Mười, Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, Chiến thắng An Lão, Huyện đường Bình Khê, Nhà tù Phú Tài, Đền thờ Võ Văn Dũng, Vườn cam Nguyễn Huệ…
|
Trùng tu di tích Tháp Dương Long (Tây Sơn).
|
Kết quả thực hiện, riêng chương trình mục tiêu quốc gia cho việc chống xuống cấp và tôn tạo di tích ở Bình Định từ năm 1997-2009 là 15,554 tỉ đồng. Nếu tính con số tổng kiểm kê 231 di tích và 88 di tích được xếp hạng thì con số được đầu tư còn rất bé nhỏ. Nhưng với nguồn vốn ấy, nhiều di tích đã được tu bổ chống xuống cấp và tôn tạo ở các mức độ khác nhau, trong đó nhóm tháp Bánh Ít 2,462 tỉ đồng; nhóm tháp Dương Long 9,156 tỉ đồng; Di tích Thành Hoàng Đế 3,936 tỉ đồng. Nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nếu không có các đơn vị chuyên ngành hợp lực và công tác xã hội hóa trong những năm qua thì nhiều di tích sẽ chỉ còn là phế tích. Những kết quả ấy đã đóng góp vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vào phát triển kinh tế xã hội và giáo dục truyền thống về bản sắc Việt Nam. Điều đó là khẳng định và là mảng màu tươi sáng trong bức tranh tu bổ - tôn tạo di tích ở Bình Định trong những năm gần đây. Những kết quả ấy không thể tính bằng tiền. Tuy nhiên, tình trạng và giá trị các di tích khác nhau, trình độ thực hiện khác nhau và chất lượng tu bổ bảo tồn cho từng di tích không thể giống như nhau.
Với những kết quả đạt được, trong những năm đến - giai đoạn từ 2010-2015 - kế hoạch trùng tu, phục hồi và tôn tạo di tích tỉnh Bình Định sẽ thực hiện như sau:
Di tích Tháp Dương Long: hoàn thành việc thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết cho các phần phát sinh khối lượng của 3 tháp, hàng rào, nhà trưng bày. Song song với việc trùng tu, sẽ tiến hành lập dự án bổ sung các hạng mục còn lại như: cơ sở hạ tầng. Khánh thành, đưa vào phát huy giá trị di tích vào năm 2015. Di tích Tháp Cánh Tiên: dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2010. Di tích Thành Hoàng Đế: trùng tu, phục hồi các bờ tường Tử Cấm Thành, Lăng Võ Tánh, Đàn Nam Giao, các hạng mục trong Tử Cấm Thành và quy hoạch tổng thể các hạng mục còn lại của di tích. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về công trình trùng tu, phục hồi di tích Thành Hoàng Đế. Di tích Tháp Bánh Ít: quy hoạch tổng thể di tích, lập dự án xây dựng cơ sở hạ tầng… Di tích Núi Bà: xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng tượng đài, nhà lưu niệm. Di tích Tháp Bình Lâm: lập dự án trùng tu, phục hồi di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng… Di tích Lăng Mai Xuân Thưởng, Đền thờ Võ Văn Dũng: xây dựng đền thờ. Di tích Nhà tù Phú Tài: xây dựng tượng đài, cơ sở hạ tầng. Di tích Chiến thắng Chợ Cát: quy hoạch mặt bằng, thi công cơ sở hạ tầng, xây dựng tượng đài. Các di tích Vườn Cam Nguyễn Huệ, Tháp Thủ Thiện, Tháp Phú Lốc, Huyện đường Bình Khê, Vụ thảm sát Kim Tài: quy hoạch tổng thể, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà bia… Di tích Đồi Mười - Đèo Nhông: lập dự án, quy hoạch tổng thể cho di tích.
Việc thực hiện tốt những kế hoạch trên đây sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phục vụ có hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm đến.
|