Sự sống diệu kỳ
9:2', 5/12/ 2009 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Nguyễn Văn Chương 

Tại Khoa Nội A Bệnh viện đa khoa tỉnh, nơi tôi đang nằm điều trị vì căn bệnh tai biến, bỗng khoảng chập tối, người ta đẩy vào một người bệnh đặc biệt. Nghe có vẻ ông ta bệnh nặng lắm. Theo sau chiếc giường đẩy bằng inox có bốn bánh xe sáng loáng là mấy cô y tá, hộ lý, vẻ mặt hốt hoảng chạy sau cùng là một người đàn bà, chắc là người nhà của ổng.

Sau khi nhờ mấy người nhà bệnh nhân nằm cùng phòng sốt sắng khiêng người bệnh chuyển sang giường, người đàn bà cùng đi hối hả lật người bệnh lên mà lau chùi, khi thì bằng tờ giấy báo, khi thì tấm khăn ướt. Trên người ông chỉ có tấm áo của bệnh viện. Còn phía dưới phủ manh vải mỏng mà quá trình khiêng ông nó đã tụt ra, trơ cả mông và đùi. Những bệnh nhân cùng phòng có thể đi lại được thì xúm quanh giường người bạn mới, mới hay rằng ông bị liệt toàn thân. Đôi chân ông teo tóp, cứng quèo, quắt lại, quấn lấy nhau như một đoạn dây thừng.  Tay trái ông cũng bị liệt. Chỉ còn tay phải cử động chút ít. Cái đầu ông cũng chỉ hơi ngóc lên. Ông không nói được, thỉnh thoảng lại rụt cổ, thè dài cái lưỡi đỏ chót, kêu lên u u a a những tiếng chói tai, đơn điệu.

Hình như ông là vị “khách quen” của bệnh viện, nên trước khi làm xong thủ tục cho ông trở về phòng, ông bác sĩ trực nói với người đàn bà cùng đi một lời khen ngợi: “Bà giỏi nuôi ổng thật. Chừng ấy năm mà không lở loét gì”.

Khi người bệnh mới nằm yên trên giường, người đàn bà một mình khệ nệ bê những tủ đựng đồ của bệnh nhân cũng bằng inox bên cạnh để hai bên giường, đề phòng ông lật người ngã xuống đất. Lưng áo bà ướt đẫm mồ hôi. Trông bà mỏi mệt, bơ phờ.

Người đàn bà đi theo người bệnh chính là vợ ông. Bà ta có một thân hình gầy còm. Lưng gù. Da xanh. Gương mặt tàn tạ đầy những nếp nhăn. Quần áo nhàu nát, quần ống thấp ống cao. Bà không ngừng lật người bệnh lên, lau chùi, rửa ráy bởi ông ta không tự chủ được chuyện bài tiết. Nói chính xác là ông ta chỉ còn sống cuộc đời thực vật, mặc cho bà muốn làm gì thì làm.

Tối hôm ấy, phòng bệnh của tôi không ai ngủ được, dù người mới nhập viện hay người bệnh tình đã đỡ. Những vợ, con, cháu hay người nhà khỏe mạnh, vào ngủ để phục vụ người bệnh cũng không thể nào ngủ được bởi tiếng la hét vô thức của ông. Mươi mười lăm phút, cũng có khi cả tiếng đồng hồ, mọi người đang ngủ say thì ông lại tru lên: “Ba bẩy… bốn bẩy… ba bẩy… bốn bẩy…”. Tiếng của ông như tiếng bò rống, tiếng bầy sói tru lên dưới ánh trăng, dài và não nuột. Có khi như tiếng mèo hoang gào nhau trên mái nhà hay ngoài nghĩa địa hoang vu khiến người ta giật mình, sởn tóc gáy. Cứ thế ông hét một hồi dài, khiến ai cũng tỉnh ngủ. Sáng ra, mọi người lại đùa nhau: “Ai đánh số đề, cứ ba bẩy, bốn bẩy, đầu cuối thế nào cũng trúng. Thánh đã phán thế mà”.

Trời sáng. Người bệnh nằm trên giường đo huyết áp. Người nhà thì gấp chăn màn, chuẩn bị ra về để người khác vào “thay ca”. Người không phải thay thì nằm nghỉ ngơi trên những dãy ghế ngoài hành lang buồng bệnh. Riêng người đàn bà vợ bệnh nhân mới, chẳng biết bà có chợp mắt được phút nào không, nhưng đã thấy bà luôn chân luôn tay lau chùi cho ông, dọn dẹp giường chiếu, mua đồ ăn sáng chuẩn bị bón cho ông. Bữa ăn sáng của ông phải mất hơn một giờ đồng hồ. Bà xúc từng thìa cháo hay bột đổ vào miệng cho ông. Có khi thì ông nuốt. Có khi ông đùn ra miệng. Có lúc đang cho ông ăn thì ông ho sặc sụa. Nhiều lần bà phải ngừng để giữ tay ông cho điều dưỡng viên cặp nhiệt, đo huyết áp, truyền dịch. Nhiều khi phải bỏ dở lọ dịch vì ông “quậy” quá làm chệch mũi kim ra khỏi ven, dịch chảy tràn ra ngoài. “Nói vậy chứ tay ông còn mạnh lắm. Tui giữ không nổi đâu”. Bà phân bua với nhân viên y tế khi các cô trách bà không giữ chặt, để ông quậy bật ven.

Khi mọi người trong phòng bệnh đã quen dần với hai người (nói đúng ra là quen với bà và quen với tiếng kêu của ông), người ta mới biết phần nào về hai người. Bà tên là Thiệt, Bốn Thiệt, nhưng người ta gọi là Bốn Câm, vì bà có mấy lần tức giận uất ức quá mà cấm khẩu, có đợt kéo dài cả chục năm chạy chữa mới khỏi. Ông tên là Tư Thông, người trong làng ngoài xã kêu ông là Tư Xuội, vì bả vai phải còn một viên đạn găm khiến cánh tay phải của ông xuội lơ. Hai người ở cùng huyện Tuy Phước nhưng khác xã. Họ trở thành vợ chồng khi cùng tham gia kháng chiến. Ông làm du kích, còn bà đấu tranh hợp pháp.

Khi “Mỹ cút ngụy nhào”, đất nước thống nhất thì hai người dắt nhau về xây dựng quê hương. Chẳng biết vì lý do gì, người ta lại không chịu làm chế độ thương binh cho ông. Tức mình, ông sinh nghiện rượu, đánh đập vợ con và chửi vung thiên địa.  Có lần, ông đã xách ghế liệng u đầu chủ tịch huyện khiến ông bị bắt giam mấy ngày. Rồi ông kiên quyết không chịu cho hai đứa con gái đi học. “Con gái đi học mà làm gì. Mai mốt tao mua mấy sào ruộng cho chúng nó cày cấy rồi lấy chồng”. Bà thì nhất định phải cho con đi học nên bà chủ động ly hôn, đưa hai con về bên ngoại cho chúng tiếp tục cắp sách đến trường. Chuyện ly hôn cũng là chuyện bất đắc dĩ chứ thực lòng, bà vẫn thương ông. Vì thế suốt hơn bảy năm trời, nhiều người đánh tiếng, muốn chắp nối với bà nhưng bà chẳng ưng ai. Dù vất vả cực khổ, bà cũng quyết nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Còn ông thì ở với cô em gái và ngày càng nát rượu hơn.

Trong một cơn tai biến bất ngờ, ông bị liệt nửa người từ thắt lưng trở xuống và liệt luôn một cánh tay. Họ hàng phục vụ ông được một thời gian nhưng rồi ai cũng nản. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nếu không phải vợ con thì ai mà hầu được một người chỉ biết ăn và nằm ỉa đái một chỗ. Mọi người bỏ bê cho ông chết dần.

Trong một lần về thăm, bà thấy ông chỉ còn bộ xương thì trong lòng xót xa. Một tình thương vô bờ bỗng ùa đến làm bà bước đi không nổi. Bà đành ở lại chăm sóc cho ông từ bữa ăn, giấc ngủ đến giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa…, tận tụy như một người vợ hiền chứ không phải họ đã chia tay nhau ngót chục năm trời.

Thấy bà ở lại chăm sóc ông như vậy, họ hàng và dân làng phục lắm. Nhưng cũng có người bảo: “Ly hôn rồi, mắc mớ gì phải phục vụ ổng. Kệ cho ổng chết”.

Hai ông chú thì nói với bà: “Đằng nào cũng thế. Nuôi nó sống cũng không thể khỏe mạnh lại. Cho nó chết ngay thì tội. Chi bằng cháu cho nó ăn ít dần đi, đến lúc nào nó chết được thì chết. Nuôi mãi làm gì. Rồi khổ cả cháu mà nó cũng khổ”.

Hai đứa con gái bà nghe nói thế thì ôm lấy bà mà khóc: “Má ơi má đừng làm thế. Tội ba quá má ơi. Con xin má”.

Bà cũng không đành làm vậy. Dù sao thì bà cũng có với ổng hai mặt con. Ngày xưa họ sống với nhau tình nghĩa lắm. Hai người tự nguyện thương nhau chứ có ai ép gả gì đâu. Và ổng cũng hiền khô. Sau này ổng mới sinh tật vậy chớ. Chẳng qua họ ly dị cũng là “giải pháp tình thế” để những đứa con có điều kiện ăn học. Bây giờ thì hai đứa đã trưởng thành cả. Đứa lớn làm hiệu trưởng trường mầm non. Đứa nhỏ làm giáo viên tin học. Nhưng không đứa nào có điều kiện chăm sóc cha. Mà có điều kiện chúng cũng không làm nổi. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chỉ riêng việc lật người, lau chùi ỉa đái cho ông cũng đã tốn bao công sức. Chăm ông một tiếng thì chúng về đau mấy ngày cũng quá tội. Chỉ có bà đủ lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng để chăm sóc ông.

- Nào ăn nha !

Bà bưng bát cơm đã xay nhuyễn và cầm chiếc khăn ngồi cạnh giường chuẩn bị cho ông ăn. Cơm và thức ăn đều xay với nhau cho thành một thứ bột sền sệt. Không đặc quá cũng không nhão, vì đặc ông không nuốt nổi mà nhão quá ổng cũng đùn ra. Bà xúc từng thìa nhỏ đổ vào cái miệng há ra như mỏ chim non. Ông “gừ… gừ… ừ” đùn ra. Mỗi thìa phải mấy lần đùn ra như vậy. Bà lấy thìa vét hai bên miệng ổng, nựng như nựng con nhỏ: “Nào, nuốt đi… nuốt đi. Không là bác sĩ chích cho đấy”. Có khi bà lấy khăn lau cái miệng méo móp, rụng không còn cái răng nào của ông mà nựng :”Cái miệng này thương lắm đây”. Bữa ăn sáng của ông kéo dài hơn một giờ. Còn bữa trưa, bữa chiều ít ra cũng là vài ba tiếng. Bữa ăn của bà thì suốt cả buổi, vì bà phải ăn tranh thủ những lúc ngơi tay mới xúc một miếng, hoặc giả vừa ăn vừa giữ tay ông. Khi ăn là cánh tay còn nhúc nhắc được của ông cứ ôm chăït lấy đùi bà. Mọi người bảo: “Vậy là ổng còn biết”. Có người bảo: “Thấy bà vào bên là tay ổng khua khắng liền hà”. Lại có người thử ông bằng cách đưa bàn tay cho ông nắm, rồi dần dần giơ cao lên. Mắt ông cũng ngước theo, bàn tay cũng đuổi theo bàn tay đang cao dần. Họ kết luận: “Ổng còn khôn đấy”. Chỉ có đôi mắt ông vẫn đen và tinh nhanh. Đôi mắt như biết nói. Nó nói những gì mà miệng ông không nói được, tay ông không làm được. Mái tóc đen nhánh được chải gọn. Nom ông không già hơn cái tuổi sáu mươi tư là bao nhiêu. Đôi khi có người đứng coi bà chăm sóc cho ông, khen ông còn trẻ thì bà cười, vỗ vỗ vào vai ông, nói đùa: “Này, dậy đi uống rượu. Đi không? Trăm phần trăm nha?”. Hoặc giả bà bảo: “Có lấy vợ nữa không? Đẹp trai thế này khối người ưng đây.” Mặc bà nói gì ông cũng chỉ nhìn theo bàn tay của bà mà thôi.

Mỗi năm vài ba lần bà phải ẵm ông đi bệnh viện. Lúc bà mới về thăm, ông chỉ còn gần ba chục ký. Sau một thời gian bà chăm bẵm, ông đã dần tăng lên được hơn bốn mươi ký. Nhưng ông tăng được ký nào thì bà sụt đi ký ấy. Lần này, bà đang chăm cho ông ăn thì bỗng ông ho sặc sụa, người cong lên, da thịt tím tái. Mắt ông trợn ngược, trắng dã, trông ớn sợ. Bà vội gọi mọi người đưa ông đi cấp cứu. Ai cũng chần chừ không muốn đưa đi. “Đây là dịp tốt để giải thoát cho cháu đấy. Kệ cho nó chết” - ông chú nói với bà. Bà giàn giụa nước mắt, nói với ông chú qua hàng nước mắt: “Tội nghiệp ảnh quá. Còn nước còn tát chứ chú”. Rồi chẳng cần chờ ai, chẳng cần nhờ ai, bà bặm môi bế xốc ông lên chiếc xe cứu thương của Trung tâm y tế huyện đang đậu chờ sẵn. Cũng chỉ có mình bà theo xe xuống bệnh viện tỉnh phục vụ ông.

Ngày nào cũng như ngày nào, bà Tư Câm luôn chân luôn tay không lúc nào ngưng. Hiếm hoi lắm bà mới có phút rảnh rỗi để nghỉ ngơi. Ấy là khi ông nhắm mắt nằm yên, không gào thét “ba bẩy bốn bẩy”. Bà nghỉ nhưng không dám nằm. Bà ngồi bệt xuống đất, gục đầu vào cái ghế để cạnh giường, lơ mơ ngủ. Ông “gừ gừ” là bà choàng ngay dậy, đẩy vội cái chậu nhựa hứng nước đái để dưới gầm giường vào đúng chỗ dòng nước thải của ông đang chảy ra.

 Dường như bà quên hết những gì đang diễn ra chung quanh. Bà tập trung toàn tâm toàn sức chăm sóc nuôi nấng cho ông. Đang giấc trưa bệnh nhân ngủ, bà cũng cho cơm vào bình xay sinh tố, xay ầm ầm trong nhà. Đồng tiền lớn như tờ hai mươi ngàn đồng, năm mươi ngàn đồng trở lên, bà không biết mặt, không biết tên vì đã lâu lắm bà không đi chợ, không mua sắm thứ gì lớn. Thỉnh thoảng bà chỉ mua năm nghìn cháo hay một nghìn nước sôi đổ đầy bình thủy là cùng. Đôi khi ra quán mua cháo, người ta thấy bà ngất xỉu vì kiệt sức. Nhưng khi hồi phục lại, bà lại tất tả chạy về phòng bệnh, chạy về giường chăm sóc cho ông. Những khi ông ngủ say, bà cũng có phút rảnh rỗi, quay ra nói đôi ba câu chuyện với người nhà bệnh nhân, gương mặt bà bỗng trẻ lại, tươi tắn. Hình như cuộc đời còn lại của bà bây giờ là nuôi nấng chăm sóc ông. Bà không còn niềm vui, hạnh phúc nào khác là dành toàn tâm nuôi dưỡng người chồng bại liệt. Thấm thoắt thế mà đã mười bẩy năm trời. Hồi bà tình nguyện ở lại nuôi ông, bác sĩ nói: “Nếu cứ nuôi dưỡng thế này thì ông có thể tồn tại được ba mươi năm”. Như vậy là mười ba năm nữa bà còn ở bên ông, chăm sóc ông. Liệu bà còn đủ sức để đi hết chặng đường cho trọn vẹn hay không chứ sức khỏe bà cũng đuối lắm rồi. Bà bảo: “Không chừng tôi chết trước ổng. Khi ấy rồi ai chăm sóc cho ổng đây?”

Cái gì đã tạo cho bà sự chịu đựng dẻo dai như vậy để bà có sức khỏe chăm sóc ông? Có phải chính tình yêu thương vô bờ bến của bà đã cho ông sự sống diệu kỳ như thế (dẫu chỉ là sống thực vật) kéo dài tuổi thọ trên dương gian gần hai chục năm trời?

Nhìn nước da xanh mướt, tấm lưng còng tàn tạ của bà, tôi cũng thầm lo cho bà. Liệu người đàn bà sáu mươi mốt tuổi ấy còn được bao nhiêu sức lực để phục vụ ôngï, chăm sóc ông  đến giờ phút cuối?

Bệnh viện đa khoa Bình Định, những ngày nằm viện, 9.2009.

  • N.V.C
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (04/12/2009)
Triệt phá đường dây môi giới mại dâm liên tỉnh  (04/12/2009)
Giàu tiềm năng, nhiều thách thức  (04/12/2009)
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê  (04/12/2009)
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)
Đi lên nhờ… doanh nghiệp  (04/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/12/2009)
Môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm  (06/11/2009)
Chuyển giao tiến bộ KHKT cho phụ nữ nông thôn  (06/11/2009)
Nữ giáo viên xung kích ở một trường trung du  (06/11/2009)
Giải pháp nào cho công tác thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường?  (05/11/2009)
Còn nhiều trở ngại  (05/11/2009)
Nhà bếp của má tôi  (05/11/2009)
Khuyến ngư Bình Định với phong trào nuôi cá ở miền núi  (05/11/2009)