Đái tháo đường - ngày càng khó kiểm soát
17:38', 4/12/ 2009 (GMT+7)

Theo thống kê của Phòng khám chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK tỉnh, bình quân có khoảng 30% bệnh nhân đến khám bệnh đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) ở giai đoạn nặng. Hầu hết bệnh nhân đều đã có biến chứng nặng, thậm chí một số người cùng lúc bị nhiều biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.

 

Một bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng viêm loét được điều trị tại BVĐK tỉnh.

 

* Ngày càng không kiểm soát được

Hiện nay, trên thế giới, bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, ở các nước đang phát triển, số ca mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện ngày càng nhiều và không thể kiểm soát, khống chế được bệnh. Điều này được bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, Trưởng khoa Nội tiết, BVĐK tỉnh, lý giải: “Do chế độ ăn uống của bệnh nhân không hợp lý, ăn nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, chất béo và đường, lối sống tĩnh tại, áp lực stress… Số người trẻ tuổi mắc bệnh cũng tăng cao là do chế độ dinh dưỡng dư thừa dẫn đến béo phì, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao. Ngoài ra, một số người trẻ uống bia rượu quá nhiều gây tổn thương tụy làm tụy xơ hóa, không còn tiết được insulin tiêu hóa thức ăn dẫn đến đái tháo đường. Hay một số người có thói quen ăn nhiều khoai mì cũng là một yếu tố nguy cơ, bởi theo phát hiện mới của các Giáo sư ở Trường Đại học Y Huế trong khoai mì có một chất dẫn đến xơ hóa tụy là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường”.

Điều đáng nói, ở bệnh nhân tiểu đường, lượng insulin tiết ra không đủ nhu cầu tiêu thụ chuyển hóa về gluco. Vì vậy, nồng độ insulin trong máu bị thiếu hụt, thức ăn đưa vào không đủ tiêu hóa làm cho lượng đường tăng lên. Một số trường hợp do béo phì, mặc dù insulin tiết ra đủ nhưng các mô mỡ cản không cho insulin tác dụng nên làm cho bệnh nhân bị đái tháo đường.

Đặc biệt, trong số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có nhiều người thường kèm theo biến chứng ngay khi vừa mới phát hiện bệnh. Điều này xảy ra với bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2. Và theo thống kê, các bác sĩ thấy đối với tiểu dường tuýp 2 khi phát hiện thì đã khoảng 50% bệnh nhân có biến chứng ngay khi phát hiện.

* Cần xét nghiệm định kỳ để phát hiện bệnh

Chi phí điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường bị “đội” lên rất nhiều lần khi bệnh nhân đó có biến chứng tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp. Nếu bị tiểu đường nhưng lại bị thêm bệnh tim mạch thì nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên gấp 4 lần, nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tử vong cũng đồng thời tăng 4 - 6 lần. Do đó, các bác sĩ đã có khuyến cáo, nên có sự kết hợp giữa chế độ ăn uống hợp lý, dùng thuốc đều đặn thường xuyên có sự theo dõi giám sát của bác sĩ, có như thế mới hạn chế được những biến chứng do bệnh gây ra.

Khi bệnh nhân biến chứng loét bàn chân do điều trị không đúng sẽ dẫn đến các mạch máu ở bàn chân hẹp lại và khi máu không đưa đủ để nuôi dưỡng các tế bào ở bàn chân, làm hoại tử và cắt cụt có thể tàn phế, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đối với biến chứng loét bàn chân sớm thì việc điều trị tích cực bằng thuốc ở các cơ sở y tế chuyên khoa có thể tránh được hậu quả cưa chân. Nếu để bàn chân tím đen, đổi màu, tiết ra dịch bẩn thì không điều trị hết được. Nếu ở bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý sẽ dẫn đến biến chứng và cũng có khi bệnh nhân sợ quá mức các biến chứng nên kiêng khem tất cả không tốt vì làm cơ thể suy kiệt.

Đái tháo đường hiện được coi là một vấn đề sức khỏe toàn cầu và có thể khẳng định, đây là một đại dịch mà con người luôn phải đối phó. Điều này hoàn toàn đúng khi xem xét về cả phương diện số người đã, đang và sẽ bị bệnh cũng như biến chứng mà người bị bệnh có thể gặp. Không đơn giản là chỉ có người đã được xác nhận bị bệnh có thể chịu các biến chứng này, mà cả những người bị bệnh song chưa được phát hiện cũng chịu chung số phận này. Điều mà các thầy thuốc nghiên cứu bệnh đái tháo đường quan tâm là không phải chỉ có người có biểu hiện triệu chứng mới là người bị bệnh mà vấn đề chính là làm thế nào để phát hiện sớm bệnh và giáo dục cộng đồng ý thức phát hiện bệnh sớm mới hy vọng ngăn ngừa được biến chứng do bệnh gây ra.

Bác sĩ Cường phân tích, bệnh đái tháo đường diễn tiến thầm lặng, âm ỉ. Nhiều người vẫn còn quan niệm, chỉ đến khi cơ thể gầy sút, hoặc đi tiểu nhiều có ruồi, kiến đậu mới chẩn đoán đái tháo đường. Điều này rất sai lầm, bởi ngay khi còn sớm, tức là ở giai đoạn rối loạn đường huyết lúc đói, người ta đã có thể phát hiện  lượng đường cao hơn mức bình thường trong cơ thể nhưng chưa đến mức gây tiểu đường, đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh sau này. Do vậy, việc xét nghiệm máu định kỳ giúp phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất ít.

Bác sĩ Cường cũng cho biết thêm: “Tế bào tuyến tụy tiết ra insulin sẽ giảm dần theo thời gian. Bệnh nhân bị tiểu đường mất một số tế bào tuyến tụy, việc dùng thuốc và insulin kéo dài chỉ làm cho bệnh nhân ổn định đường huyết. Vì vậy, sau nhiều năm, bệnh nhân sẽ xảy ra biến chứng”.

Vùng đường huyết nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Theo Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), đối với đa số bệnh nhân tiểu đường, mức đường huyết an toàn là:

Trước bữa ăn: 90 - 130mg/dl (5,0 - 7,2mmol/l)

Sau bữa ăn 1 - 2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l)

Trước lúc đi ngủ: 110 - 150mg/dl (6,0 - 8,3mmol/l)

Tùy lứa tuổi, giai đoạn bệnh, mức độ các biến chứng... mà mức đường huyết an toàn của mỗi người bệnh có thể khác nhau nhưng không nhiều. Vì thế, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn về mức đường huyết an toàn mà bạn cần đạt.

 

Người bệnh tiểu đường cần làm gì?

Để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, mỗi người bệnh hãy nắm bắt cơ hội tự bảo vệ mình ngay từ khi mới được chẩn đoán tiểu đường.

- Tuân thủ một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý mà bác sĩ đề ra.

- Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Dùng thuốc điều trị tiểu đường (uống hoặc tiêm) đúng cách, đúng giờ hằng ngày.

- Kiểm tra đường huyết hằng ngày bằng máy đo đường huyết cá nhân.

- Kiểm tra kỹ bàn chân hằng ngày trước khi đi ngủ, phát hiện mọi bất thường như vết cắt, vết phỏng, chỗ bị đau, sưng, đỏ, hoặc móng chân bị đau...

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng hằng ngày.

- Bỏ ngay hút thuốc lá.

  • Phương Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sự sống diệu kỳ  (04/12/2009)
Thơ  (04/12/2009)
Triệt phá đường dây môi giới mại dâm liên tỉnh  (04/12/2009)
Giàu tiềm năng, nhiều thách thức  (04/12/2009)
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê  (04/12/2009)
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)
Đi lên nhờ… doanh nghiệp  (04/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/12/2009)
Môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm  (06/11/2009)
Chuyển giao tiến bộ KHKT cho phụ nữ nông thôn  (06/11/2009)
Nữ giáo viên xung kích ở một trường trung du  (06/11/2009)
Giải pháp nào cho công tác thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường?  (05/11/2009)
Còn nhiều trở ngại  (05/11/2009)
Nhà bếp của má tôi  (05/11/2009)