LÀNG TRẺ EM SOS QUY NHƠN:
Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh
17:52', 4/12/ 2009 (GMT+7)

Ngày 18.11.2009, UBND tỉnh cùng với Làng trẻ em SOS Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH, Làng trẻ em SOS Việt Nam và đại diện nhà tài trợ Công ty VORWERK, đã tổ chức lễ khởi công, động thổ xây dựng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn tại một khu đất thuộc phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Nơi đây sẽ đón nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) trong tỉnh.

 

Sơ đồ thiết kế Làng trẻ em SOS Quy Nhơn.

 

Theo điều tra khảo sát của các cơ quan chức năng và báo cáo của các địa phương, hiện toàn tỉnh có trên 52 nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 4.621 trẻ em mồ côi, trong số này có 1.871 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa. Nhiều em phải bỏ nhà đi lang thang lao động kiếm sống.

Trong các năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) nói chung, trẻ em có HCĐB nói riêng được ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan, các tổ chức xã hội từ thiện, tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Hàng năm ngân sách Nhà nước chi trợ cấp nuôi dưỡng cho 569 em với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Ngoài ra, còn có 169 em mồ côi được Đoàn Thanh niên các cấp nhận chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ lúc khó khăn; 16 em được các doanh nghiệp nhận đỡ đầu nuôi dưỡng cho đến lúc trưởng thành. Hầu hết các em được cấp thẻ BHYT, được miễn giảm học phí và đóng góp xây dựng trường; được cấp sách vở, đồ dùng học tập và có hàng ngàn em được nhận học bổng “Vượt khó học giỏi”.

Hàng năm, ngành LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tổ chức các đợt phẫu thuật trả lại nụ cười cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch; phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật vận động và cấp xe lăn, xe lắc cho hàng ngàn em với chi phí hơn 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, số lượng trẻ em có HCĐB, trẻ em mồ côi được chăm sóc nói trên vẫn còn khiêm tốn so với số lượng trẻ em có HCĐB, trẻ em mồ côi trong toàn tỉnh. Đời sống của các em hiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý cho UBND tỉnh Bình Định tiếp nhận Dự án “Phát triển Làng trẻ em SOS” do tổ chức SOS quốc tế viện trợ, ngày 23.4.2009, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định chấp thuận Dự án đầu tư Làng trẻ em SOS Quy Nhơn (Làng thứ 14 trong cả nước). Làng trẻ em SOS Quy Nhơn có tổng mức đầu tư trên 54 tỉ đồng, Dự án được chia làm hai giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn 1: xây dựng Làng với 14 nhà ở gia đình và các hạng mục cần thiết khác, để có đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng thường xuyên từ 120 đến 140 trẻ mồ côi. Trường mẫu giáo với 6 lớp nhận nuôi dạy thường xuyên từ 180 đến 200 cháu. Cả 2 công trình nói trên sẽ được xây dựng trên diện tích 28.000m2. Giai đoạn 2: Xây dựng Khu lưu xá thanh niên, xưởng nghề và một số hạng mục phụ trợ khác. Diện tích đất sử dụng cho giai đoạn 2 là 18.000m2.

Làng trẻ em SOS Quy Nhơn sau khi xây dựng xong và đi vào hoạt động sẽ góp phần cùng với các Trung tâm, các nhà từ thiện - xã hội trong tỉnh trong công tác BVCSTE mồ côi bị bỏ rơi, hạn chế trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ lao động sớm, trẻ vi phạm các tệ nạn xã hội. Giúp các em được nâng cao học vấn, học nghề, có việc làm ổn định cuộc sống khi trưởng thành. Trường mẫu giáo sẽ tạo cơ sở học tập cho các em sống ở Làng và các em ở các khu dân cư xung quanh Làng. Giúp các em xóa bỏ mặc cảm và tạo điều kiện cho các em hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng xã hội.

Dự án Làng trẻ em SOS Quy Nhơn tạo điều kiện cho tỉnh trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ có HCĐB. Đây là một Dự án có tính nhân đạo cao cả, tính nhân văn sâu sắc phù hợp với Công ước quốc tế Quyền trẻ em và Luật BVCS&GDTE.

Sự ra đời của “Làng SOS”

Cách đây 62 năm (1947), từ sáng kiến của một công dân mang quốc tịch Áo - ông Hermann Gmeiner - làng nhân đạo mang tên Hermann Gmeiner được thành lập. Đến nay, trên thế giới đã xuất hiện nhiều làng nhân đạo mang tên Làng SOS (viết tắt từ tổ chức SOS - Kinderdorf  International - một tổ chức nhân đạo quốc tế, thành viên tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hiệp Quốc - UNESCO).

Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc với những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Hermann Gmeiner  đang theo học ngành y ở Inssburek. Ông rất băn khoăn khi nhận thấy phần đông các trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng ở các trại từ thiện và các dạng trại khác đều không phát triển bình thường về mặt tâm thần, mặc dù các điều kiện vật chất dành cho các em thời bấy giờ cũng không đến nỗi thiếu thốn lắm. Phần lớn các em đều nhút nhát, dè dặt và dường như có ác cảm với mọi việc, mọi vật.

Phải tìm một người mẹ với những đức tính cần thiết; xây dựng cho mẹ một ngôi nhà, giao cho mẹ 8 hoặc 9 đứa trẻ vô thừa nhận với mọi lứa tuổi cả trai lẫn gái. Khai thác tiềm năng nhân bản của con người chính là yếu tố tiên quyết để hình thành phương thức hoạt động. Thế nhưng, lúc bấy giờ các tổ chức từ thiện trong và ngoài giáo hội đều chối từ cách làm này, vì họ cho rằng khó thực hiện và quá tốn kém. Những ngôi nhà có thể xây dựng được, nhưng tìm cho ra những bà mẹ có tấm lòng nhân ái, chịu hoạt động với chức năng như trên không phải là điều đơn giản. Gmeiner hiểu rằng: muốn thực hiện được mô hình này, bản thân mình phải dấn thân làm thực nghiệm. Ông bỏ ngang việc học y khoa, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè cùng sự ủng hộ của nhiều người trong xã hội. Hiệp hội từ thiện được thành lập sau đó. Ngôi nhà đầu tiên đã được dựng lên vào năm 1949 ở vùng đồi Tyrol thuộc thị trấn Imst. Tiếp theo nó là sự ra đời của 19 ngôi nhà khác trên khắp nước Áo, rồi 8 làng trẻ em nữa mọc lên ở Đức, 7 làng ở Pháp và sau đó lan rộng ra trên 20 quốc gia khác. Mỗi nhà có một bà mẹ và 8 hoặc 9 trẻ mồ côi được nuôi dạy, từ đó hình thành Làng SOS. Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và tài trợ cho các Làng như vậy.

  • La Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một kiểu tàn phá rừng tận gốc  (04/12/2009)
Đái tháo đường - ngày càng khó kiểm soát  (04/12/2009)
Sự sống diệu kỳ  (04/12/2009)
Thơ  (04/12/2009)
Triệt phá đường dây môi giới mại dâm liên tỉnh  (04/12/2009)
Giàu tiềm năng, nhiều thách thức  (04/12/2009)
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê  (04/12/2009)
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)
Đi lên nhờ… doanh nghiệp  (04/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/12/2009)
Môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm  (06/11/2009)
Chuyển giao tiến bộ KHKT cho phụ nữ nông thôn  (06/11/2009)
Nữ giáo viên xung kích ở một trường trung du  (06/11/2009)
Giải pháp nào cho công tác thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường?  (05/11/2009)