|
Bánh ít lá gai. Ảnh: T.N |
“Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”. Vâng, bánh ít lá gai là một trong những loại đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Bình Định. Không riêng gì Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn và các địa phương khác ở Bình Định, người dân Tây Sơn cũng có nghề truyền thống làm bánh ít lá gai...
Ở thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) hiện nay vẫn có nhiều gia đình duy trì được nghề làm bánh ít lá gai, tạo được nguồn thu nhập ổn định. Tại xóm Bàu Bà Lặn, cơ sở bánh ít của bà Sáu Dung là địa chỉ được nhiều người biết đến. Bà Sáu Dung cho biết, gia đình bà theo nghề làm bánh ít đã gần 15 năm nay. Hiện nay mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 2 -3 ngàn cái bánh ít, riêng dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) năm nào gia đình bà cũng làm và tiêu thụ khoảng 15 ngàn bánh ít.
Làm bánh ít lá gai không khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ như lặt lá gai, đem luộc, xả sạch, ép ráo nước, quết thật nhuyễn; trộn đều bột nếp với bột lá gai rồi đem hấp chín để tạo thành bột bánh ít; tiếp đến là chuẩn bị phần nhân bánh rồi tiến hành gói bánh. Theo bà Dung, vất vả nhất là khâu quết bột lá gai, nhưng nay có điện, công đoạn này được xay bằng máy nên nhanh và khỏe hơn trước rất nhiều.
Để có chiếc bánh ít vừa dẻo vừa thơm ngon thì nhân bánh là yếu tố rất quan trọng. Bà Dung cho biết: Muốn làm chiếc bánh ngon chủ yếu là bột gia vị, bột vani, gừng, xay chung trong lá gai, trong bột; còn nhân đậu làm dầu cam, nhân dừa làm vỏ quýt, làm lá gai phải kỹ để khi ra bột nó mới dẻo, dai và ngon. Ăn cái bánh chất lượng nó ngon nên bà con địa phương khi đi TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Kon Tum, Đắc Lắc… đều đến đây đặt bánh để đem đi. Riêng tui làm một ngày khoảng 2.000 cái. Con dâu tui làm trên 2.000 cái, còn những người khác nữa, nói chung trong xóm đây làm một ngày 6.000-7.000 cái bánh.
Từ khi về làm dâu nhà bà Sáu Dung, chị Trần Thị Hòa được truyền cho nghề làm bánh ít, tuy vất vả nhưng so với làm ruộng thì thu nhập từ nghề này ổn định hơn rất nhiều; hàng ngày tại lò bánh của chị Hòa luôn có 6-7 thợ đến làm bánh. Cứ khoảng sau 4 giờ chiều, các chị bán hết bánh lại tập trung làm bánh, sau đó nhận bánh về để sáng hôm sau đi bán sớm. Mỗi ngày chị Hòa làm và tiêu thụ trên 2.000 cái bánh ít, giá từ 500-700 đồng/cái (tùy theo kích cỡ), chị có lãi khoảng 60.000 đồng.
Chị Hòa tâm sự: “Em ở bên Kiên Mỹ, có chồng “dìa” đây, hồi kia ở “bển” làm nông chứ không có nghề này. Em đã làm nghề bánh ít 2 năm nay; ngày chẵn em làm 2 thiên, ngày lẻ em làm 1 thiên rưỡi. Hàng ngày có 6 chị em trong xóm tới phụ cắt lá, xếp lá, “dô” “nhưn” rồi gói, em ở nhà xào nhưn, ảnh thì làm bột, làm công kỷ dữ lắm, nhưng một ngày công cũng đạt được 50 – 60 ngàn đồng.
Hiện ở xóm Bàu Bà Lặn có khoảng 20 chị đi bán hàng rong ở các bến xe, thu nhập của các chị chủ yếu nhờ bán bánh ít cho khách đi đường. Chị Đoàn Thị Lan, ở khối 5, thị trấn Phú Phong - một trong số các chị làm nghề bán bánh ít - cho biết mỗi ngày chị bán được 700 cái bánh, có ngày bán khoảng 800 đến 1.000 cái bánh. Bình quân các chị có lãi trên 50.000 đồng/ngày/người. Khoảng 3-4 giờ chiều là các chị bán hết bánh và lại về nhà cùng các chủ lò làm bánh để chuẩn bị cho hôm sau. Chị Lan nói: Chị em tui bán bánh lưu động ở nhiều nơi; tui bán ở Quán Cây Ba (Nhơn Tân - An Nhơn), còn số chị em khác bán ở trên cầu 16, bến xe Tây Sơn và nhiều chị bán ở tận đèo Mang Giang (Gia Lai)… Hàng ngày tuy có nhiều người bán nhưng ai cũng bán hết bánh; một ngày bán được 600-700 cái thì lãi được 50.000 đồng”.
Tuy mức thu nhập chưa cao, nhưng vốn là những cư dân ở thị trấn, không “ruộng sâu, trâu nái” nên nhiều người làm nghề truyền thống này. Lượng bánh làm ra và tiêu thụ trong ngày là khá lớn, nên nghề làm bánh ít lá gai ở thị trấn Phú Phong quả là một nghề sống được. Đặc biệt, trong thời buổi nhiều loại bánh mứt được sản xuất với công nghệ cao tràn ngập thị trường, nhưng duy trì được nghề làm bánh ít lá gai này cũng là góp phần giữ gìn và giới thiệu bản sắc văn hóa của vùng quê Bình Định đến mọi miền đất nước.
|