An Nhơn - Đất trăm nghề
18:6', 4/12/ 2009 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, bên cạnh cơ chế chính sách thuận lợi, cùng với sự năng động, sáng tạo, bắt nhịp với thị trường, hoạt động lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nói chung, làng nghề nói riêng ở An Nhơn ngày càng khẳng định được chỗ đứng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

 

Nghề chằm nón lá ở Gò Găng (Nhơn Thành).  Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Phong phú và đa dạng

An Nhơn là một trong những huyện có số làng nghề được quy tụ nhiều nhất tỉnh, số làng nghề hoạt động hiệu quả hiện có khoảng 22 làng, chiếm gần 50% số làng nghề trên toàn tỉnh (trong đó số làng nghề đạt tiêu chí được tỉnh công nhận: 10, đã lập thủ tục đề nghị công nhận: 5). Theo dòng thời gian, trải qua bao thăng trầm, có nhiều làng nghề xuất hiện cách đây hàng trăm năm, được lưu truyền, kế tục và phát triển đến ngày hôm nay, như làng nghề đúc, rèn Tây Phương Danh (Đập Đá), làng nghề rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc), làng tiện gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp (Nhơn Hậu)… Hay mới đây, 3 làng nghề nông nghiệp chuyên canh trồng mai kiểng ở 3 thôn Háo Đức, Thuận Thái, Thanh Liêm (Nhơn An), được chính thức công nhận, góp phần kéo dài thêm danh sách làng nghề huyện.

Mặt khác, một số làng nghề khác như làng nghề chằm nón lá Gò Găng (Nhơn Thành), sản xuất bánh tráng Trường Cửu (Nhơn Lộc), sản xuất bún tươi Ngãi Chánh (Nhơn Hậu), đúc đồng Bằng Châu (Đập Đá), sản xuất gốm Vân Sơn (Nhơn Hậu)… đều tạo nên những điểm nhấn quan trọng trong hệ thống làng nghề của huyện bởi tính độc đáo gắn liền với những địa danh nổi tiếng. Một số cơ sở sản xuất thuộc vùng nghề của huyện tổ chức các hoạt động truyền nghề, dạy nghề, sản xuất và chế tạo ra các dòng sản phẩm mang tính truyền thống như cơ sở cẩn khảm xà cừ Hồng Hà (Nhơn Hưng), cơ sở đúc đồ đồng Kim Châu (thị trấn Bình Định), sản xuất bún Song Thằn (Nhơn Phúc), đan mây tre (Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh)… hoặc mô hình liên kết và du nhập nghề đan bẹ chuối của HTXNN thị trấn Bình Định đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong hoạt động ngành nghề TTCN của địa phương.

 

Làng gốm Vân Sơn (Nhơn Hậu).  Ảnh: Bá Phùng

 

Điều đáng ghi nhận là nội lực của các làng nghề từng bước đã được nâng lên rõ rệt thông qua việc đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng cách tân phù hợp nhưng không làm mất đi nét độc đáo bản sắc truyền thống của địa phương. Chẳng hạn như làng nghề rèn, đúc Tây Phương Danh (Đập Đá) có trên 200 lò rèn, với sự tham gia của 250 hộ gia đình, lực lượng nghệ nhân và lao động có tay nghề trực tiếp sản xuất trên 1.000 người; sản phẩm chủ yếu là công cụ sản xuất, vật dụng gia đình như: dao, kéo, cuốc, xẻng, lưỡi cày, rìu, búa, cưa, dụng cụ thơ mộc… Các loại sản phẩm này lúc đầu phải đối mặt với thử thách cạnh tranh hàng ngoại nhập nhưng nay nhờ tiếp tục cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm nên chẳng những đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn nhanh chóng thâm nhập thị trường các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Làng nghề tiện, chạm gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp (Nhơn Hậu) có 40 hộ gia đình với gồm 500 nghệ nhân tham gia. Đến nay cơ sở đã làm ra và cung cấp cho thị trường trên 50 loại sản phẩm theo các nhóm hàng lưu niệm, vật trang trí, đồ dùng gia đình như: gạt tàn thuốc lá, ống đựng tăm, bình cắm hoa, đồ thờ cúng, tượng phật, tranh treo tường… hiện đã xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản qua đường tiểu ngạch hoặc ủy thác. Ngoài ra, các loại mặt hàng đồ thờ cúng, sản phẩm trang trí nội thất… qua bàn tay khéo léo điêu luyện, đầy cảm xúc tinh tế của các nghệ nhân cơ sở khảm xà cừ Hồng Hà (Nhơn Hưng), sản phẩm mai kiểng Háo Đức, Thuận Thái, Thanh Liêm (Nhơn An), sản phẩm “đệ nhất tửu” rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc)… đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách thập phương dù chỉ một lần ghé lại, và đang ngày càng chiếm nhiều ưu thế trên thị trường hiện nay.

Có thể nói, hoạt động các làng nghề, vùng nghề ở An Nhơn trong những năm gần đây ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc tăng cao giá trị sản xuất TTCN của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực; các giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống địa phương được bảo tồn và không ngừng phát huy. Chỉ tính riêng năm 2008, giá trị sản xuất ngành TTCN toàn huyện đạt 350 tỉ đồng (tăng 3 lần so với năm 2000); 6 tháng đầu năm 2009 đạt 164 tỉ đồng (tăng 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2008). Các làng nghề đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 10.000 lao động nông thôn thông qua hình thức truyền nghề, dạy nghề, nhân cấy nghề từ cơ bản đến nâng cao và trực tiếp chế tạo ra sản phẩm.

 

Làm bún Song thằn ở Nhơn Phúc. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

* Để làng nghề phát triển hơn

Để các làng nghề có được những kết quả bước đầu khả quan như trên, các cấp, các ngành, hội đoàn thể của địa phương đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho người dân vùng nghề, làng nghề nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của địa phương. Đồng thời xúc tiến các chương trình đào tạo nghề, thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn kích thích sản xuất nhằm khôi phục và tạo thế phát triển các làng nghề truyền thống, nhất là những nơi có nguy cơ bị mai một. Tính đến nay, huyện đã chi ngân sách đầu tư gần 2,5 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn và ban hành nhiều chính sách tạo môi trường hoạt động thông thoáng, lành mạnh cho các làng nghề, làng nghề truyền thống. Để giải quyết vấn đề dạy nghề, trong năm 2009 Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tổ chức 6 lớp tập huấn nghề đan tre, trang trí đồ đồng, khảm xà cừ, đan mây, đan bẹ chuối cho 700 học viên tham gia với thời gian 3 tháng. Ngoài ra, để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương, Hội đã hỗ trợ mang các sản phẩm như rượu Bàu Đá (Nhơn Lộc), hàng cẩn khảm xà cừ (cơ sở Hồng Hà – Nhơn Hưng), bún Song Thằn (Nhơn Phúc), nước mắm Mười Thu (Đập Đá)… tham gia Hội chợ triển lãm mang chủ đề “Nông dân với hội nhập kinh tế thế giới” do TƯ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Đắk Lắk và Quảng Nam.

 

Làng mai Háo Đức. Ảnh: Trần Sự

 

Tuy nhiên nhìn chung, hoạt động các làng nghề ở An Nhơn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với lợi thế, tiềm năng của địa phương và chưa theo kịp với xu thế mới. Hầu hết cơ sở vật chất các làng nghề, vùng nghề chưa đảm bảo; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán chủ yếu gắn với hộ gia đình (vừa ở, vừa sản xuất); một số cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực nghề còn phát triển theo hướng tự phát. Công nghệ sản xuất và các tính năng kỹ thuật còn đơn giản, lạc hậu, thiếu công nghệ xử lý môi trường hoặc chưa có biện pháp cụ thể. Sản phẩm đơn điệu, thiếu tính cạnh tranh, thị trường hạn hẹp, số lao động có tay nghề cao còn ít…

Để các làng nghề ở An Nhơn ngày càng phát huy hiệu quả, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp và nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Có chính sách phát triển thị trường đầu vào gắn với thị trường đầu ra bằng các biện pháp cụ thể, như đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, cung cấp nguồn nguyên liệu, chuyển giao công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ vốn vay, mở rộng quy mô sản xuất gắn với công tác bảo vệ môi trường… Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chú trọng các hình thức hợp tác sản xuất, gia công đặt hàng… để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần quy hoạch, hình thành một số làng nghề đặc trưng gắn với phát triển du lịch nhằm hướng tới thu hút du khách, tạo thành mạng lưới cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

  • Trần Thiện Ngôn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm nghề truyền thống - sống được  (04/12/2009)
Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh  (04/12/2009)
Một kiểu tàn phá rừng tận gốc  (04/12/2009)
Đái tháo đường - ngày càng khó kiểm soát  (04/12/2009)
Sự sống diệu kỳ  (04/12/2009)
Thơ  (04/12/2009)
Triệt phá đường dây môi giới mại dâm liên tỉnh  (04/12/2009)
Giàu tiềm năng, nhiều thách thức  (04/12/2009)
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê  (04/12/2009)
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)
Đi lên nhờ… doanh nghiệp  (04/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (04/12/2009)
Môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm  (06/11/2009)
Chuyển giao tiến bộ KHKT cho phụ nữ nông thôn  (06/11/2009)