Suốt trong tháng 11, loại tin tức chiếm thời lượng và số lượng nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong tỉnh là tin cứu trợ đồng bào Bình Định bị thiệt hại do bão lũ số 11. Trong hoạn nạn, mới thấy hai tiếng “nghĩa đồng bào” thiêng liêng làm sao.
1. 3.11, ngày lũ đầu tiên. Sau một ngày quần thảo, bão số 11 tan. Nhưng mưa lũ lại về. Nhiều vùng của Vân Canh, Tuy Phước, Quy Nhơn chìm trong biển nước. Cơn lũ lịch sử 40 năm mới có một lần. Tất cả đều bất ngờ, bị động.
Song song với nỗ lực cứu hộ cứu nạn những người bị mắc kẹt trong vùng lũ, công tác cứu trợ khẩn cấp bằng lương thực và nước uống cho những người sống trong vùng bị lũ cô lập cũng được khẩn trương tiến hành. Nước ngập cao và chảy xiết, không còn cách nào khác ngoài việc dùng máy bay trực thăng thả hàng cứu trợ. Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không Không quân và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, những chuyến bay xuất phát từ Phù Cát và Quy Nhơn liên tục cất - hạ cánh để chuyển mì tôm và nước uống đến với nạn nhân bão lụt ở thị trấn Tuy Phước, Canh Vinh (Vân Canh), phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Nhơn Phú (Quy Nhơn). Tất cả đều làm việc với một không khí khẩn trương, bởi họ biết, nhiều người đang rất đói.
|
Bộ đội chuyển hàng cứu trợ người dân vùng lũ. Ảnh: N.S
|
2. Những ngày sau lũ. Đói. Lạnh. Đó là cảm giác đầu tiên đến với những người nếm trải cơn lũ. Nhà cửa, quần áo, vật dụng gia đình đã ướt hoặc bị lũ cuốn trôi hết cả. Nhiều người chỉ kịp chạy tháo thân, nói gì đến gạo, đến củi. Nhưng cũng chính trong hoạn nạn, người ta mới thấy tình làng nghĩa xóm, sự tương thân tương ái, nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” thể hiện rõ thế nào. CLB Tình nguyện viên Chữ thập đỏ Tuy Phước đã huy động các thành viên nấu và phát miễn phí hàng trăm suất cơm cho bà con vùng lũ. Cơm chuyển đi không có hộp, chỉ cho vào túi nilon, vậy mà làm ấm bụng và no lòng biết bao người. Một bà mẹ sống ở trung tâm thành phố đã nấu một nồi cơm to đùng cùng thức ăn, chuyển cho con trai ở phường Nhơn Phú đang bị mắc kẹt trong nhà vì nước lụt. Nồi cơm to ấy, là để cho con trai bà và cả 60 người khác là hàng xóm đến trú nhờ nhà con bà cùng ăn. Bà Nguyễn Thị Thu Sương (thôn An Long 1, xã Canh Vinh, Vân Canh) hôm đi nhận hàng cứu trợ của Báo Hà Nội Mới, ngồi kể rằng cả ngày 4.11, ngày nước lũ vừa rút, bà và nhiều người hàng xóm toàn đi ăn cơm nhờ. Bà cũng không nhớ rõ là cơm của ai nấu, chỉ biết là “Nẫu thấy dân tụi tui bị lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, đồ đạc đói khổ nên nấu cơm cho ăn”. Chỉ đơn giản là vậy. Và còn biết bao tấm lòng “đơn giản” nhưng đầy nghĩa tình như thế. Ngồi cạnh, trong lúc chờ nhận hàng cứu trợ, một người hàng xóm của bà Sương cũng góp chuyện: “Mấy bữa nay mà không có hàng cứu trợ là tụi tui bị đói rồi”.
|
Hội Chữ thập đỏ tỉnh chuyển hàng cứu trợ nhân dân vùng bị lũ lụt. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
3. Nhiều ngày sau bão lũ... Đúng là nếu không có hàng cứu trợ đến kịp thời, nhiều người chắc chắn đã phải chịu đói. Thóc gạo trôi theo nước lũ, nếu còn thì cũng đã ngấm nước, lên mộng. Nguồn nước cũng bị nhiễm bẩn. Những chuyến hàng cứu trợ chở chủ yếu là mì tôm và gạo, nước uống, thuốc khử trùng liên tục xuôi ngược trên những con đường dẫn đến các vùng từng bị lũ cô lập.
Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho tỉnh, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân... trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đã nhập cuộc, một “cuộc cứu trợ” quy mô chưa từng có để giúp nạn nhân bão lũ.
Sau lũ, có những cô giáo phải mượn quần áo của đồng nghiệp để đến trường. Sau lũ, có những em học sinh đến trường với hai bàn tay trắng vì không còn sách vở. Sau lũ, có những gia đình mất sạch chẳng còn gì... Nên cùng với nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ còn là quần áo, sách vở, chăn màn, đồ dùng nhà bếp, tiền... Tất cả là để chia sẻ với những khó khăn mà người dân nơi đây gặp phải, dẫu có những mất mát chẳng thể nào sẻ chia hết được... Nhưng vậy cũng là ấm lòng lắm rồi, cả người cho và người nhận.
Hôm chuyển số tiền cứu trợ tổng cộng 456,8 triệu đồng của doanh nghiệp mình cho UBND tỉnh để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ số 11, bà Dương Thị Ngọc Dung - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP may Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đây là số tiền mà doanh nghiệp huy động đóng góp từ tất cả các CB-CNV, công nhân công ty. Trước đó, để giúp đồng bào Bình Định bị thiệt hại do bão số 9, Tổng công ty cũng đã huy động một lần rồi.
|
Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang tổ chức đợt khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân vùng lũ huyện miền núi Vân Canh. Ảnh: Thu Hiền
|
4. Có rất nhiều những tấm lòng như thế. Hàng trăm chuyến hàng cứu trợ với tổng trị giá cả trăm tỉ đồng đã đến với người dân bão lụt Bình Định trong những ngày qua. Trung ương giúp tỉnh. Tỉnh giúp tỉnh- như là hàng xóm vẫn giúp nhau khi tối lửa tắt đèn. Ngành giúp ngành, hội giúp hội, các tổ chức tôn giáo giúp con chiên, tín đồ của mình… Doanh nghiệp, cơ quan, trường học…, tất cả đều vào cuộc. Người không đủ điều kiện thì gởi quà qua các tổ chức tình nguyện, Hội CTĐ, qua địa phương, nơi có điều kiện thì trực tiếp đến tận nhà người dân để trao quà, chia sẻ. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhín một chút, gom góp một chút, để giúp người dân bão lụt. Chẳng ai nỡ lòng nhìn đồng bào mình bất an trong cơn hoạn nạn.
Hạt muối chia đôi, hạt đường sẻ nửa. Từ ngàn đời nay, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam vẫn được duy trì như thế.
|