Cơn lũ kinh hoàng xảy ra trong đêm 2.11, rạng sáng ngày 3.11 đã cuốn trôi nhiều tài sản và cả con người. Thế nhưng, đằng sau sự mất mát đó còn có những câu chuyện thắm đượm tình người trong lũ.
|
Anh Nguyễn Đình Hòa chống sõng đưa người dân ra khỏi vùng lũ. Ảnh: Văn Lưu
|
Đó là câu chuyện dũng cảm cứu người đầy cảm động của anh Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi, ở tổ 3, khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. 3 giờ sáng ngày 3.11, anh Hải cùng hai anh em Bùi Khương Vương Võ (23 tuổi) và Bùi Khương Vương Văn (15 tuổi) lùa bò lên quốc lộ tránh lũ. Hai anh em Võ, Văn vừa qua đoạn bờ tràn nước chảy xiết thì bị cuốn trôi. Anh Hải bất chấp dòng nước lũ chảy xiết, lao nhanh ra cứu được Văn vào bờ, rồi lao ra lần nữa để cứu Võ. Dù anh đã nắm được tay Võ nhưng sức nước quá mạnh đã cuốn cả hai, may anh Hải bám được vào trụ điện, còn Võ thì bị chìm sâu trong nước lũ. Chị Trương Thị Hiền, chị con bác với hai anh em Văn– Võ, xúc động nói: “Nếu không có anh Hải, chắc cả hai anh em Văn - Võ đều không còn. Gia đình tôi biết ơn anh Hải nhiều lắm!”.
Và, dù còn chưa hết bàng hoàng sau pha dũng cảm cứu người, cả ngày hôm đó, anh Hải cùng nhiều thanh niên trong xóm chia nhau đi tìm xác của Võ. Khi nước còn ngập gần tới cổ, hơn chục người dân khu vực Phú Hòa cùng nắm tay nhau lội nước trong giá lạnh, đi chầm chậm, rà từng mét nước, nhưng vẫn không thấy xác người. Cách làm này cũng được dùng để tìm xác hai anh em nạn nhân Bùi Văn Chánh, 46 tuổi và Bùi Văn Thu, 42 tuổi ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. 12 giờ trưa ngày 3.11, hai anh em ông Chánh bơi sõng đi kiểm tra thiệt hại tại nhà người bà con. Hai anh em bơi sõng men theo đường bê tông, nhưng gió mạnh đã đẩy sõng cách đường gần 5 mét. Giữa những đợt sóng dữ, chiếc sõng chênh chao, rồi lật úp. Cả hai anh em đều bị mất tích. Người dân sống gần đấy huy động gần chục chiếc sõng bơi quanh cánh đồng, dùng móc sắt sục vào từng bụi cây nhưng chẳng tìm được gì. Khi nước rút đi một ít, các thanh niên đến từ Phước An, Tuy Phước- quê vợ của anh Thu- cùng thanh niên địa phương dầm mình dưới nước để tìm xác người. Dẫu họ không thể tìm được, nhưng ít ra ngay tại thời điểm ấy, sự xuất hiện của họ dưới dòng nước cũng mang lại chút an ủi cho người nhà nạn nhân…
|
Ngóng trông người thân bị lũ cuốn mất tích (ảnh chụp trưa 4.11). Ảnh: Văn Trang
|
Lũ đổ về bất ngờ giữa đêm, nhiều khu dân cư bị cô lập, không có lương thực dự trữ, cái đói đe dọa từng giờ. Các lực lượng cứu trợ đã dùng ca nô, trực thăng đưa lương thực cứu đói, nhưng số hàng cứu trợ ít ỏi đó chỉ đủ giúp người dân cầm cự từng ngày. Vậy mà, có nhiều gia đình nhận được quà chỉ dám ăn cầm lòng, số còn lại chia sẻ cho những gia đình khác chẳng may không nhận được quà. Sáng ngày 3.11, thấy hàng xóm đang đói không có gì ăn, chị Lê Thị Hồng Xuân, 42 tuổi, ở tổ 5, khu vực 1, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn chia đều thùng mì tôm vừa nhận được từ ca nô cứu trợ. Còn vợ chồng cụ Huỳnh Cân (77 tuổi) và Đặng Thị Cúc (69 tuổi), ở khu vực 7, phường Nhơn Bình, nhận được suất quà từ trên máy bay thả xuống có 10 gói mì tôm và 2 chai nước. Vậy mà, thấy nhà bên cạnh không nhận được gì, hai cụ chỉ giữ lại một nửa, nửa quà còn lại chia cho hàng xóm.
Chỉ ai từng trải qua những ngày gian khổ trong cơn lũ, mới hiểu hết câu “Một miếng khi đói…”, mới thấy trân trọng những nghĩa cử của đồng bào. Cả ngày 3.11, chị Trần Thị Hạnh, chủ quán cơm chay Thái Sơn, trên đường Tây Sơn, TP Quy Nhơn đã nấu không biết bao nhiêu lần cơm, chế hàng trăm gói mì miễn phí cho những người vừa thoát ra khỏi vùng lũ. Dù quán chật hẹp, chị vẫn nhận 4 gia đình có nhà bị ngập lũ cho ở tạm. Chị Hạnh tâm sự: “Mình là phụ nữ, không thể bơi ra nước lũ để cứu dân, chỉ làm việc nhỏ nhoi như vậy để giúp mọi người, có đáng gì đâu”.
|
Anh Nguyễn Minh Tâm (cầm chèo) và anh Nguyễn Văn Trọng đưa hai cụ già ra khỏi vùng lũ. Ảnh: Văn Lưu
|
Không chỉ nấu cơm, chế biến mì gói đưa ra tận nơi cứu trợ cho những người chạy lũ và tham gia cứu dân, nhiều hộ dân nằm dọc các quốc lộ cũng tích cực tham gia cứu dân, người thì bơm ruột xe thả xuống, người thì chạy đi mua áo phao, người thì nhận những hộ nhà bị ngập vào nhà mình ở… Và, cảm động hơn hết là những tấm gương dũng cảm, không quản ngại khó khăn nguy hiểm, đưa người sơ tán khỏi vùng lũ. Như các anh Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Văn Anh, Nguyễn Đình Hòa, cùng ở tổ 8, khu vực 8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, hay nhiều người dân khác trong lũ đã tổ chức cứu dân khi lực lượng cứu hộ chưa đến kịp. “Khi nước lũ vừa đổ về, tôi lo đưa gia đình đến nơi khô ráo từ khá sớm, sau đó tôi quay lại giúp đỡ hàng xóm chạy lũ. Từ 3 giờ sáng đến hết ngày 3.11, tôi chèo ghe không biết bao nhiêu vòng để đưa hàng chục người đến nơi an toàn, vì ghe nhỏ nên mỗi lần chỉ chở được 2 người. Không riêng gì tôi, ở đây nhiều người không quen biết nhau nhưng vẫn sẵn sàng cứu giúp nhau trong hoạn nạn”- anh Nguyễn Đình Hòa kể lại.
Còn anh Đoàn Văn Anh, 33 tuổi, nhà trên đường Tây Sơn, nước lũ không uy hiếp nhưng chứng kiến cảnh bà con nơi mình từng sinh sống vật lộn với dòng nước chảy xiết, anh nhanh chóng lấy chiếc sõng của gia đình đã không còn sử dụng mấy năm nay, thả xuống, chèo vào từng xóm nhà để đưa người dân đến nơi an toàn. Cả ngày 3.11, anh đã cứu được hàng chục người dân ra khỏi nơi lũ dữ. Những ngày sau đó anh còn chèo sõng đi dạo quanh cả xóm để canh tài sản còn sót lại cho người dân. Anh tâm sự: “Trước đây nhà tôi cũng nằm ở vùng thường xuyên bị ngập lũ, cũng nhờ bà con chòm xóm giúp đỡ lúc hoạn nạn. Mấy năm nay gia đình có điều kiện nên chuyển lên mặt đường Tây Sơn sinh sống, giờ mọi người gặp nạn mình giúp lại thôi mà”.
|