NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20.11)
Nhớ về một người thầy
18:37', 4/12/ 2009 (GMT+7)

Đã bao mùa phượng vĩ qua đi giờ tôi mới có dịp ghé thăm lại mái trường, nơi mà ngày xưa chúng tôi thường đùa với nhau là “địa ngục trần gian”. Nhưng nhờ có cái gọi là “địa ngục trần gian” này mà chúng tôi mới hiểu được đạo làm người, mới được trưởng thành và có nghề nghiệp mưu sinh. Và, cũng nơi đây đã in hằn bao kỷ niệm về một người thầy có lẽ suốt đời chúng tôi không bao giờ quên.

 

Hết lòng vì học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hoàng Vân

 

“Bố” - chúng tôi thường âu yếm gọi thầy bằng cái tên đáng yêu đó. Cũng chẳng biết tự bao giờ thầy đã trở nên gần gũi, đáng kính như một người cha của tập thể 12A2.

Mặc dù sắp bước sang tuổi ngoại tứ tuần nhưng Bố vẫn thật trẻ trung. Bố dạy chúng tôi từ hồi lớp 10, lúc chập chững bước vào trường. Bố dạy cái môn mà nhiều học sinh oán thán: môn Lý.

Hồi đó, 10A2 là một tập thể lộn xộn, nhốn nháo nhất trường, Bố vào lớp dạy mà giờ nào cũng kêu lớp ồn ào mất trật tự. Tiết dạy của Bố trong sổ đầu bài của lớp hiếm thấy chấm loại A. Không nói ra hẳn ai cũng biết Bố đã cảm thấy chán nản khi bước vào 10A2 như thế nào. Một tập thể lớp ít kỷ luật như vậy ai còn có hứng thú giảng bài? Nhưng không hiểu sao nhà trường lại cứ xếp Bố dạy lớp tôi. Không những thế, còn phải dạy lớp 11A2 lại kiêm luôn công tác chủ nhiệm quản giáo 52 “tiểu yêu”. Lũ ma quỉ 11A2 vỗ tay rầm trời vì nghĩ Bố sẽ hiền lắm, tha hồ quậy phá tưng bừng, nhưng bọn tôi đã nhầm.

Lần này Bố thực sự trở thành một người cha nghiêm khắc quản lý chặt chẽ đám con tưởng chừng bất trị. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bố đã làm quen và tập cho lớp một tác phong kỷ luật bằng cách chấn chỉnh bộ máy của lớp, thay đổi chỗ ngồi. Dường như cũng đã có những biến đổi khiến 11A2 trở nên có nề nếp hơn. Bố từng nói lớp tôi là lớp có cá tính nhưng sự phát triển cá tính đó lại thuộc về cá nhân nhiều hơn. Mỗi đứa con của tập thể 11A2 có một thiên hướng phát triển riêng song luôn luôn muốn phá vỡ cái vỏ bọc 11A2 để khẳng định mình. Với bao kinh nghiệm cùng sự từng trải vậy mà nhiều lúc Bố đã cảm thấy bất lực trước 52 đứa con khó dạy của mình. Đã bao lần Bố nhắc nhở, giảng giải, khuyên răn những mong những đứa con của mình tiến bộ… Ai trong chúng tôi cũng nhận ra tóc Bố ngày càng bạc nhiều hơn, những nếp nhăn trên trán Bố cũng mỗi lúc một nhiều thêm. Phải chăng đó là kết quả của những lần thức khuya Bố tỉ mẩn làm từng lá thăm, sắp xếp từng chỗ ngồi hợp lý cho 52 đứa con. Cũng chẳng phải không có lý do khi Bố xin ảnh thẻ của từng đứa một. Thật là vô lý khi là Bố mà lại không nhớ mặt, không nhớ tên của con mình. Tất cả việc làm của Bố, chúng tôi đều biết và có thể hiểu phần nào. Mỗi một sự siết chặt kỷ luật của Bố, chúng tôi thường kêu ca, phàn nàn, thậm chí nói với nhau rằng Bố rách việc. Chúng tôi chẳng ai chịu hiểu, chẳng ai thông cảm cho Bố khi mỗi ngày đầu tuần Bố vẫn cứ phải nghe nhà trường phàn nàn về 12A2, phải nghe các thầy cô giáo trách mắng 12A2. Những lúc như thế Bố chẳng nói gì, chỉ ngồi trầm ngâm hút thuốc. Chẳng ai có thể biết bố đang nghĩ gì, chỉ khi thấy Bố mắng là chúng tôi lại ngồi im lặng, ngoan ngoãn lắng nghe…

Đã có bao ngày đầu tuần trong lòng Bố tràn ngập sự thất vọng. Lại có bao ngày đầu tuần đôi mắt Bố ánh lên niềm khắc khoải, mong đợi sự đổi thay.

Có lần trong giờ giảng bài, Bố chợt lặng người đi, bàn tay viết phấn run run. Sự đổi thay này của Bố đã lọt vào ánh mắt của biết bao đứa con. Chúng nhìn Bố xót thương, càng cảm thấy mình có lỗi song lại cũng chỉ biết kính yêu Bố nhiều hơn. Chúng tôi biết Bố không bao giờ bỏ chúng tôi, Bố vẫn nhiệt tình, vẫn chăm lo, yêu thương chúng tôi như con đẻ.

Vào đầu năm mới, Bố cũng mừng tuổi cả lớp để ăn no chóng lớn, học giỏi hơn. Bố là như vậy đó, nhìn thấy các con vui sướng là Bố hạnh phúc. Bố lúc nào cũng yêu thương, cũng dành tình cảm tha thiết nhất cho chúng tôi. Mặc dù chưa hề nói ra nhưng 52 người con của 12A2 từ lúc nào cũng đã kính yêu và tôn trọng Bố. Chúng tôi biết rằng đã có lúc làm Bố buồn lòng, đã có lúc suy nghĩ thật nông nổi vô tâm nhưng sâu thẳm trong trái tim mỗi người chúng tôi hình ảnh của Bố thật gần gũi thân thương, hình ảnh của một người cha hiền lành luôn tận tâm vì những đứa con của mình. Chúng tôi muốn nói với tất cả mọi người rằng “Chúng tôi yêu Bố mãi mãi”.

  • Ngô Thị Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tình người trong lũ  (04/12/2009)
Rách lành đùm bọc  (04/12/2009)
Cày đồng  (04/12/2009)
An Nhơn - Đất trăm nghề  (04/12/2009)
Làm nghề truyền thống - sống được  (04/12/2009)
Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh  (04/12/2009)
Một kiểu tàn phá rừng tận gốc  (04/12/2009)
Đái tháo đường - ngày càng khó kiểm soát  (04/12/2009)
Sự sống diệu kỳ  (04/12/2009)
Thơ  (04/12/2009)
Triệt phá đường dây môi giới mại dâm liên tỉnh  (04/12/2009)
Giàu tiềm năng, nhiều thách thức  (04/12/2009)
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê  (04/12/2009)
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)
Karaoke online - sân chơi âm nhạc mới  (04/12/2009)