NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20.11)
Sau tiếng “Cha” là tiếng “Thầy”
18:47', 4/12/ 2009 (GMT+7)

“... Bao giờ con cũng phải đọc tiếng “Thầy” một cách trân trọng vì sau tiếng “Cha” thì tiếng “Thầy” là tiếng cao quý hơn cả, đẹp đẽ hơn cả mà một người có thể đem tặng người khác”.

(Tâm hồn cao thượng - Edmond De Amicis)

 

Mang chức trách truyền thụ kiến thức cho học sinh, các thầy cô giáo luôn mong muốn được hết lòng với nghề. Ảnh: N.Q

 

Nhiều năm qua, biết bao người đã viết văn, làm thơ về thầy, những bài viết bằng ngôn ngữ nghệ thuật và những bài viết bằng ngôn ngữ đời thường. Có những bài được in ấn, nhưng cũng có những bài được viết bằng ngôn ngữ của suy tư và im lặng. Rất nhiều người đến với thầy bằng một tấm lòng, họ ca ngợi thầy và rất chân thực, họ than phiền về thái độ của những người học trò sớm vội quên thầy. Thật ra thầy không bao giờ đòi hỏi ai phải nhớ ơn thầy và cũng chưa bao giờ oán trách ai đã thờ ơ với thầy. Ngày ngày, thầy vẫn hiện hữu ở sân trường đầy bóng mát - nơi có những cây cổ thụ và những cây trồng mới, nơi có những bông hoa bằng lăng mỗi năm vẫn nở đúng kỳ, một màu tím trang nhã dịu dàng mà bâng khuâng. Niềm vui của thầy là được đứng trên bục giảng, trước bảng đen - đứng ở vị trí của mình và đối thoại với các thế hệ học trò mới lớn, đang lớn, đã lớn. Và nỗi buồn của thầy đã thuộc về một thế giới khác, thế giới riêng, thế giới khép kín. Cũng đừng nghĩ rằng nghề nghiệp của thầy bao giờ cũng suôn sẻ. Người chèo lái con thuyền đưa học trò qua khúc sông trí tuệ có khi cũng phải đối phó với gió to sóng cả. Cũng may là thầy chưa lần nào phải đối mặt với “Bầy thú trước bảng đen” (Blackboard jungle - tên của một bộ phim Mỹ), nhưng một vài hiện tượng cá biệt cũng đủ khiến cho thầy phiền lòng.

Thầy không muốn ai ca ngợi cũng như thầy không muốn ai thương cảm. Nhưng trách nhiệm của các bậc cha mẹ, của xã hội là phải hướng về thầy, người thầy của con mình với một CÁI NHÌN ĐÚNG để con em mình không có cái nhìn sai lệch về vai trò, vị trí của thầy trong xã hội. Vì lẽ đó, tôi muốn mở ra những ngõ ngách tâm hồn của một người cha qua “Lòng biết ơn” của Edmond De Amicis.

Nhiều năm trước cũng như bây giờ, khi đọc “Lòng biết ơn” của Edmond De Amicis, tâm hồn tôi vẫn còn nguyên cảm xúc: Người cha Edmond De Amicis không nói điều gì mới lạ, chỉ là những lời giáo huấn nhắc nhở đứa con nhỏ của mình: “Phải kính yêu thầy giáo của con”, nhưng sao lòng tôi, lòng chúng ta bồi hồi cảm xúc.

Tiếng nói của Edmond De Amicis, tiếng nói của người cha là tiếng nói của tình cảm và cũng là tiếng nói của lý trí. Tiếng nói ấy đi vào tâm trí của chúng ta dịu ngọt, chân tình, khiến chúng ta - những đứa con của ngày ấy và bây giờ, những học trò thuở ấy và hôm nay - cảm nhận sâu sắc.

Người cha đã nhắc nhở con, đã nói hết những gì sâu kín nhất của lòng mình cho con hiểu:

Hãy yêu thầy:

“Vì cha yêu thầy và trọng thầy

Vì thầy đã hy sinh đời thầy cho biết bao đứa trẻ sẽ quên thầy.

Vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hóa tâm hồn cho con”.

Và nếu con vô ơn với thầy thì:

“Cha chẳng được hài lòng”

“Vì sau tiếng “Cha” thì tiếng “Thầy” là tiếng cao quý hơn cả, là tiếng đẹp đẽ hơn cả mà một người có thể đem tặng người khác”.

Hiện nay, trong cuộc sống của chúng ta, do cơ chế thị trường, do sự chi phối của hoàn cảnh khách quan, vai trò của người thầy, hình ảnh của thầy có khi mất đi phần nào vẻ đẹp vốn có. Nhưng tôi tin truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn tồn tại mãi như một quy luật khách quan. Tôi tin tuổi mới lớn hôm nay vẫn còn nguyên vẹn tính hồn nhiên trong sáng, thuần khiết và chắc chắn những người con hôm nay sẽ xúc động - một niềm xúc động thánh thiện- khi nghe những lời giãi bày tâm tư của người cha mà Edmond De Amicis đã thay lời nói hộ. Tôi tin tuổi học trò hôm nay sẽ đồng cảm với Edmond De Amicis, không những bằng lý trí mà còn bằng chính trái tim mình.

  • Nguyễn - Hoàng - Ngọc - Tuấn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ về một người thầy  (04/12/2009)
Tình người trong lũ  (04/12/2009)
Rách lành đùm bọc  (04/12/2009)
Cày đồng  (04/12/2009)
An Nhơn - Đất trăm nghề  (04/12/2009)
Làm nghề truyền thống - sống được  (04/12/2009)
Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh  (04/12/2009)
Một kiểu tàn phá rừng tận gốc  (04/12/2009)
Đái tháo đường - ngày càng khó kiểm soát  (04/12/2009)
Sự sống diệu kỳ  (04/12/2009)
Thơ  (04/12/2009)
Triệt phá đường dây môi giới mại dâm liên tỉnh  (04/12/2009)
Giàu tiềm năng, nhiều thách thức  (04/12/2009)
Nghiên cứu âm nhạc Tuồng là niềm đam mê  (04/12/2009)
Thăm thư viện tư nhân duy nhất của tỉnh  (04/12/2009)