ĐỂ NGẪM NGHĨ
Của báu
Sách chép rằng: nước Tống có người được viên ngọc, đem biếu viên quan coi thành Tử Hãn, Tử Hãn không nhận. Người biếu ngọc thưa:
- Ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem, quả là thứ ngọc rất báu, mới dám đem dâng quan lớn, xin quan lớn nhận cho tôi được vui lòng.
Tử Hãn nói:
- Người cho ngọc là của báu, ta cho tính thanh liêm là của báu. Người đem ngọc cho ta, nếu ta nhận, thì hai bên cùng mất của báu. Âu là người cứ đem về. Ai giữ lấy của báu của người ấy, thì của báu của hai người đều còn cả.
Người biếu ngọc cúi đầu thưa:
- Chúng tôi là thường dân mà có ngọc này, chỉ sợ bị trộm cướp mà có khi hại đến thân.
Tử Hãn thấy thế, lưu người ấy lại, gọi thợ ngọc đến dũa ngọc, bán được nhiều tiền rồi bèn đưa cho người ấy để làm giàu.
Nỗi lo mừng cưới
Mừng cưới sợ nhất cái gì?
Xin thưa sợ nhất phong bì kèm theo
Khổ thay lương công nhân nghèo
Ba đồng ba cọc chống chèo nuôi thân
Cứ vào mỗi độ gần xuân
Thiệp hồng mỗi tháng mấy lần trao tay
Thời buổi kinh tế hiện nay
Ít ra cũng mất mười ngày tiền lương
Mặt vui mà dạ lại buồn
Một lần dự tiệc treo xoong mấy ngày
Nỗi lo ai biết ai hay
Công nhân bọn tớ mùa này... phát đau.
Chuyện cổ tân trang
Còn khéo hơn
Mặc Tử hí hoáy làm một cái diều bằng gỗ, ba năm mới đóng xong. Lúc đem thả, diều gặp gió phóng thẳng lên chín tầng mây, bay lượn thỏa sức như chim đại bàng.
Học trò nghểnh cổ đứng xem bên dưới, sướng quá vỗ tay reo ầm lên:
- Thầy làm diều bằng gỗ mà bay được, thật là khéo!
Khen chưa dứt lời thì đã thấy diều lộn nhào mấy vòng, rã thành từng mảnh rơi lả tả xuống đất.
Mặc Tử ngao ngán nói:
- Ta làm cái diều mất toi ba năm, thả cho bay chưa được một khắc đã đi đứt, cho là khéo thế nào được? Sao bằng người ta đóng chiếc xe chở hàng, vừa tốn ít gỗ, vừa đỡ mất công, chở được nặng, đi được xa, dùng đến mấy năm chưa cần đại tu. Thế mới thực sự là khéo!
Vừa hay Huệ Tử đi ngang qua, nghe thấy vậy bèn vuốt râu cười khà:
- Xem ra lũ đệ tử của thầy Mặc Tử chỉ giỏi nịnh. Đóng chiếc xe đâu đã gọi là khéo?
Mặc Tử tự ái hỏi vặn:
- Thế nhà thầy bảo làm cái gì mới khéo?
- Đóng ghế!
- Ghế bất quá chỉ là thứ để người ta... đặt mông lên cho đỡ mỏi chân, với lại khỏi bẩn quần. Không có ghế, thì dùng tạm gốc cây, tảng đá cũng xong. Khéo ở chỗ nào?
Huệ Tử vẫn tủm tỉm cười nụ:
- Khéo ở chỗ từ một vật dụng tầm thường như ông nói, ghế đã trở thành mục đích sống, niềm đam mê ngây ngất của khối kẻ trong thiên hạ. Chưa được ghế thì họ mất ăn mất ngủ. Được ghế rồi thì sét đánh bên tai cũng không buông ra nữa. Mất diều, mất xe chưa chết ai, chứ “mất ghế” thì coi như... mất tất cả. Sáng chế ra được một vật có ma lực sai khiến, quyến rũ người ta ghê gớm như thế, ông bảo không khéo sao?
Mặc Tử đứng đờ người ra một lát, rồi lẳng lặng cùng học trò thu dây diều đem về nhà.
Thế mới quý!
- Cậu biết không? Câu lạc bộ xe cổ thành phố mình vừa sưu tầm được chiếc Vespa từ thế kỷ trước, cách nay gần 60 năm, vẫn chạy tốt. Quý thật!
- Nhằm nhò gì! Năm ngoái, chú của tớ đã sưu tầm được chiếc Vespa có từ thời... Khang Hy kìa. Quý lắm!
- Bốc phét! Thời đó làm gì đã có xe Vespa.
- Ờ! Thời đó chưa có xe Vespa mà chú tớ vẫn sưu tầm được, thế mới quý!
Hậu quả của sự phát hiện
- Sao mặt mày cậu bí xị và 2 tai bị te tua hết vậy?
- Đó là hậu quả sự phát hiện của phái đẹp.
- Nghĩa là nhiều phụ nữ hễ phát hiện được tai cậu là xông vào thi nhau véo cho te tua à?
- Không phải thế. Tai bên trái của tớ te tua là do vợ tớ phát hiện tớ có bồ nhí.
- Thế còn tai bên phải?
- Là do bồ của tớ phát hiện tớ đã có vợ.
|