Từ năm 1997 đến nay, Bình Định được xem như một trong những nơi phát hiện nhiều trống đồng nhất các tỉnh phía nam. Theo những người quản lý bảo tàng Bình Định cho biết, kể cả những trống bị mất, cho đến nay đã có khoảng trên 20 trống được tìm thấy trên vùng đất này. Đó là một hiện tượng lạ mà ít nơi nào có được.
|
Một trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
|
Đặc biệt của những trống đồng phát hiện tại vùng này đó là những trống loại I có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên, và đều là những trống đẹp. Đáng tiếc là tất cả đều trong tình trạng vỡ, không có chiếc nào nguyên vẹn. Chính giữa trống có hình ngôi sao mặt trời 12 tia tỏa đều chung quanh mà theo giới nghiên cứu, các họa tiết xen kẽ giữa các cánh ngôi sao phản ánh ý tưởng phồn thực quan niệm về âm dương, giải thích cái khởi đầu của sự sống, và nảy nở sinh sôi của sự vật. Những vòng hoa văn quanh ngôi sao, biểu tượng Thần Mặt trời là những vòng hoa văn hình chữ S, hoa văn hình tròn chấm giữa, răng lược, các đường hồi văn hình bình hành thanh nhã như vết sáng liên tục của các tinh tú chuyển dịch không ngừng trong vũ trụ quanh mặt trời. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng đó là những bức thông điệp về thiên văn của nền văn minh cổ xưa gửi cho thế hệ mai sau. Có người còn mạnh dạn hơn cho đó như bản nông lịch được hình thành trong quá khứ lâu dài, chinh phục thiên nhiên.
Xen kẽ giữa những đường hoa văn là những đường kẻ chìm – nổi, định rõ quĩ đạo chuyển động của các tinh tú, muôn vật trong thiên nhiên; Những hoa văn đường tròn tiếp tuyến, tạo thành những vòng tròn đồng tâm chia thành 3600 ứng với 12 cung tháng tính theo tuần trăng và 30 ngày (năm nông lịch) gần đúng chu kỳ mặt trời. Bản chất cuộc sống và con người được mô tả trên trống đồng được thể hiện một cách tài hoa, nó chứng tỏ đầu óc thẩm mỹ tinh tế của người Việt thời Đông Sơn.
Là một nhạc khí tiêu biểu điển hình nhiều mặt thời Hùng Vương, khác với các gờ thành vốn còn mong manh ở cồng chiêng thì ở trống đồng đã kéo thành tang, thân và chân đã khiến cho nó trở thành cái thùng chứa âm thanh cộng hưởng và truyền âm thanh độc đáo. Vào thời kỳ còn hưng thịnh (thời đại đồ đồng), tiếng nhạc “tùng chinh” của trống đồng kỳ vĩ hòa nhịp vào âm thanh sinh động của các sênh, khèn, phách làm nền cho lời điệu vũ vui được mùa, lễ hội xuống đồng, lễ mừng lúa mới. Vẻ đẹp nhuần nhị của trống đồng, cả hình thức lẫn nội dung là vẻ đẹp của con người Việt Nam thời dựng nước, con người làm ăn và đánh giặc, tự tin và giàu lòng thương yêu của một dân tộc yêu mùa xuân.
Biết đâu vào thời ấy, trong dịp hội mùa xuân sắc, các dân tộc anh em trên đất nước ta và bạn bè xa gần đã tìm đến với nhau qua tiếng trống đồng linh thiêng. Biết đâu, những chiếc trống đồng Bình Định là những kỷ vật của vua Hùng ban tặng cho các thủ lĩnh, bộ lạc trên vùng đất này, để ghi nhận tình hữu nghị anh em, biểu hiện thiện chí hòa bình, hòa hợp dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống thiết tha yêu độc lập, tự do.
Chắc rằng khi vào đất Bình Định, những chiếc trống đồng này đã có một thời cất lên bài ca hùng tráng trong những ngày lễ, ngày hội truyền thống của những cư dân bộ lạc trên vùng đất Vĩnh Thạnh (Bình Định), đã lôi cuốn họ vào mùa xuân mang dáng dấp sông Hồng, núi Tản. Nó mang lại cho mảnh đất xa xăm này ánh sáng mới, niềm vui mới, âm vang và lòng tự tin của văn hóa sông Hồng, của cố đô Phong Châu. Cùng với những nhạc khí địa phương, những chiếc trống đồng Bình Định đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các dân tộc anh em thời cổ, đặt nền móng đầu tiên cho một quốc gia thống nhất sau này.
|