Về bức tranh “giả vương” Phạm Công Trị
19:32', 3/3/ 2009 (GMT+7)

Đọc bài viết “Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung” của tác giả Lê Viết Thọ, đăng trên báo Bình Định số Xuân Kỷ Sửu, chúng tôi cho rằng có một số vấn đề chưa xác đáng. Xin được phép lạm bàn thêm...

 

Giả vương Phạm Công Trị (ảnh 1)

 

Đoạn mở đầu bài viết có ghi: “Trên tờ Hồn Việt (Hội Nhà văn Việt Nam) số 9, phát hành ngày 1.3.2008, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố một tài liệu mới. Trong đó, có một chi tiết quan trọng: bức họa chân dung xưa nay ta tưởng nhầm là của giả vương Quang Trung, đích thực là bức họa chân dung vua Càn Long thời trẻ, do Lương Thế Ninh, một họa sĩ cung đình của triều Thanh, vẽ”. Đăng kèm bài viết là bức ảnh Phạm Công Trị hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung với chú thích: Bức ảnh xưa nay vẫn nhận lầm là vẽ “giả vương Quang Trung”.

Là người ít nhiều quan tâm đến lịch sử, nhất là những gì nói về Hoàng đế Quang Trung, tôi không khỏi giật mình trước “phát hiện” trên vì nó có gì đó chưa ổn, xin trao đổi lại với tác giả Lê Viết Thọ cùng nhà nghiên cứu mà tác giả Lê Viết Thọ trích dẫn.

1. Lâu nay qua sử sách chúng ta biết, sau khi đại phá 29 vạn quân Thanh, để giữ mối giao hảo giữa hai nước và hòa bình cho muôn dân, vua Quang Trung đã tiến hành cầu phong, sau đó cử người cháu có ngoại hình khá giống với mình là Phạm Công Trị làm giả vương sang Thanh chầu vua Càn Long. Vua Càn Long sinh năm 1711, như vậy khi Quang Trung đại phá quân Thanh (năm 1789), Càn Long đã 79 tuổi và năm sau (1790) tức là khi tiếp phái đoàn hoàng đế nước ta sang chầu đồng thời mừng thọ “bát tuần” thì Càn Long đã 80 tuổi.

Trong bài báo nói trên, tác giả Lê Viết Thọ viết: Đại Nam Liệt Truyện (quyển 30) lại chép: “Tới khi vào bệ kiến từ biệt về nước, vua nước Thanh gọi đến gần bên giường, vỗ vào vai yên ủy dặn bảo ôn tồn; sai thợ vẽ hình của mình đem cho”. Nếu đúng như thế, hình ban cho Nguyễn Huệ là hình của vua Càn Long, vì chính trong tài liệu của nhà Thanh cũng còn lưu lại nhiều văn thư mà vua Quang Trung xin một tấm hình của vua Cao Tông để đem về. Trong Đại Việt quốc thư cũng có một tờ thiếp gửi Phúc Khang An để nhờ ông này tâu lên vua Càn Long về yêu cầu đó. Không hiểu sao, khi sang “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” lại đổi sang thành hình vua Quang Trung. Có lẽ các tác giả “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” chép lầm; cũng có thể do người đọc hiểu sai ý câu văn, vì “vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho” có thể hiểu là tượng truyền thần của vua Quang Trung hay của vua Càn Long đều được.

 

Vua Càn Long (ảnh 2)

 

“Sai thợ vẽ hình của mình đem cho” nghĩa là vẽ tại chỗ, vẽ chính lúc tiếp kiến. Vào năm 1790, nếu vẽ Càn Long thì “sản phẩm” phải là một ông già, còn vẽ Quang Trung sẽ có hình một người chưa tới 40. Đối chiếu với hình vẽ lâu nay vẫn gọi là hình Phạm Công Trị ta thấy rõ ràng vua Càn Long, một ông già 80 tuổi, không thể có gương mặt và phong thái của một người trong độ tuổi trung niên như thế. Điều này chứng tỏ lập luận như trên rất thiếu thuyết phục. Không thể có chuyện hiểu nhầm ý của vua Càn Long ở đây được. Dẫn lại Đại Nam Liệt Truyện chính biên (quyển 30) về sự kiện này, hai tác giả Vũ Minh Giang và Vũ Văn Quan trong tập tư liệu về Tây Sơn - Nguyễn Huệ xây dựng đất nước, Sở Văn hóa Thông tin Bình Định xuất bản năm 2003, đã viết: “Đến khi giả vương từ biệt dưới bệ để về nước, vua Thanh gọi giả vương đến gần bên sạp ngự đích thâm vỗ vai giả vương an ủi dạy bảo ôn tồn, sai họa công vẽ hình giả vương mà ban tặng” (trang 100). Muốn biết nguyên văn câu này cần có câu chữ từ bản gốc, tiếc rằng lúc này tôi chưa có.

Trường hợp suy luận theo hướng Quang Trung ngỏ ý xin hình và Càn Long chấp thuận thì chẳng lẽ Càn Long lại tuyển trong “album” lấy ra một tấm hình của mình từ vài chục năm về trước để ban tặng?

2. Trong điều kiện hiện nay, không khó để tìm ra hình ảnh vua Càn Long trên nhiều sách báo và trang web. Tôi thử lấy một tấm hình vua Càn Long đăng trên Wikipedia (chưa rõ năm vẽ và chắc không phải hình giả) để so sánh (dù hơi khập khiễng) với giả vương Phạm Công Trị (ảnh 1 và 2).

Nếu có chuyên môn hay kiến thức về đặc điểm khuôn mặt, trang phục (áo, mũ hay giáp trụ), vũ khí, rồi dùng phương pháp phóng to, thu nhỏ chắc sẽ không khó để khẳng định “ai là ai” qua hai bức ảnh trên. Gương mặt có thể thay đổi theo thời gian và dễ lẫn lộn, song trang phục và vũ khí, đặc biệt là của hoàng đế hay tướng quân mang đặc trưng Thanh hay Việt, ắt hẳn các nhà nghiên cứu sẽ phân biệt không khó. Với những gì nhìn thấy trên phim ảnh Trung Quốc (vốn được làm rất cẩn trọng) về các triều đại nhà Thanh, tôi thấy khó tin vào “phát hiện”: ảnh 1 là Càn Long thời trẻ.

 

Hoàng đế Càn Long trong bộ giáp phục ngồi trên lưng ngựa (ảnh 3)

 

Tìm kiếm trên mạng, tôi còn thấy một bức vẽ khác về vua Càn Long của họa sĩ cung đình người Ý là Giuseppe Castiglione (tên Trung Quốc là Lang Shining, 1688-1766), tên bức vẽ là “Hoàng đế Càn Long trong bộ giáp phục ngồi trên lưng ngựa” (‘’The Qianlong Emperor in Ceremonial Armour on Horseback’’) được vẽ vào năm 1739 hay 1758. Lang Shining phiên âm sang tiếng Việt chính là Lương Thế Ninh và nhân vật trong bức vẽ “Hoàng đế Càn Long trong bộ giáp phục ngồi trên lưng ngựa” do vị họa sĩ cung đình này thực hiện (ảnh 3) không thể nhầm lẫn với người trong “tranh Phạm Công Trị” được. Nhìn vào gương mặt, giáp phục và những mũi tên trong bức tranh này, không ai có thể nhầm lẫn người trong tranh với người mà ta vẫn biết là Phạm Công Trị trong bức tranh phía trên, mặc dù tư thế người trong hai bức tranh tương tự như nhau.

Nghiên cứu, viết về các nhân vật lịch sử, theo tôi, cần hết sức thận trọng. Rất mong tác giả Lê Viết Thọ kiểm tra lại nguồn bài viết của tác giả Nguyễn Đắc Xuân và thông tin cho bạn đọc Báo Bình Định xem có căn cứ nào khác hơn không, chứ lập luận như trên mà cho rằng “bức hình mà lâu nay vẫn nhận lầm là vẽ giả vương Quang Trung chính là một bức tranh khá nổi tiếng của nhà Thanh vẽ vua Càn Long khi ông còn trẻ” thật không ổn.

  • Nguyễn Thành Hải
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về những tượng Linga-Yony phát hiện ở Bình Định  (03/03/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/03/2009)
“Cấp ủy và thủ trưởng các ngành, các cấp cần chuyển biến trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành…”  (19/01/2009)
Tư tưởng đoàn kết trong tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/01/2009)
Mùa xuân và hy vọng  (19/01/2009)
Tưng bừng sắc xuân trên quê hương người anh hùng áo vải  (19/01/2009)
Hình ảnh Vua Quang Trung vào Thăng Long  (19/01/2009)
Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung  (19/01/2009)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những mẩu rời  (19/01/2009)
Bức ảnh “Hoàng đế Quang Trung” của Đào Tiến Đạt  (18/01/2009)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (18/01/2009)
Vực dậy cây chè Gò Loi  (18/01/2009)
Sắc xuân bến cảng  (18/01/2009)
Cung đường mùa xuân  (18/01/2009)
“Ai về Bình Định…”  (18/01/2009)