Vì sao họ bị cưỡng chế giáo dục lao động?
19:47', 3/3/ 2009 (GMT+7)

Công an phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) giáo dục đối tượng chậm tiến. Ảnh: Kim Dũng

Khoảng 1 tuần trước Tết Kỷ Sửu - 2009, CA các địa phương trong tỉnh đã lần lượt thu gom, cưỡng chế đưa vào giáo dục lao động tại Trại A1 Phú Yên 27 đối tượng. Có lẽ hơn ai hết, những đối tượng này hiểu rõ vì sao họ bị cưỡng chế đưa vào trại tập trung khi cái Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần.

Theo quy định của Chính phủ, trước khi bị cưỡng chế đưa vào Trại giáo dục lao động (TGDLĐ - đối với đối tượng từ 18 tuổi trở lên) và Trường giáo dưỡng (TGD- từ 13 đến dưới 18 tuổi) các đối tượng phải được đưa vào diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng theo NĐ163/CP nhưng không chịu sửa chữa, tiếp tục có những vi phạm về ANTT, nhân dân địa phương thông qua cuộc họp dân biểu quyết không công nhận tiến bộ. Việc xét duyệt để đưa đối tượng vào TGDLĐ và TGD căn cứ vào hồ sơ vi phạm về ANTT  của đối tượng do CA địa phương lập, được tiến hành từ cơ sở và được nhân dân đề nghị, sau đó Hội đồng tư vấn của tỉnh gồm đại diện các ngành nội chính…xem xét lại trước khi trình cấp thẩm quyền ra quyết định.

Với trình tự tiến hành đó cho thấy việc đưa đối tượng vào TGDLĐ và TGD là biện pháp cuối cùng nhằm giúp đối tượng tiến bộ, trở thành công dân tốt đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa tội phạm, giữ gìn ANTT ở cơ sở. Và cũng chính việc xét duyệt cẩn trọng, thể hiện tính dân chủ cao và được tiến hành với một quy trình nghiêm ngặt, cho thấy những vi phạm về ANTT của 27 đối tượng bị cưỡng chế vào Trại A1 đợt vừa qua (cũng như các đối tượng bị cưỡng chế trong những lần trước đó) diễn ra có hệ thống và ngấp nghé ngưỡng tội phạm với nhiều hành vi vi phạm khác nhau, tiềm ẩn nhiều hậu quả về ANTT khó lường. Tất cả trong số họ, đều đã có tiền sự về những hành vi vi phạm ANTT và không ít người còn có tiền án. Điển hình như Nguyễn Minh Đức (SN 1987, ở thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ), năm 2004, mới 17 tuổi, đã bị tòa án huyện Phù Mỹ tuyên phạt 3 tháng tù giam về tội trộm cắp. Sau khi ra trại, Đức tiếp tục vi phạm, như trộm cắp tiền của cô ruột là bà Nguyễn Thị Cúc; ném đá làm vỡ đèn pha mô tô của anh Nguyễn Đức Lượng ở cùng thôn…Với những hành vi vi phạm có hệ thống nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự, ngày 15.8.2008, UBND thị trấn Bình Dương đã ra quyết định đưa Đức vào diện quản lý giáo dục tại cộng đồng thời hạn 6 tháng. Trong thời gian này, Đức liên tiếp gây ra những vụ vi phạm khác, như đêm 17.8.2008 dùng dao chém anh Lương Đức Lượng gây thương tích; ngày 20.9, cùng một số đối tượng hư hỏng, chậm tiến khác dùng hung khí đánh các anh Trần Quốc Duy, Hà Chí Vũ, Nguyễn Quốc Tín ở cùng thôn gây thương tích…

Đỗ Ngọc Sính (SN 1956, ở An Nội Bắc xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn) bị bắt vào trại A1 18 tháng, để lại cho vợ con những ngày Tết buồn bã, tủi hổ. Với một gia đình đàng hoàng, con đầu năm nay đã 25 tuổi, nếu lương thiện làm ăn thì Đỗ Ngọc Sính sẽ là một nông dân hạnh phúc. Nhưng, thói nát rượu và tánh vũ phu đã đẩy người đàn ông này vào con đường hư hỏng, nhiều lần say rượu gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản người khác, đánh vợ con. Cái giá đầu tiên ông ta phải trả là việc bị bắt đưa vào Trại A1 Phú Yên vào ngày 20.11.2002. Nhiều người, trong đó có vợ con ông Sính hy vọng sau 12 tháng học tập, lao động cải tạo, ông ta sẽ nhận ra sai trái và tích cực sửa chữa để trở thành người tốt. Nhưng không ngờ, sau ngày ra trại, Sính vẫn tánh nào tật đó, tiếp tục say rượu và mỗi lần say, nếu không hành hạ vợ, đánh con, người đàn ông này cũng tìm cách gây gổ với hàng xóm, thậm chí vô cớ hành hung họ. Ngày 9.7.2008, sau khi uống rượu, Sính biết bà Nguyễn Thị Sơn ở cùng thôn có nợ vợ mình một số tiền nên đã đến đòi để đi nhậu tiếp. Bà Sơn không trả, Sính đã hành hung, đánh bà gây thương tích. Mỗi lần Đỗ Ngọc Sính vi phạm, CA xã Hoài Sơn đều lập biên bản, sau đó triệu tập đến trụ sở để xử lý. Tuy nhiên, người đàn ông này không thể hiện thái độ tôn trọng chính quyền, ông ta đã không chấp hành đúng ngày giờ mà sau đó trong trạng thái say rượu còn đến CA xã quậy phá, chưởi bới, xúc phạm cán bộ địa phương. Bị UBND xã Hoài Sơn đưa vào diện giáo dục tại địa phương thời hạn 6 tháng, thì trong 6 tháng đó, Đỗ Ngọc Sính tiếp tục vi phạm, như đánh vợ con, dùng cuốc, rựa hành hung hàng xóm, gây rối trật tự công cộng. Với một người chuyên gieo rắc bất an cho làng xóm, bà con nơi ông Đỗ Ngọc Sính cư trú đã biểu quyết đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định đưa ông ta vào Trại A1 một lần nữa.

Ngoài hai đối tượng trên, 25 người bị cưỡng chế đưa vào Trại A1 trước Tết Kỷ Sửu vừa qua đều có những vi phạm tương tự. Sống buông thả, coi thường pháp luật, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, thường xuyên say sưa, có hành vi côn đồ là nguyên nhân chủ yếu dẫn họ đến con đường hư hỏng. Khi được giáo dục tại cộng đồng, họ không nhìn thấy ở những người bà con láng giềng sự chân thành, lòng độ lượng nên đã tỏ thái độ thách thức, từ đó càng ngày càng lún sâu vào con đường hư hỏng. Điều đó, hơn ai hết các đối tượng trên là người hiểu rõ nhất, vì vậy họ không thể trách cứ ai, có chăng đó là sự ân hận.

Mong sao, sự ân hận muộn màng đó sẽ giúp họ học tập, lao động tiến bộ, sớm trở thành người lương thiện sau này.

  • Mai Linh Giang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về bức tranh “giả vương” Phạm Công Trị  (03/03/2009)
Về những tượng Linga-Yony phát hiện ở Bình Định  (03/03/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/03/2009)
“Cấp ủy và thủ trưởng các ngành, các cấp cần chuyển biến trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành…”  (19/01/2009)
Tư tưởng đoàn kết trong tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/01/2009)
Mùa xuân và hy vọng  (19/01/2009)
Tưng bừng sắc xuân trên quê hương người anh hùng áo vải  (19/01/2009)
Hình ảnh Vua Quang Trung vào Thăng Long  (19/01/2009)
Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung  (19/01/2009)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những mẩu rời  (19/01/2009)
Bức ảnh “Hoàng đế Quang Trung” của Đào Tiến Đạt  (18/01/2009)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (18/01/2009)
Vực dậy cây chè Gò Loi  (18/01/2009)
Sắc xuân bến cảng  (18/01/2009)
Cung đường mùa xuân  (18/01/2009)