KỶ NIỆM 54 NĂM, NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2009)
Những người sống bằng cả trái tim và khối óc
20:5', 3/3/ 2009 (GMT+7)

Khoa Hồi sức cấp cứu ngoại (Bệnh viện đa khoa tỉnh). Một ngày như mọi ngày. Tính mạng bệnh nhân như “chỉ mành treo chuông”. Y - bác sĩ làm việc không ngơi tay. Vẫn sức ép căng thẳng của công việc lẫn trong ánh mắt mong mỏi của người nhà bệnh nhân… Tất cả đã làm nên nét đặc thù riêng của những con người cống hiến cho nghiệp lương y bằng cả trái tim và khối óc.

 

Căng thẳng trong phòng mổ.

 

* Nơi “đầu sóng, ngọn gió”

Hẳn nhiên thế, khoa Hồi sức cấp cứu ngoại là nơi trực tiếp điều trị, hồi sức cấp cứu những ca bệnh nặng. Đặc thù này đòi hỏi sự nhanh nhạy, xử trí kịp thời của các y - bác sĩ mới có thể cứu sống được người bệnh.

Đây cũng là nơi số lượng bệnh nhân đến điều trị rất đông, nên bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải. Toàn khoa chỉ có 26 giường bệnh và 6 phòng mổ, nhưng trung bình một ngày có khoảng 50-60 ca bệnh được phẫu thuật. Trong khi đó, số bác sĩ của khoa vẫn còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao. Có thể nói, đây là khó khăn, thử thách đối với các y - bác sĩ của khoa trong việc đảm bảo triển khai cấp cứu, phẫu thuật kịp thời đối với những ca bệnh nặng.

Trước tình hình đó, lãnh đạo khoa quyết định tổ chức thực hiện các ca mổ thông tầm. Các êkíp mổ của khoa thay phiên nhau liên tục đứng trong phòng mổ cả ngày lẫn đêm. Đồng thời, khoa tổ chức phẫu thuật ngoài giờ, cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân.

Để có đội ngũ nhân lực đáp ứng cường độ làm việc căng thẳng nói trên, lãnh đạo khoa đã cho đan xen các hình thức đào tạo và học tập tại chỗ. Bây giờ, mỗi nhân viên của khoa có thể làm được nhiều việc, ví như chuyện kỹ thuật viên gây mê học phụ dụng cụ và điều dưỡng dụng cụ học phụ gây mê. Chính cách làm này đã khắc phục phần nào tình trạng quá tải bệnh nhân và thiếu nhân lực y tế.

Nhiều ca bệnh nặng “thập tử, nhất sinh” đã được các y - bác sĩ của khoa phẫu thuật kịp thời cứu sống. Đặc biệt, là những trường hợp chấn thương sọ não nặng, xuất huyết tiêu hóa nặng, shock nhiễm trùng, shock đa chấn thương, hay shock mất máu nặng. Đơn cử như trường hợp anh Lê Nguyên Vinh, 27 tuổi, ở TP. Quy Nhơn, vào viện với chẩn đoán vết thương thấu ngực, bụng do dao đâm xuyên dạ dày, đứt cuốn lách, xuyên cơ hoành, tổn thương phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, mất máu nặng. Hay như trường hợp bà Nguyễn Thị Kế, 52 tuổi, ở huyện Phù Cát, nhập viện hồi cuối năm 2008 được chẩn đoán tắc mạch do mỡ sau phẫu thuật lấy mỡ tạo hình ở bụng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, sốt cao liên tục.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu ngoại, cho biết: “Những chẩn đoán tắc mạch phổi, tổn thương đa tạng do dao đâm như trường hợp anh Vinh, bà Kế nếu không nhanh nhạy trong chẩn đoán và kịp thời phẫu thuật cấp cứu thì người bệnh có thể tử vong”.

Bằng tấm lòng, kinh nghiệm chuyên môn, các y - bác sĩ của khoa đã cứu sống rất nhiều người bệnh, mang lại niềm vui cho gia đình bệnh nhân.

* Bằng cả trái tim và khối óc

Nhân viên y tế phải luôn sống trong áp lực công việc lẫn người nhà bệnh nhân. Với đặc thù bệnh nhân nặng nên chỉ cần một chút sơ suất nhỏ của nhân viên y tế trong khoa cũng có thể gây hoang mang, lo lắng đối với người nhà bệnh nhân. Mặt khác, áp lực “giữ gìn” người thầy thuốc của các y- bác sĩ của khoa Hồi sức cấp cứu ngoại cũng không phải ít. “Chỉ cần một chút “nhẹ lòng”, người thầy thuốc rất dễ bước qua “ranh giới” y đức. Vì thế, chúng tôi đã xác định sống với “chức nghiệp”, thì phải biết lấy niềm vui và hạnh phúc của bệnh nhân làm niềm vui và hạnh phúc của mình” - chị Nguyễn Thị Hoàng, điều dưỡng của khoa tâm sự.

Nhiều năm liền, với sự nỗ lực, cố gắng, tập thể khoa đã thực hiện hồi sức tốt bệnh lý ngoại khoa, gây mê tốt cho mọi phẫu thuật của hệ ngoại và hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu do bệnh viện giao. Đặc biệt, năm 2008, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú theo chỉ tiêu của khoa là 3.163 ca, nhưng con số đã vượt lên đến hơn 5.000 ca; các chỉ số phẫu thuật trung, đại phẫu đều tăng từ 7.500 ca lên đến 11.000 ca.

Thiếu nhân lực; bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải, nhưng tập thể y - bác sĩ của khoa vẫn luôn ý thức học tập, trau dồi thêm chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt việc xử lý tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Ngoài các lớp học tại chỗ, khoa vẫn tạo điều kiện để cử êkíp tham gia học các lớp mổ tim hở và ghép tạng ở các bệnh viện đầu ngành.

Các đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng vào thực tiễn điều trị bệnh cũng được phát huy, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Năm 2008, tập thể khoa có 10 đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó có 2 đề tài được đề xuất công nhận bằng lao động sáng tạo. Đó là đề tài “Đánh giá hiệu quả thông khí một phổi trong phẫu thuật lồng ngực” của bác sĩ Nguyễn Văn Huấn và đề tài “Gây mê vòng kín lưu lượng thấp” của bác sĩ Nguyễn Thành.

Tuy phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng các y- bác sĩ của khoa cùng động viên nhau vượt qua, để thực hiện từ những ca mổ đơn giản đến những ca mổ phức tạp, từ phẫu thuật trẻ em cho đến người già nhằm mang lại sự sống, tiếng cười hạnh phúc cho người bệnh.

  • Phương Phi
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ bánh tráng quê mình  (03/03/2009)
Vì sao họ bị cưỡng chế giáo dục lao động?  (03/03/2009)
Về bức tranh “giả vương” Phạm Công Trị  (03/03/2009)
Về những tượng Linga-Yony phát hiện ở Bình Định  (03/03/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/03/2009)
“Cấp ủy và thủ trưởng các ngành, các cấp cần chuyển biến trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành…”  (19/01/2009)
Tư tưởng đoàn kết trong tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/01/2009)
Mùa xuân và hy vọng  (19/01/2009)
Tưng bừng sắc xuân trên quê hương người anh hùng áo vải  (19/01/2009)
Hình ảnh Vua Quang Trung vào Thăng Long  (19/01/2009)
Những phát hiện mới về Hoàng đế Quang Trung  (19/01/2009)
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những mẩu rời  (19/01/2009)
Bức ảnh “Hoàng đế Quang Trung” của Đào Tiến Đạt  (18/01/2009)
Khu kinh tế Nhơn Hội mùa xuân này  (18/01/2009)
Vực dậy cây chè Gò Loi  (18/01/2009)